(CMO) Dù đã đầu tư nguồn lực rất lớn xây dựng hệ thống đê, đặc biệt là kè phá sóng với mục tiêu gây bồi tạo bãi, bảo vệ đai rừng phòng hộ vốn còn khá mong manh, tuy nhiên rừng ven biển Tây Cà Mau vẫn tiếp tục mất đi với diện tích khá lớn, rất nhiều vị trí đã mất trắng.
Nhiều khu vực trên tuyến rừng phòng hộ biển Tây giờ đã mất trắng, nguy cơ vỡ đê, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, huỷ diệt hệ sinh thái ngọt là rất lớn. (Ảnh chụp tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời). |
Con số vừa được Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, khu vực này đã có khoảng 77 ha rừng và đất rừng bị sạt lở nghiêm trọng, sóng biển cuốn mất.
Rừng phòng hộ biển Tây Cà Mau trải dài từ Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) đến Gò Công (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân). Hiện, chỉ còn khu vực trên địa bàn huyện Phú Tân chưa hình thành đê kiên cố và kè hộ đê bảo vệ đai rừng phòng hộ.
Theo con số được công bố vào giữa năm 2019, rừng phòng hộ biển Tây có tổng diện tích trên 2.474 ha, diện tích đất có rừng là hơn 1.972 ha, trong đó có hơn 1.070 ha rừng tự nhiên.
Rừng phòng hộ biển Tây tiếp tục mất đi dù đã được hình thành tuyến kè phía bên ngoài khá kiên cố, tốn kém. (Ảnh chụp tại bờ Nam Kênh Xáng Mới, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời). |
Theo Quyết định 2047/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ngày 18/11/2019, kế hoạch trồng rừng mới khu vực rừng phòng hộ biển Tây trong giai đoạn 2019-2025, với kinh phí trên 93,5 tỷ đồng, trong đó trồng mới trên diện tích đất bồi trong kè là 239,60 ha. Như vậy, mỗi năm bình quân khu vực này trồng gần 40 ha. Tuy nhiên chỉ mới 8 tháng qua, khi mà mùa mưa bão chưa vào đỉnh điểm mà đã mất đi khoảng 77 ha, thì tốc độ gây bồi tạo bãi để trồng rừng hụt khá xa so với tốc độ sạt lở. Thiên tai được dự báo ngày càng tác động mạnh hơn, nguy cơ mất trắng đai rừng phòng hộ biển Tây là điều có thể xảy ra./.
Trần Nguyên
Nhận xét
Đăng nhận xét