Chứng khoán Shinhan cho biết, giá trị xuất khẩu ngành gỗ trong tháng 10 đã tăng 7,6% so với tháng trước và dự báo Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu năm nay nhờ xu hướng kim ngạch xuất khẩu cao trong quý IV.
Trong báo cáo về ngành gỗ, Chứng khoán Shinhan cho rằng giá hợp đồng tương lai gỗ năm nay có xu hướng giảm mạnh từ vùng đỉnh trong quý I do tình hình kinh tế ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi lạm phát, dẫn tới nhu cầu xây nhà, sửa chữa nhà cửa giảm.
Người dân có xu hướng ưu tiên cho ngành hàng thiết yếu, cắt giảm chi tiêu đối với các nhóm không thiết như sản phẩm gỗ. Số đơn hàng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) cũng có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận gộp ngành gỗ có sự cải thiện tương ứng do đặc thù ngành sản xuất sản phẩm gỗ, các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng công nghệ bán tự động, giúp gia tăng giá trị sản phẩm đầu ra. Cụ thể, doanh thu, lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm nay của ngành G&SPG vẫn tăng trưởng lần lượt 17%, 23% và 17% so với cùng kỳ.
Giá trị xuất khẩu G&SPG tăng nhẹ trong tháng 10 so với tháng trước, đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 7,6% so với tháng trước; tăng 26,1% so với cùng kỳ.
Tổng giá trị xuất khẩu G&SPG trong 10 tháng của Việt Nam đạt 13,47 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ, hoàn thành khoảng 83% mục tiêu cả năm (16 – 16,5 tỷ USD). Vì thế, kim ngạch xuất khẩu trung bình G&SPG trong 2 tháng còn lại của năm cần đạt khoảng 1,2 – 1,5 tỷ USD mỗi tháng để hoàn thành mục tiêu.
Dựa vào dữ liệu quá khứ, kim ngạch xuất khẩu G&SPG ở quý IV các năm tương đối cao, đặc biệt là trong tháng 11 và 12, so với các tháng trước do lễ Giáng Sinh đến, kèm theo nhu cầu trang trí và thiết kế nhà ở, nội thất cuối năm để đón Giao thừa năm mới. Do đó, Việt Nam vẫn có khả năng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu G&SPG năm 2022 như đã đề ra.
Chứng khoán Shinhan cũng dự báo giá hợp đồng tương lai gỗ vẫn tiếp tục điều chỉnh trong năm 2023 do tình hình vĩ mô thế giới vẫn chưa ổn định.
Dù chi phí nguyên vật liệu thế giới giảm, các doanh nghiệp trong ngành ghi nhận số đơn hàng giảm mạnh do nhu cầu trong nước cùng xuất khẩu có xu hướng chững lại. Ngoài ra, chi phí lãi vay cao cũng là gánh nặng lớn đối với các doanh nghiệp có cơ cấu nợ vay lớn.
Dự kiến giai đoạn 2022 – 2025, giá trị xuất khẩu G&SPG vẫn tăng trưởng nhưng chưa thật sự ấn tượng. Vì vậy trong thời gian này, Chứng khoán Shinhan cho rằng các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính lành mạnh, đòn bẩy thấp và có tệp khách hàng trung thành sẽ trụ vững.
Ngoài ra, đây còn là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng thị phần thông qua các cơ hội M&A, mua lại các doanh nghiệp gỗ nhỏ khác có tiềm năng nhưng bị ảnh hưởng từ đợt Covid-19 cũng như tình hình vĩ mô hiện tại.
Nhận xét
Đăng nhận xét