Sáng 12.10, trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác về việc tìm kiếm hướng tiếp cận đa mục đích và quản lý rừng bền vững giữa hai quốc gia Việt Nam - Phần Lan, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) xác định quốc gia Bắc Âu sẽ là một trong những thị trường chủ lực nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam trong tương lai gần.
Ngành chế biến gỗ Việt Nam đứng hàng đầu thế giới nhưng nguyên liệu hầu hết phải nhập khẩu QUANG THUẦN |
Trao đổi tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định: Phần Lan là quốc gia có độ che phủ rừng cao nhất thế giới với trên 70%, trong đó rừng có chứng chỉ đạt hơn 90%. Hàng năm sản lượng gỗ khai thác lên đến 80 triệu m3 việc sử dụng rừng bền vững, nâng cao các giá trị từ rừng được thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý và chế biến, từ đó nâng cao giá trị của rừng và đa dạng hóa sản phẩm từ rừng. Trong năm 2021 kim ngạch thương mại của Việt Nam và Phần Lan trong lĩnh vực lâm nghiệp đạt 27,7 triệu USD.
"Tuy nhiên, con số trên còn quá khiêm tốn so với tiềm năng thực sự của cả 2 nước, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến, xuất, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Chúng tôi biết rằng hàng năm Phần Lan khai thác khoảng gần 80 triệu m3 gỗ, hầu hết có chứng chỉ, phần lớn là dành cho xuất khẩu, trong khi đó Việt Nam hàng năm nhập khẩu gỗ nguyên liệu trên 2 tỉ USD, trong đó có nhiều nước châu Âu là thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam. Từ đó cho thấy rằng Phần Lan hoàn toàn có thể là thị trường nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam trong tương lai gần", ông Trị phát biểu.
Theo các chuyên gia lâm nghiệp, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, từ nước công nghiệp chế biến gỗ hầu như chưa có gì, đến nay giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt khoảng 16 tỉ USD, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng từ 5 - 5,5%. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản dự báo đạt từ 18 - 20 tỉ đồng đến năm 2025 và từ 23 - 25 tỉ đồng đến năm 2030. Sản lượng gỗ kinh tế rừng trồng tại Việt Nam mới đạt 35 triệu m3, tương đương một nửa của Phần Lan. Do đó tiềm năng sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Phần Lan còn rất lớn.
Nhận xét
Đăng nhận xét