(TBTCO) - Các doanh nghiệp có các sản phẩm gỗ xuất khẩu có sử dụng gỗ rừng trồng đang gặp phải khó khăn trong việc được hoàn thuế giá trị gia tăng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là các ách tắc trong việc xác định nguồn gốc gỗ rừng trồng và tính pháp lý trong các giao dịch ở các khâu trung gian trong chuỗi cung.
Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NNK |
Đó là thông tin tại hội thảo “Góp ý cho dự thảo của thông tư về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các hiệp hội gỗ địa phương và Tổ chức Forest Trends tổ chức sáng 16/9/2022.
Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin, góp ý thắng thắn, tập trung vào các vấn đề vướng mắc nhất trong các khâu của chuỗi cung gỗ rừng trồng hiện nay, từ đó giúp cho cơ quan soạn thảo thông tư nắm rõ hơn về các vấn đề, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ vấn đề, làm nền tảng cho việc xây dựng một thông tư có chất lượng tốt nhất trong tương lai.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện đang có khoảng 4,4 triệu ha rừng trồng. Con số này bao gồm trên 1 triệu ha rừng trồng của 1,1 triệu hộ gia đình. Hàng năm các diện tích này đang cung cấp khoảng trên dưới 30 triệu m3 gỗ quy tròn. Nguồn gỗ này hiện có vai trò quan trọng nhất trọng nhất trong các cung gỗ đầu vào cho một đội ngũ đông đảo các doanh nghiệp trong ngành, bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng làm đồ gỗ nội địa, các doanh nghiệp xuất khẩu dăm, viên nén và ván ép, ván bóc.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp có các sản phẩm gỗ xuất khẩu có sử dụng gỗ rừng trồng đang gặp phải khó khăn trong việc xin hoàn thuế giá trị gia tăng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là các ách tắc trong việc xác định nguồn gốc gỗ rừng trồng và tính pháp lý trong các giao dịch ở các khâu trung gian trong chuỗi cung.
“Ách tắc này xảy ra bởi một số diện tích rừng hiện còn thiếu các bằng chứng pháp lý về nguồn đất đai. Ví dụ đất còn thiếu sổ đỏ, đất có tranh chấp, diện tích đất trên sổ khác với diện tích thực tế, đất mua đi bán lại giữa các bên theo hình thức không chính thống, chưa sang tên đổi chủ chính thức… Ách tắc cũng xảy ra khi các bên tham gia khâu trung gian của chuỗi không thực hiện đúng với các quy định hiện hành về hồ sơ lâm sản và trách nhiệm về thuế trong các giao dịch của mình. Kết quả là một số doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm cách hợp pháp hóa đầu vào nguyên liệu của mình. Một số doanh nghiệp tắc trong việc xin hoàn thuế” – ông Lập nêu rõ.
Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 27 quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản. Nhìn chung, thông tư đi theo hướng đưa ra các quy định thông thoáng về chuỗi cung gỗ rừng trồng trong nước, bao gồm từ khâu khai thác tới khâu cuỗi cùng của chuỗi. Tuy nhiên, tính hợp pháp của gỗ rừng trồng trong chuỗi cung không chỉ ràng buộc bởi Thông tư 27 mà còn phụ thuộc vào các khâu trung gian tham gia chuỗi cung thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của mình ra sao, đặc biệt là các trách nhiệm về thuế được quy định trong các thông tư của Bộ Tài chính, đặc biệt là Thông tư 40 về hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang soạn thảo thông tư thay thế cho Thông tư 27 nhằm tăng cường sự kiểm soát của chuỗi cung, bao gồm gỗ rừng trồng. Hiện, bộ này đang thực hiện tham vấn với các nội dung của thông tư mới. Đây là cơ hội tốt cho các bên tham gia chuỗi cung gỗ rừng trồng trong nước tham gia góp ý kiến cho bản dự thảo của thông tư. |
Nhận xét
Đăng nhận xét