Những tháng gần đây, giá gỗ keo nguyên liệu tăng cao kỷ lục đã giúp nông dân trồng rừng tỉnh Phú Yên phấn khởi vì có thu nhập cao khi thu hoạch rừng keo. Tuy nhiên, trước cơn sốt giá keo nguyên liệu, nhiều nông dân đã ồ ạt khai thác keo non để bán vì sợ giá hạ trong thời gian tới. Việc khai thác keo non không chỉ làm mất sản lượng, mà còn tiềm ẩn nhiều hệ luỵ khác.
Những ngày này, không khí thu hoạch keo nguyên liệu diễn ra tấp nập ở hầu hết các vùng miền núi của tỉnh Phú Yên. Hiện nay,gỗ keo có giá từ 1,4 - 1,6 triệu đồng/tấn, thậm chí có nơi lên 1,7 triệu đồng/tấn. Với giá thu mua gỗ keo như hiện nay, trung bình mỗi người trồng rừng lãi từ 80-90 triệu đồng/hecta. Nên tình trạng người dân khai thác keo non mới 3 đến 4 năm tuổi diễn ra ồ ạt. Giờ đây, những cây keo non có đường kính mới dưới 6cm không có cơ hội lớn thêm.
Ông Trần Ngọc Dũng, Xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa: “Năm nay mình thu chứ để tới sang năm nữa cũng không được thêm nhiêu tiền hết á. Mình bây giờ mình thu sớm để trồng lại sớm ấy."
Hệ lụy của việc khai thác keo non được các chuyên gia ngành lâm nghiệp chỉ ra: cách làm này của nông dân sẽ không mang tính bền vững vì lợi nhuận thấp, còn các doanh nghiệp chế biến gỗ có nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất và nhiều hệ lụy về môi trường, nhất là khi mùa mưa bão đang đến. Việc khai thác keo non một cách ồ ạt sẽ làm giảm mật độ rừng.
Ông Đỗ Tấn Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam: "Việc chặt cây gỗ non ào ạt làm cho diện tích rừng trồng chúng ta giảm đi một cách nhanh chóng, không những làm mất cân bằng về hệ sinh thái và đặc biệt nhất là các nguyên liệu cây gỗ lớn dùng cho chế biến nội thất hay là chế biến khác đang có nguy cơ thiếu rất trầm trọng. Nó làm cho việc ngành gỗ phát triển bền vững đang bị phụ thuộc khi mà đang phụ thuộc nguồn nguyên liệu rừng trồng 70-75%. Do đó, ngành gỗ đã tiến hành 1 loạt các giải pháp tổ chức họp ngành dăm 2 phiên liên tục và ngành dăm đã ra thông báo về việc các doanh nghiệp không mua cây keo non và ngưng ngay việc tranh mua, tranh bán."
Một ngành trồng rừng bền vững cần có sự liên kết với doanh nghiệp hoặc người dân có đủ vốn để duy trì diện tích rừng trồng từ năm thứ 5 trở lên hoặc trồng thành rừng gỗ lớn rồi mới khai thác. Chỉ như vậy mới ngăn chặn được tình trạng khai thác keo non trong nhân dân. Và các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sẽ có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất, tiến tới thay thế nguồn gỗ nhập khẩu của ngành gỗ của nước ta.
Mời quý vi và các bạn cùng theo dõi chương trình!
Thực hiện : Bảo Lâm
https://quochoitv.vn/phu-yen-tap-nap-khai-thac-mua-ban-keo-non-tiem-an-muon-van-he-luy
Nhận xét
Đăng nhận xét