Sau khi phản ánh về tình trạng chặt phá cây rừng tại tiểu khu 165, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nhận được tin báo "lâm tặc" đang cưa hạ nhiều cây rừng tại xã Sơn Hội. Vượt hơn 10km đường rừng hiểm trở, phóng viên đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận thực trạng phá rừng tại đây.
Qua sự chỉ dẫn của người dân, phóng viên theo tiếng máy cưa xẻ gỗ rồi đi sâu vào cánh rừng thuộc khu vực Sông Cồn, xã Sơn Hội.
Tại đây, chúng tôi phát hiện nhiều cây rừng vừa bị cưa hạ để xẻ lấy gỗ. Trong đó, có một cây bằng lăng với đường kính gốc khoảng 120 - 140 cm, một cây mít nài có đường kính gốc 40 cm, một cây gỗ lim đường kính gốc cây hơn 20 cm và một số cây gỗ khác bị chặt hạ cách đây không lâu.
Hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được là khung cảnh một khoảnh rừng trơ trụi không bóng cây xanh. Qua tìm hiểu, được biết, sau khi thu hoạch keo xong, một số hộ dân chặt bỏ cây rừng, phát dọn để lấn chiếm đất rừng nhằm mở rộng diện tích đất của mình để trồng keo.
Làm việc phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Ngọc Tây, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội cho biết: Có xảy ra tình trạng hạ cây rừng lấy gỗ như phóng viên phản ánh, những vị trí cây rừng bị phá mà phóng viên cung cấp nếu thuộc lâm phận của xã quản lý thì xã sẽ đưa máy múc ngăn đường đi, không cho các đối tượng vào rừng lấy gỗ. Hiện tại, lực lượng của địa phương cũng đang tiến hành xác minh các đối tượng để xử lý.
Ông Trần Ngọc Tây tiếp lời: UBND xã đã cử cán bộ tham gia phối hợp cùng với Ban Quản lý rừng phòng hộ và Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa đi kiểm tra hiện trường tại các vị trí cây rừng bị chặt phá do phóng viên cung cấp. Đến nay, địa phương vẫn chưa xác định được các vị trí này có thuộc lâm phần do UBND xã quản lý hay không, nếu đúng sẽ tìm đối tượng và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đầu tháng 9 vừa qua, trên diện tích 1.200 m2 đất rừng thuộc khu vực Sông Cồn có tình trạng cây rừng bị chặt phá nhưng chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Ông Nguyễn Viết Thu, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa, cho hay: Do mới nhận công tác ngày 12/9/2022 nên chưa nắm cụ thể tình hình. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của phóng viên về vụ việc, phía Ban ghi nhận thông tin và sẽ chỉ đạo kiểm tra ngay. “Lâm tặc” ngày càng tinh vi, chúng luôn cử người đi theo dõi tổ công tác nên việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Cần phải có sự phối hợp của các cấp, tăng cường lực lượng cơ động của kiểm lâm thì may ra mới hạn chế được.
Qua kiểm tra hiện trường, ngày 16/9/2022, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa xác nhận vị trí các loại cây rừng bị chặt phá thuộc khoảnh 6, tiểu khu 164 do UBND xã Sơn Hội quản lý. Do vậy, trách nhiệm xử lý thuộc về UBND xã Sơn Hội. Trong khi các cơ quan chức năng đang điều tra hàng loạt vụ phá rừng, hủy hoại rừng tại xã Sơn Hội chưa có kết quả thì rừng Sơn Hội vẫn bị chặt phá và chưa thể xác định được đối tượng.
Trước đó, Báo Tài nguyên và Môi trường có bài phản ánh về tình trạng một số cây rừng tự nhiên bị đốn hạ. Cụ thể có 470m2 diện tích rừng bị phá, hơn 2 tấn củi có đường kính từ 3 – 19cm bị đốn hạ tại khoảnh 8, tiểu khu 165, xã Sơn Hội. Diện tích trên đều thuộc UBND xã Sơn Hội quản lý. Tại thời điểm kiểm tra không có người nên chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đã có văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý các tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại các xã Sơn Hội, Sơn Định, Sơn Long của huyện Sơn Hòa; kiên quyết lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định và báo cáo kết quả cho Chi cục Kiểm lâm.
Nhận xét
Đăng nhận xét