Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu lâm sản trong 11 tháng năm 2022 đã đạt 15,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến xuất khẩu lâm sản cả năm 2022 sẽ đạt mốc kỷ lục 17 tỷ USD.
Báo cáo của Forest Trends (nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam) cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2022 tăng 15,2% so với cùng kỳ 2021. Các mặt hàng quan trọng có tốc độ tăng trưởng mạnh bao gồm dăm gỗ, viên nén và đồ gỗ. Trong đó, lượng xuất khẩu viên nén đạt gần 3,9 triệu tấn trong 10 tháng đầu năm 2022, tăng 34% so với cùng kỳ 2021, trị giá 602,7 triệu USD. Tiếp theo là dăm gỗ, trong 10 tháng xuất khẩu đạt 13,5 triệu tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2021, trị giá 2,35 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh kể từ tháng 3 và đạt đỉnh vào tháng 8, sau đó có xu hướng giảm.
Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường quan trường quan trọng nhất của Việt Nam. Riêng kim ngạch từ thị trường Mỹ vượt xa kim ngạch từ các thị trường khác. Trung Quốc và Nhật Bản có tốc độ mở rộng kim ngạch mạnh nhất, tiếp đến là EU và Hàn Quốc.
Về bức tranh xuất khẩu đồ gỗ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, năm 2022 ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gặp khó khăn nhưng trị giá xuất khẩu lâm sản 11 tháng vẫn ước đạt 15,6 tỷ USD, cả năm 2022 ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2021, vượt mục tiêu kế hoạch xuất khẩu 16,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Trị, bước sang năm 2023 xuất khẩu lâm sản vẫn sẽ gặp khó khăn. Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu về những sản phẩm này tại thị trường Mỹ, EU giảm vì người dân thắt chặt chi tiêu do lạm phát kéo dài. Bên cạnh đó vấn đề nguyên liệu cũng là một trong những thách thức không nhỏ đối với ngành gỗ xuất khẩu. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng khoảng 60 - 70% nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước là gỗ nhỏ, chủ yếu để chế biến dăm gỗ và viên nén. Gỗ rừng trồng đạt tiêu chuẩn cho chế biến đồ gỗ xuất khẩu chỉ mới đạt khoảng 30 - 40% trong tổng khối lượng rừng thu hoạch.
Để vượt qua khó khăn, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp (DN) cần thay đổi tư duy kiếm tiền bằng sự cần mẫn trong sản xuất, lấy công làm lời, mà cần phải xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Xây dựng thương hiệu sẽ giúp DN có điều kiện phát triển tầm nhìn, định hướng, tăng nguồn khách hàng tự tìm đến, dễ tiếp cận thị trường quốc tế và tối ưu hóa lợi nhuận.
Còn theo ông Jean Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, với mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam, muốn tăng trưởng xuất khẩu cần phải đáp ứng các điều kiện như giấy phép VPA/Flegt, giấy phép CITES, tiếp đó là các tiêu chuẩn ESG, phát thải CO2…
Nhằm tháo gỡ cho ngành gỗ hiện Bộ NN&PTNT đang xây dựng Nghị định về xây dựng thương hiệu những mặt hàng chủ đạo của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, để hỗ trợ DN phát triển thương hiệu, Tổng cục Lâm nghiệp kiến nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Tham tán thương mại tại nước ngoài hỗ trợ các DN chế biến gỗ trong các hoạt động liên quan đến việc xây dựng, phát triển thương hiệu gỗ Việt tại nước ngoài. Về phía các DN cần thực hiện sản xuất có trách nhiệm với xã hội, môi trường, không sử dụng gỗ bất hợp pháp để nâng cao hình ảnh, uy tín của sản phẩm gỗ Việt trên thị trường quốc tế.
Nhận xét
Đăng nhận xét