(SGTT) – Hơn 30.000 cây gỗ lớn bản địa thuộc các giống cây quý hiếm được Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia phủ xanh hơn 30 hecta rừng đặc dụng đầu nguồn tại tỉnh Thanh Hóa.
- Khám phá Tam Bố, điểm đến ít người biết giữa núi rừng Di Linh
- Leo dốc, băng rừng chinh phục “nóc nhà” Đắk Lắk
Toàn bộ 30.182 cây gỗ lớn bản địa được lựa chọn từ các giống cây quý hiếm như sưa, gõ đỏ, xoan nhừ, dâu da đất, gáo vàng, sao đen, vối thuốc, vàng anh… Trong đó, có 23.350 cây được đóng góp cho Vườn Quốc gia Bến En và 6.833 tại Rừng Xuân Liên.
Số cây này được trồng bởi người dân địa phương, cũng như nỗ lực đồng hành chung tay đóng góp của hơn 518 cá nhân, nhóm và 12 doanh nghiệp (EY Việt Nam, Deckers Door, SAITEX, Julian Chichester US & UK và Công ty cổ phần đồ gỗ Phúc Thắng, DXC Việt Nam, COLAS RAIL, KFC, Brokoli…).
Số cây này sau khi được trồng sẽ được Gaia và Ban Quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên và Vườn Quốc gia Bến En giám sát, chăm sóc trong vòng 4 năm sau khi trồng, đảm bảo tỷ lệ cây sống tối thiểu lên đến 70-80%. Ngoài ra, còn có sự tham gia trực tiếp của chính người dân địa phương, ý thức bảo vệ rừng ngày một được nâng cao.
Khu rừng cũng sẽ tiếp tục được bảo vệ lâu dài từ các nguồn vốn của nhà nước. Định kì, báo cáo khu rừng đều được thực hiện, với mục tiêu cung cấp thông tin đầy đủ đến cộng đồng tình hình sinh trưởng của cây trồng, bao gồm tỷ lệ sống của cây, độ lớn của cây, tình trạng phát triển của khu rừng, bộ ảnh giám sát cây, ảnh giám sát khu rừng, hiện trạng các loài động thực vật trong khu rừng…
Hoạt động trồng rừng là giải pháp tối ưu xây dựng không gian sống an toàn cho các loài động vật hoang dã quý hiếm, cải thiện chất lượng không khí, góp phần nâng cao sức khỏe của người dân địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Theo Ngân hàng thế giới (WB), biến đổi khí hậu là một cuộc tấn công âm thầm nhưng để lại những tác động vô cùng nặng nề đến sự sống còn trên khắp hành tinh. Hằng năm, tại Việt Nam có đến 60.000 người thiệt mạng do mắc các bệnh có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí. 300 địa phương ven biển đang đứng trước nguy cơ lũ lụt, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và hoạt động sản xuất.
50% khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi sinh sống của 17 triệu người, một trong những vùng an ninh lương thực trọng yếu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đang đứng trước nguy cơ ngập lụt vì mực nước biển dâng cao.
Khí hậu bất thường còn là khởi nguồn của những chủng bệnh mới, đe dọa an ninh lương thực, tác động không hề nhỏ đến nền kinh tế và vô số những hệ lụy khó lường khác.
Khôi phục rừng tự nhiên chính là một trong những giải pháp bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện nay, các biện pháp thích ứng với tình trạng khẩn cấp trên vẫn còn rời rạc, thiếu bền vững và tính liên kết.
Chương trình trồng, phục hồi rừng nghèo kiệt tại Thanh Hóa do Gaia khởi xướng và thực hiện xuyên suốt 3 năm qua là một trong những giải pháp tối ưu nhằm giải quyết thực trạng đó. Đặc biệt, một cây gỗ lớn tại rừng Xuân Liên có thể hấp thụ khoảng 22- 27kg CO²/năm giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu – khí thải là tác nhân chính gây ra tình trạng trên.
Bà Phạm Thị Hồng Ánh, Phó Tổng Giám đốc, Phụ trách Nhân sự, EY Việt Nam, doanh nghiệp đóng góp 5.000 cây cho Vườn Quốc gia Bến En trong đợt trồng rừng này chia sẻ “Các hoạt động xã hội của công ty đã góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng và xã hội trong một số lĩnh vực trọng yếu như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo vệ môi trường và bình đẳng giới. Chúng tôi tin rằng, với 5.000 cây được trồng tại rừng Bến En lần này, ban lãnh đạo và toàn thể nhân viên công ty đang góp phần vào việc hiện thực hóa mục tiêu tạo tác động tích cực đến một tỷ người toàn cầu vào năm 2030. Đây là mục tiêu nằm trong khuôn khổ EY Ripples – Chương trình trách nhiệm xã hội toàn cầu của EY”.
Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu, những hiện tượng thời tiết bất thường gần đây đến từ tác động của chính con người. Con người là tác nhân gây ra tình trạng trên.
“Chúng tôi sẽ là cầu nối nhằm giúp mỗi cá nhân, doanh nghiệp đều có thể đóng góp và chung sức vào cuộc chiến với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Gaia đã và đang hướng đến mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 thông qua các hoạt động sáng tạo, đa dạng, truyền cảm hứng tình yêu thiên nhiên trong mỗi chuyến đi khám phá, các hành trình trải nghiệm trồng rừng, các sự kiện truyền thông nâng cao nhận thức. Với sự đồng hành của hàng nghìn người tham gia đến từ các doanh nghiệp, sự đóng góp mạnh mẽ vào mục tiêu kiến tạo một Việt Nam xanh.
Chỉ trong 3 năm qua, đã có hàng trăm nghìn cây gỗ lớn bản địa được vun trồng trên khắp dải đất hình chữ S. Không chỉ hồi sinh những mảnh rừng trồng trọc, những cây xanh này còn đã, đang và sẽ vun đắp nên một hệ sinh thái khoẻ mạnh, tăng sức đề kháng cho thiên nhiên trước tác động của biến đổi khí hậu”, bà Huyền chia sẻ.
Năm 2022, Gaia phủ xanh gần 63 hecta diện tích rừng đặc dụng đầu nguồn tại tỉnh Thanh Hóa với hơn 60.000 cây gỗ lớn bản địa được vun trồng. Cũng trong tháng 8 này, Gaia vừa hoàn tất khoanh nuôi 40 hecta rừng Cà Mau, 2.000 cây gỗ lớn tại Vườn Quốc gia Cúc Phương và phục hồi rừng Đồng Nai với 8.500 cây bản địa.
“Gaia đã và đang thực hiện rất nhiều chuyến đi, hành trình được thiết kế gắn liền mục tiêu truyền thông nâng cao nhận thức với mong muốn truyền cảm hứng đến cộng đồng, chung tay thay đổi và hành động vì một Việt Nam xanh hơn. Đã có hàng ngàn thành viên từ các doanh nghiệp hào hứng tham gia trải nghiệm và tự tay vun trồng cây xanh.
Trong tương lai gần, Gaia sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trồng và phục hồi rừng đầu nguồn trên khắp Việt Nam như Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia Bạch Mã… đóng góp trực tiếp cho việc phục hồi tài nguyên thiên nhiên, cải thiện chức năng sinh thái rừng ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 và bảo tồn các loài hoang dã quý hiếm”, bà Huyền cho biết.
Đinh Nam
Nhận xét
Đăng nhận xét