Trong bối cảnh các vụ vi phạm lâm luật chưa có dấu hiệu dừng lại thì ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang ảy ra tình trạng đáng lo ngại hơn đó là việc nhiều người làm công tác giữ rừng xin nghỉ việc.
Nỗi niềm người giữ rừng xin nghỉ việc
Do thường xuyên phải xa nhà, không có điều kiện để chăm sóc con cái nên anh Bùi Phúc (SN 1979), đang công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song đã viết đơn xin nghỉ việc.
Về phía lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song đã thăm, gặp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và động viện anh Bùi Phúc ở lại làm việc. Tuy nhiên, anh Bùi Phúc vẫn quyết tâm rời bỏ khởi ngành lâm nghiệp để có thời gian chăm lo cho con cái.
Tương tự, anh Nguyễn Tuấn Anh, một cán bộ quản lý bảo vệ rừng đã có 4 năm công tác tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng cũng đã viết đơn xin nghỉ việc, "quay lưng" với ngành lâm nghiệp.
Lý do anh Tuấn Anh viết trong đơn chỉ ngắn gọn một vài dòng nhưng đã bao quát, chất chứa biết bao nhiêu khó khăn, vất vả chung của những người làm công tác giữ rừng ở Tây Nguyên.
Đơn trình bày xin nghỉ công tác của anh Nguyễn Tuấn Anh cho biết, bản thân muốn thay đổi môi trường công việc, muốn tìm một nghề nghiệp mới phù hợp hơn. Bởi lâu nay anh Nguyễn Tuấn Anh đang công tác trong điều kiện xa nhà, đường sá đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa, phương tiện thường xuyên hư hỏng, không đáp ứng tốt công việc và bảo đảm sức khỏe để làm việc lâu dài.
“Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Măng, hàng năm, áp lực dân di cư tự do là rất lớn, nguy cơ phá rừng cao nhưng lực lượng quản lý của đơn vị lại mỏng, không đủ mạnh để ngăn chặn. Trong khi đó, bản thân tôi luôn đối mặt với nguy hiểm, trách nhiệm cao, nguy cơ bị kỷ luật vì không hoàn thành nhiệm vụ thường xuyên hiện hữu mà thu nhập không đủ nuôi sống bản thân và gia đình” – anh Tuấn Anh chia sẻ.
Hơn 143 người từ bỏ ngành lâm nghiệp
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, hiện nay, trên toàn tỉnh có hơn 248.000ha rừng và đất rừng. Ngoài lực lượng kiểm lâm, toàn tỉnh Đắk Nông có 7 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và 7 doanh nghiệp Nhà nước tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Trong đó, nguồn nhân lực kiểm lâm, kiểm lâm rừng đặc dụng là 232 người, các doanh nghiệp Nhà nước 284 người và Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng 221 người.
Trong bối cảnh lực lượng quản lý bảo vệ rừng vốn đã mỏng và yếu thì danh sách người lao động viết đơn xin nghỉ việc, quyết tâm rời bỏ khỏi ngành lâm nghiệp ở Đắk Nông ngày một gia tăng, nối dài.
Qua thống kê cho thấy, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông đã có hơn 143 người lao động trong ngành lâm nghiệp xin nghỉ việc, chuyển công tác... Cụ thể, có 20 công chức kiểm lâm, kiểm lâm rừng đặc dụng xin nghỉ hưu trước tuổi, xin chuyển công tác và bỏ việc.
Cũng trong khoảng thời gian này đã có trên 55 viên chức, hợp đồng lao động làm việc trong các đơn vị quản lý rừng đặc dụng xin chuyển công tác, thôi việc. Tình trạng nghỉ việc nhiều và nghiêm trọng và nhiều nhất là ở các công ty Nhà nước với số lượng hơn 68 người.
Chia sẻ về nguyên nhân, tình trạng xin nghỉ việc, bỏ việc hiện nay, ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng nghỉ việc do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tuy nhiên, phần lớn kiểm lâm, người lao động nghỉ việc là do áp lực và trách nhiệm công việc lớn, tần suất làm việc cao, điều kiện công tác, đời sống sinh hoạt trong rừng khó khăn, sức khỏe không bảo đảm trong môi trường làm việc nguy hiểm.
"Trong khi đó, mức thu nhập hiện tại của kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của bản thân và gia đình. Do đó công chức, viên chức và người lao động xin nghỉ việc để chuyển sang ngành nghề khác để có thu nhập cao hơn và gần gũi, chăm sóc được gia đình được tốt hơn" - ông Dần cho biết.
Nhận xét
Đăng nhận xét