(DNTO) - Nếu những tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu lập kỳ tích nhờ những con số biết nói thì đến tháng 9/2022, tăng trưởng đột ngột chững lại do đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản…, quay lưng, khiến hành trình về đích được dự báo sẽ lắm chông chênh.
Hiện đã bước vào quý cuối cùng của năm 2022, đây là quãng thời gian mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang bước vào chu kỳ tăng tốc để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của năm.
Song, càng về cuối năm, tình hình khó khăn từ thị trường trọng điểm càng nhiều, theo các chuyên gia kinh tế, dự báo cơ hội của xuất khẩu năm nay sẽ song hành cùng thách thức bởi lạm phát, suy thoái trên thế giới còn những bất định, nhất là tại châu Âu và Mỹ.
Lạm phát toàn cầu đang “phả hơi nóng” vào mọi hoạt động của đời sống kinh tế khiến nhu cầu hàng hóa giảm, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu gián đoạn và chi phí sản xuất tăng. Nhu cầu của người tiêu dùng ở nhiều thị trường lớn như EU, Mỹ giảm sút do lạm phát, biến động của tỷ giá… đang khiến nhiều ngành xuất khẩu rất khó khăn, “đói” đơn hàng từ nay đến cuối năm, khiến tăng trưởng xuất khẩu nói riêng và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung trong quý 4 khó có thể cao hơn so với quý 3 như quy luật hàng năm.
Đến nay, nỗi lo này không còn là dự báo. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2022, lại đột ngột giảm nhanh trong tháng 9/2022.
Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9/2022 (từ ngày 01/9 đến ngày 15/9) đạt 26,34 tỷ USD, giảm 25,7% (tương ứng giảm 9,09 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8/2022. Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu giảm, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,17 tỷ USD (tương ứng giảm 38,2%); điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,07 tỷ USD (tương ứng giảm 31,5%); hàng dệt may giảm 980 triệu USD (tương ứng giảm 44,8%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 751 triệu USD (tương ứng giảm 29,7%)...
“Có nhiều dấu hiệu cho thấy, nhiều ngành hàng - lĩnh vực như dệt may, da giày, đồ gỗ và một số mặt hàng thủy sản… gặp khó khăn ở hợp đồng mới. Do đó, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp cần có sự cập nhật điều hành quyết liệt hơn, kịp thời hơn, bám sát hơn thị trường để giữ được tốc độ tăng trưởng này. Nếu như quý 4, tăng trưởng tiếp tục cao hơn so với quý trước thì rất là tích cực, song cảnh báo là không thừa trong bối cảnh kinh tế thế giới có rất nhiều biến động không dự báo được”, ông Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế nhận định.
Đơn cử, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đang rơi vào vào tình cảnh sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, trong đó các sản phẩm chế biến sâu bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thị trường.
Báo cáo mới đây của 4 hiệp hội gỗ lớn tại Việt Nam cho thấy, trong 52 doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau được khảo sát, biên độ doanh thu xuất hàng đi Mỹ bị giảm từ 8-80%; một số doanh nghiệp còn mất hẳn nguồn thu từ thị trường châu Âu. Tình hình cũng không mấy khả quan vào những tháng cuối năm, có tới 70% doanh nghiệp lựa chọn giảm quy mô sản xuất để cắt giảm chi phí.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), nguyên nhân là do các thị trường chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu như Mỹ và EU sụt giảm mạnh nhu cầu, do đồ gỗ không được coi là đồ dùng thiết yếu nên bị nhiều người cắt giảm chi tiêu mua vào thời điểm này. Bên cạnh đó, giá cước vận tải ở mức cao, cùng với giá mua gỗ nguyên liệu tăng cao, khiến giá thành sản xuất tăng, càng gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nước ta
"Dự kiến từ nay đến cuối năm, ngành gỗ cố gắng giữ đà tăng trưởng 1 con số, thay vì 2 con số như dự kiến với kim ngạch khoảng 16,5 tỷ USD", ông Lập cho hay.
Tương tự, doanh nghiệp da giày cũng sớm rời niềm vui tăng trưởng những tháng đầu năm khi thị trường quý 3, quý 4/2022 đột ngột xấu đi, cùng với đó là giá cả đầu vào tăng cao, lợi nhuận thu hẹp.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ Tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp thành viên đang đối diện rất nhiều khó khăn, tỷ lệ tồn kho lên tới khoảng 40%, các đơn hàng mới từ tháng 8/2022 đến quý 1/2023 cũng ít đi.
“EU và Mỹ là những thị trường xuất khẩu chủ lực của da giày Việt Nam đang có xu hướng giảm sút về nhu cầu tiêu dùng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng sức mua trong những tháng cuối năm”, bà Phan Thị Thanh Xuân quan ngại.
Dấu hiệu xuất khẩu giảm tốc cũng đã dần lộ rõ ở ngành dệt may. Cập nhật gần đây nhất từ các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước, số lượng đơn đặt hàng trong quý 4 và 6 tháng đầu năm 2023 không mấy khả quan, do lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao của khách hàng. Trong nửa đầu tháng 9 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 1,2 tỷ USD, giảm 48% so với nửa đầu tháng 8 năm 2022, cho thấy sự chậm lại đáng kể trong đơn đặt hàng.
“Từ nay đến cuối năm ngành dệt may đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt đơn hàng có chiều hướng sụt giảm và đơn giá sụt giảm. Nguyên nhân là do một thị trường lớn của dệt may như Mỹ, châu Âu tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, không được như kỳ vọng, dự đoán mức tăng chỉ bằng 50% so với năm 2021. Cùng với đó, chưa bao giờ lạm phát của các nước này xấp xỉ ở 10%, thậm chí có những tháng trên 10%. Chính vì vậy, hiện nay tỷ lệ tồn kho ở các khu vực tương đối cao, cho nên nhu cầu về đơn hàng từ nay đến cuối năm và đầu năm 2023 có khả năng giảm. Đây là khó khăn lớn cho ngành dệt may từ nay đến cuối năm”, Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhận định.
Bài toán lấp đầy đơn hàng cho doanh nghiệp
Rõ ràng, xuất khẩu của Việt Nam phần lớn nguồn thu chủ yếu đến từ một vài thị trường truyền thống, một khi có biến động mạnh như thời gian vừa qua sẽ dẫn đến những khó khăn. Theo đó, nhằm phấn đấu tiệm cận con số 800 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm nay, hiện các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan đang thận trọng nghe ngóng, phân tích nhu cầu thị trường để điều kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tránh tổn thất do biến động không mong muốn mang lại.
Theo đó, ngoài việc doanh nghiệp phải cập nhật tình hình bạn hàng, nước nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng của các nước có quan hệ với Việt Nam. Chúng ta thống nhất một quan điểm không chỉ dựa vào các thị trường truyền thống và có kim ngạch nhập khẩu hàng hoá lớn từ Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, mà "cứu tinh" hiện nay doanh nghiệp là chuyển hướng sang thị trường Nga và một số nước khác để bù đắp kim ngạch xuất khẩu truyền thống bị giảm sút.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết: Các doanh nghiệp dệt may đã rất nỗ lực và thích ứng rất nhanh với những thách thức của thị trường. Theo đó, để vượt qua khó khăn, bản thân các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hoá từ nguồn cung cho đến các thị trường xuất khẩu.
"Hiệp hội sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhiều thị trường hơn và có thể nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường khác khi gặp khó khăn do các tác động của tình hình thế giới. Cùng với đó, cần linh hoạt trong phương thức thanh toán, chủ động về nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất xuất khẩu, đa dạng các phương tiện vận chuyển để giảm chi phí xuất khẩu đi các nước", ông Cẩm nhấn mạnh.
Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cũng cho rằng các doanh nghiệp đang cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, cùng Ngân hàng Nhà nước có chính sách giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn vay, giảm chi phí container, đồng thời thiết kế gói hỗ trợ... Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng hy vọng, khi các nhà buôn lớn trên thế giới giải quyết được lượng hàng tồn kho lớn và sẽ đặt hàng trở lại trong mùa mua sắm cuối năm.
“Khi thị trường phục hồi, tài chính của doanh nghiệp chưa được phục hồi. Hoạt động tài chính của doanh nghiệp sẽ bị đưa vào nợ xấu thì cơ hội lấy lại thị trường là không có. Vì vậy, bên cạnh mỗi doanh nghiệp cần phải có dự trữ tài chính của mình thì rất cần sự hỗ trợ của chính sách từ phía Nhà nước và ngân hàng để cùng nhau kinh doanh khi có cơ hội từ phục hồi tốt”, ông Phương đề xuất.
Nhận xét
Đăng nhận xét