Các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đã và đang từng bước khôi phục, trả lại màu xanh cho rừng thông cảnh quan dọc hai bên Quốc lộ 28 đoạn qua huyện Đắk Glong từng bị người dân lấn chiếm, hủy hoại trước đây.
Những ngày này, di chuyển dọc theo Quốc lộ 28 đoạn qua xã Quảng Sơn rất dễ bắt gặp những vạt thông non mới trồng. Phần lớn các cây thông ở đây đã bắt đầu bám rễ vào lòng đất, trở nên xanh tốt.
Tại xã Đắk Ha, cuối năm 2019, hàng loạt cây thông dọc Quốc lộ 28, thuộc tiểu khu 1686 và 1697 bị chết đứng. Đây là khu vực rừng thuộc quản lý của UBND xã Đắk Ha.
Theo xác định của cơ quan chức năng, rừng thông đã bị người dân "đầu độc" với mục đích lấn, chiếm đất. Rừng và đất rừng bị phá, lấn chiếm có sự thiếu trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng.
Sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông yêu cầu chính quyền phải tập trung thu hồi, xử lý các sai phạm để phục hồi lại rừng. Đến nay, xã Đắk Ha đã giải tỏa, thu hồi được gần 4ha đất bị người dân lấn, chiếm và trồng gần 26.000 cây thông để khắc phục hậu quả.
Tại các khu vực mới bị phá khác, xã Đắk Ha trồng phục hồi, bổ sung gần 9.000 cây thông, sao đen (tương đương khoảng 8,1ha).
Còn tại xã Quảng Sơn, trong mùa mưa vừa rồi đơn vị và các ngành chức năng khác của huyện và tỉnh đã trồng được 45ha rừng thông dọc Quốc lộ 28.
Trong số đó, có khoảng 27ha đất rừng thông trước đây được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ quản lý, nhưng bị người dân lấn, chiếm.
Sau đó, chính quyền địa phương đã tổ chức cưỡng chế, thu hồi, bàn giao cho đơn vị quản lý, phục hồi lại rừng. “Qua theo dõi, phần lớn số cây thông mới trồng đều đã phát triển xanh tốt. Chỉ có số ít vị trí thông mới trồng bị phá nhưng diện tích ít, không đáng kể”, lãnh đạo Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn cho hay.
Theo UBND Huyện Đắk Glong, địa phương sẽ tập trung quản lý tốt các diện tích đất trống, đất sau cưỡng chế, thu hồi để hạn chế tình trạng người dân tái chiếm. Việc này nhằm quyết tâm khôi phục lại những cánh rừng thông cảnh quan dọc bên Quốc lộ 28.
Nhận xét
Đăng nhận xét