Việc xác minh tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ cũng như tính hợp pháp của các giao dịch tại khâu trung gian trong chuỗi là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó xuất khẩu gỗ sang các thị trường lớn trong thời gian vừa qua.
Câu trả lời làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, người trồng rừng, cũng như các công ty chế biến gỗ đã được các chuyên gia và cơ quan quản lý đồng nhất quan điểm là giải pháp chuyển đổi số, vậy việc chuyển đổi số đang được thực hiện như thế nào?
Những nền tảng số nào đang hỗ trợ ngành gỗ? Ghi nhận của phóng viên Thương gia & Thị trường tại Hội thảo Ứng dụng Chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Các chuyên gia tham dự hội thảo đều cho rằng, mặc dù gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những nhóm mặt hàng xuất khẩu có sự tăng trưởng khá mạnh trong vài năm vừa qua, nhưng đây cũng là sản phẩm bị nhiều nước điều tra phòng vệ thương mại và Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc.
Để sản phẩm gỗ Việt Nam đến với nhiều thị trường xuất khẩu lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…thì các doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu như Quy chế gỗ của Liên minh châu Âu (EUTR 995/2010), Luật Lacey của Mỹ, Luật đảm bảo gỗ hợp pháp của Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Cụ thể, mặt hàng gỗ vào Liên minh châu Âu phải giải trình với cơ quan hải quan châu Âu theo EUTA, doanh nghiệp phải giải trình cung cấp hồ sơ, thực hiện kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu.
Chính vì vậy, để kiểm soát nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ chế biến, Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp lý là Nghị định 102/2020-NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (Nghị định 102).
Bởi, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu từ 2 – 2,5 triệu m3 gỗ quy tròn là gỗ nhiệt đới từ châu Phi, một số quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ, Lào, Campuchia và Papua New Guinea, tương đương từ 40 – 50% trong tổng lượng gỗ tròn và xẻ nhập khẩu.
Với Nghị định 102 doanh nghiệp Việt sẽ giải trình với cơ quan của Việt Nam thay vì với châu Âu. Nói cách khác, đáp ứng Nghị định 102 là “giấy thông hành” cho gỗ Việt vào EU.
Nhằm giải quyết vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp và thực hiện Nghị định 102, một số doanh nghiệp đã kết nối với các chuyên gia, nhà cố vấn trong các lĩnh vực công nghệ và lâm nghiệp để thực hiện chuyển đổi số trong quản lý truy xuất nguồn gốc gỗ như: hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp Việt Nam, hệ thống hoá các chứng chỉ quốc tế trong quản lý rừng, xuất khẩu lâm sản và xây dựng dữ liệu chứng nhận tin cậy cho doanh nghiệp,…
Các hệ thống này là một giải pháp tối ưu trong việc xác minh tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ cũng như tính hợp pháp của các giao dịch tại các khâu trung gian trong chuỗi.
Thực hiện ứng dụng chuyển đổi số, Hội Mỹ Nghệ Gỗ Đồng Kỵ đã kết nối với Viện Tài Nguyên Thế giới (World Resource Institute -WRI), Học Viện Khoa Học Lâm Nghiệp Việt Nam và Tập Đoàn Bureau Veritas Việt Nam tổ chức hội thảo ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC GỖ HỢP PHÁP (OPEN TIMBER PORTAL & ITWOOD) nhằm hổ trợ thúc đẩy sản xuất và thương mại gỗ hợp pháp.
Tại hội thảo TS. Hoàng Liên Sơn – Giám đốc TT Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp – Học viện Lâm Nghiệp Việt Nam đã giới thiệu về nền tảng công nghệ thông tin hệ thống truy xuất thông minh nguồn gốc và quản lý chuỗi cung gỗ hợp pháp ITWOOD.
Nền tảng này phù hợp với doanh nghiệp nhập khẩu gỗ và sản xuất gỗ, được tích hợp các tính năng đơn giản trên điện thoại, máy tính nền tảng có thể giúp các doanh nghiệp, hộ dân sử dụng dễ dàng.
Đồng thời, giúp doanh nghiệp gỗ thu thập và lưu trữ hồ sơ hợp pháp của gỗ từ những nhà cung cấp tuyến trên (chủ rừng, nhà xuất khẩu gỗ..) đến quy trình sản xuất ra thành phẩm; tất cả thông tin về nguồn gốc và tính hợp pháp của gỗ sẽ được thể hiện qua một mã QR Code.
Điều này cũng giúp người mua nắm rõ nguồn gốc và tính hợp pháp và doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian, và nhân lực cho công tác lưu trữ, chứng minh và xác minh nguồn gốc.
Trong bối cảnh các thị trường chủ lực đều khắt khe trong việc truy xuất nguồn gốc gỗ, các doanh nghiệp buộc phải chủ động thay đổi để có “hộ chiếu xanh” thông quan. Chuyển đổi số đang là hoạt động cấp bách được khuyến khích và ưu tiên hàng đầu của ngành gỗ Việt Nam./
Nhận xét
Đăng nhận xét