Đại diện Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam thông tin chi tiết về một số doanh nghiệp Việt Nam bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) từ chối bản giải thích, không hợp tác trong cuộc điều tra nghi ngờ né tránh nộp thuế.
Trao đổi với Thanh Niên sáng nay 22.8, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), đã thông tin chi tiết về việc doanh nghiệp gỗ Việt Nam bị phía DOC từ chối chấp nhận bản giải thích, hoặc có hành vi không hợp tác, không trả lời thông tin trong cuộc điều tra nghi ngờ có sự né tránh nộp thuế.
Ông Hoài cho rằng, hiện nay DOC đã có kết luận sơ bộ đối với gỗ dán cứng. Theo đó, 22 doanh nghiệp được DOC đánh giá là không có phản hồi đúng và 14 doanh nghiệp được liệt vào danh sách không hợp tác, không trả lời. Các doanh nghiệp này đang làm giải trình và có đăng ký để được điều trần.
Xuất khẩu gỗ đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp hàng năm THANH NIÊN |
Ông Hoài khẳng định, cuộc điều tra này cũng không phải là điều tra thuế chống bán phá giá, mà gọi là điều tra nghi có sự né tránh nộp thuế, chống bán phá giá và chống trợ cấp áp đặt lên sản phẩm gỗ dán cứng của Trung Quốc vào Mỹ được xuất khẩu đi từ Việt Nam, tức là nghi ngờ có sự né tránh nộp thuế.
Các doanh nghiệp bị đánh giá phản hồi không đúng hoặc bị coi là không hợp tác vì các chủ yếu là do doanh nghiệp của mình vẫn chưa quen với vụ việc tương tự và có lẽ đây là lần đầu tiên các doanh nghiêp cọ xát với điều tra của phía DOC.
Không bao che cho doanh nghiệp làm sai
Cũng theo đại diện của VIFOREST, hành động của phía DOC chỉ là một biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ áp dụng điều tra về khả năng né tránh thuế đang đang được áp đặt vào sản phẩm cùng loại xuất khẩu đi từ Trung Quốc. Để giải quyết được thì cần biện pháp kỹ thuật tức thời và chính sách lâu dài.
Đối với biện pháp tức thời hiện nay, theo ông Hoài, phía VIFOREST đang hỗ trợ các doanh nghiệp có đăng ký tài khoản vào trang web của DOC, cũng như tiếp nhận các thông tin từ DOC để có phản biện kịp thời.
VIFOREST cũng hỗ trợ đăng ký để được tham gia điều trần; đồng thời đề nghị Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) và các cơ quan có liên quan có giao tiếp với phía Hoa Kỳ để phán quyết khách quan, tinh thần là Việt Nam không bao che cho doanh nghiệp làm sai nhưng kiên quyết không làm oan cho các doanh nghiệp làm đúng. Còn về biện pháp mang tính chính sách, chiến lược, lâu dài, các doanh nghiệp, qua đợt này cũng cần phải xem xét lại việc đa dạng hóa thị trường.
Ông Hoài cũng chia sẻ thêm, kinh nghiệm thực tế là một khi DOC khởi xướng điều tra áp thuế vào một mặt hàng nào đó của Trung Quốc thì khoảng sau 2 năm, họ lại có thể điều tra với sản phẩm cùng loại từ Việt Nam.
Bởi vì, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, thế giới phẳng, khi một nước bị điều tra áp đặt thuế thì sản xuất sẽ chuyển dịch sang nước khác. Việt Nam cũng là nơi thuận tiện trong chuyển dịch, nếu làm đúng quy định pháp luật thì cũng không sao cả.
“Phía Mỹ cũng mong muốn không phụ thuộc vào nhà sản xuất từ Trung Quốc và một trong những mục tiêu của họ đặt ra cũng là đa dạng nguồn cung ứng để bớt phụ thuộc vào một thị trường. Bất cứ mặt hàng nào đó hay gỗ chuyển dịch sang Việt Nam là bình thường với điều kiện không có gian lận, bằng nội lực của doanh nghiệp và thực hiện đúng luật”, ông Hoài nói.
Ông Hoài cũng lưu ý, thông tin từ phía DOC chỉ là thông báo chứ chưa phải là phán quyết cuối cùng và các doanh nghiệp vẫn còn cơ hội giải trình. Qua kinh nghiệm xử lý của các vụ việc tương tự, doanh nghiệp nào phản biện ngay từ đầu, làm đúng theo yêu cầu của phía Mỹ được liệt kê vào doanh nghiệp hợp tác tốt và có thể xuất khẩu các sản phẩm bình thường.
“Tôi cho rằng, chủ yếu ở đây là lỗi kỹ thuật, doanh nghiệp vừa và nhỏ mới lần đầu va chạm nên chưa nhận thức được tầm quan trọng của nó cho nên không quan tâm đến việc gửi thông tin đúng thời gian”, ông Hoài nói.
Theo VIFOREST, năm 2021, Mỹ nhập khẩu 24 tỉ USD gỗ và sản phẩm từ gỗ, trong đó Việt Nam đạt gần 9 tỉ (chiếm 37%). Mỹ là quốc gia có tần suất áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại rất nhiều, vì họ phải bảo vệ thị trường nội địa. Các các điều tra này đang xuất hiện ngày càng nhiều, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh.
VIFOREST khiến cáo điều quan trọng là các doanh nghiệp trang bị kiến thức về phòng vệ thương mại, cần phải tăng cường quản trị doanh nghiệp, áp dụng các phần mềm kế toán hiện đại để có chứng minh; chuẩn bị con người có trình độ ngoại ngữ, am hiểu tin học, công nghệ để sớm có thể phản biện đúng.
Nhận xét
Đăng nhận xét