» Cán cân thương mại song phương ngành gỗ Việt Nam – Trung Quốc hướng tới cân bằng
» Dịch bệnh khiến 50% doanh nghiệp ngành gỗ đứng trước nguy cơ phá sản
» Tương lai “xanh” cho ngành gỗ Việt nếu đảm bảo nguồn cung
Ông Phùng Quốc Mẫn - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) cho biết, theo thông lệ, nửa cuối năm, sản lượng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, trang trí lại nội thất tăng cao tại nhiều thị trường xuất khẩu chính. Tuy nhiên, với tình hình lạm phát cao tại thị trường Mỹ, châu Âu và những xáo trộn về tồn kho hàng hóa sau dịch COVID-19, xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 vẫn còn nhiều thách thức. Đây cũng là điều lo lắng của nhiều doanh nghiệp khi tình hình đơn hàng những tháng cuối năm rất ảm đạm, mặc dù thời điểm này vốn là mùa cao điểm sản xuất trong năm.
Theo ông Trần Quốc Mạnh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại Sài Gòn (SADACO), tại thị trường chủ lực của ngành gỗ là Mỹ, nguy cơ suy thoái kinh tế đang hiện hữu rõ. Tại châu Âu, chiến tranh Nga - Ukraine dẫn đến khủng hoảng trong các ngành hàng chất đốt, lương thực. Với khó khăn dồn lên đã khiến sức mua tại các thị trường này ngày càng giảm sút. Mức độ sụt giảm đơn hàng đang tăng lên trong thời gian gần đây dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp rất khó khăn.
Báo Công thương cho hay, bà Trần Thị Thanh Trang - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Sao Nam cho biết, tại các quốc gia tiêu thụ sản phẩm chính của công ty là Mỹ, Australia và Nhật Bản, Mỹ là thị trường giảm mạnh nhất, tới 30 - 40%. Đơn hàng hiện nay chỉ đủ sản xuất thêm 1 - 2 tháng, trong khi đơn hàng cho năm mới vẫn chưa được ký kết. Bên cạnh việc duy trì lượng khách hàng và đơn hàng ở những thị trường ít bị giảm sút, doanh nghiệp phải tìm đối tác ở thị trường mới như Canada, New Zeadland với kỳ vọng bù đắp phần nào cho thị trường Mỹ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sắp xếp sản xuất tinh gọn giảm chi phí sản xuất, giảm giá sản phẩm để kích cầu. Hơn nữa, cần tập trung vào các sản phẩm mang tính giá trị cao hoặc có tính đặc thù để tăng năng lực cạnh tranh và ít bị biến động hơn với diễn biến khó lường của thị trường thế giới.
Báo Lao động thông tin thêm, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành gỗ cũng cho biết, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% DN cho rằng, nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 40% trong cả năm 2022. Các DN ngành gỗ đang đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Nhiều DN cũng đang tiến hành các biện pháp giảm thiểu khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường và một số biện pháp khác...
Tổng cục Lâm nghiệp cũng đưa ra đề nghị với các Hiệp hội ngành gỗ, nên khuyến cáo đến các DN cần cập nhật thông tin thị trường thường xuyên. Kiến nghị các DN nhanh chóng phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, cải tiến công nghệ; liên kết nhằm giảm giá thành; tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường.
Trước tình thế này, phía Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng kiến nghị các ngân hàng nên có chính sách ưu đãi để các DN ngành gỗ vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay. Cụ thể, DN mong muốn được giãn nợ, giảm lãi suất; gia hạn các khoản vay đến hạn; cho vay tồn kho, tín chấp; tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính có chính sách về thuế, phí để hỗ trợ DN ngành gỗ như giảm, chậm thu thuế thu nhập DN; giảm tiền thuê đất; hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất nhằm trả vốn cho doanh nghiệp.
Nhận xét
Đăng nhận xét