Theo Tổng cục Lâm nghiệp, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng trưởng cao suốt 10 năm qua nhưng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là đối với các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Báo cáo được trình bày tại “Hội thảo tập huấn cho báo chí về Chuỗi giá trị lâm sản và thực thi Hiệp định VPA/FLEGT” (VPA/FLEGT là Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản) sáng 12/10 cho biết, xuất khẩu gỗ (XKG) và sản phẩm gỗ (SPG) của Việt Nam tăng trưởng cao suốt 10 năm qua.
Theo đó, năm 2021, tổng kim ngạch XKG và SPG đạt 14,72 tỷ USD. Phấn đấu năm 2025 đạt 20 tỷ USD. Năm 2021, XKG và SPG của Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới sau Trung Quốc, Ba Lan, Đức và Ý.
Hiện Việt Nam có hơn 10.000 doanh nghiệp và cơ sở chế biến gỗ (90% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ) cùng 340 làng nghề chế biến gỗ, với năng lực chế biến đạt 32 -36 triệu m3 gỗ/năm, tạo việc làm cho 500.000 lao động.
Ngày 10/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030 (QĐ số 327/QĐ-TTg), với 4 mục tiêu.
Về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đến năm 2025, kim ngạch XKG và lâm sản đạt 20 tỷ USD, trong đó kim ngạch XKG và SPG đạt trên 18,5 tỷ USD. Đến năm 2030, kim ngạch XKG và lâm sản đạt đạt 25 tỷ USD, trong đó kim ngạch XKG và SPG đạt trên 20,4 tỷ USD.
Cùng với đó, giá trị gỗ và SPG tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, trên 6 tỷ USD vào năm 2030. Trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến. 100% gỗ và SPG xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Đặc thù ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam là vừa sản xuất, vừa tiêu thụ gỗ. Thị trường xuất nhập khẩu đa dạng, trong đó, XK đến hơn 100 quốc gia, nhập khẩu từ gần 80 quốc gia, vì thế Việt Nam dễ bị ảnh hưởng khi một trong các thị trường xuất nhập khẩu chủ lực thay đổi quy định pháp luật và chính sách về quản lý rừng và thương mại gỗ.
Chuỗi cung ứng gỗ của Việt Nam dài và phức tạp với nhiều nguồn gỗ (6 loại), đa dạng về thị trường, sự tham gia của nhiều bên liên quan (hơn 10.000 doanh nghiệp, 1 triệu hộ gia đình trồng rừng). Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bị rủi ro cao về chống bán phá giá.
Tổng cục Lâm nghiệp thừa nhận ngành sản xuất, chế biến gỗ Việt phát triển nhanh nhưng chưa bền vững. Cụ thể là chưa có thương hiệu quốc gia, chưa có thương hiệu doanh nghiệp và sức cạnh tranh còn kém, năng lực quản trị doanh nghiệp chưa cao.
Ngành gỗ đã và đang phải đối mặt với các quy định của quốc tế mới về chống bán phá giá, các vụ kiện phòng vệ thương mại. Mỹ đã khởi kiện 301 vụ, một số nước đã áp thuế bán phá giá lên gỗ dán của Việt Nam.
Hà Anh
Nhận xét
Đăng nhận xét