Giá viên nén, dăm gỗ đã tăng 150-200%, bù đắp cho sự sụt giảm của xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ. Với đà tăng trưởng này, Tổng cục Lâm nghiệp kỳ vọng xuất khẩu lâm sản sẽ đạt hơn 16,4 tỷ USD.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 65% so với tháng 8/2021.
Tính chung 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 11 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại họp báo của Bộ NN&PTNT, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết tăng trưởng của ngành gỗ trong 8 tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá sản phẩm tăng nên kim ngạch xuất khẩu vẫn nhích lên 6%.
Trong đó, một điểm sáng trong ngắn hạn là xuất khẩu viên nén, dăm gỗ chớp được thời cơ khi EU, Nhật Bản và một số nước châu Á tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế cho khí đốt. Giá viên nén, dăm gỗ đã tăng 150-200%, bù đắp cho sự sụt giảm của xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ.
“Nếu tháng 9 và những tháng còn lại, tốc độ tăng trưởng ổn định như tháng 8, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,3 tỷ USD thì ngành lâm sản có thể phấn đấu đến mục tiêu xuất khẩu 16,4 tỷ USD trong năm 2022”, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết.
Dù vậy, 4 tháng cuối năm, ngành gỗ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như cạnh tranh tương mại, tác động xung đột Nga – Ukraine, giá cước vận chuyển, lạm phát…
“Hiện, hàng tồn kho của các doanh nghiệp nhập khẩu vẫn ở mức cao. Thời điểm này, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ bị giảm đơn hàng năm 2022 và chưa nhận được đơn mới cho năm 2023, phải cắt giảm lao động”, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp nói.
Trước những vấn đề về đơn hàng, các doanh nghiệp gỗ đã tham gia nhiều hội chợ đồ gỗ mỹ nghệ trong nước và quốc tế để tìm kiếm các đối tác mới, mở rộng thị trường ở cả nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gỗ Việt cũng đổi mới dây chuyền, công nghệ để giảm giá thành, nâng giá bán.
Về vấn đề Mỹ điều tra phòng vệ thương mại với mặt hàng tủ bếp của Việt Nam, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết đang phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) minh bạch các thông tin, không để doanh nghiệp bán phá giá sản phẩm, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của gỗ Việt.
Ngoài ra, Tổng cục Lâm nghiệp đã cử chuyên gia sang làm việc với phía Mỹ để giải quyết các vướng mắc về pháp lý, đồng thời có kế hoạch phân loại doanh nghiệp, đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Nhận xét
Đăng nhận xét