Công ty Lâm nghiệp Thuần Mẫn hiện chỉ còn có 6 cán bộ, nhân viên. Tất cả 6 người này đã làm đơn xin nghỉ việc vì không có kinh phí hoạt động.
Công ty lâm nghiệp lao đao vì bị dừng khai thác trắng rừng trồng
Hàng loạt sai phạm tại Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn
Dấu hỏi lớn về năng lực Công ty lâm nghiệp
100% cán bộ, nhân viên xin nghỉ việc
Theo ông Nguyễn Thành Chương, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuần Mẫn (viết tắt là Công ty Thuần Mẫn) ở Thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H'leo, Đắk Lắk), năm 2008, toàn bộ nhân lực của Công ty có 21 người, trong đó có một số cán bộ gián tiếp làm việc văn phòng, số khác là nhân viên bảo vệ rừng trực tiếp làm việc tại các phân trường.
Thế nhưng hiện nay, toàn thể cán bộ, nhân viên của Công ty chỉ còn 6 người, trong đó 1 người đã xin nghỉ ốm, 5 người còn lại vừa đảm đương công việc văn phòng, vừa trực tiếp bảo vệ 1.500ha rừng tự nhiên do UBND tỉnh Đắk Lắk giao quản lý.
Thách thức cực lớn cho công tác bảo vệ rừng ở Công ty Thuần Mẫn hiện nay là 1.500ha rừng trải dài trên địa bàn 11 tiểu khu. Từ trụ sở Công ty đến điểm cuối lâm phần do Công ty quản lý phải vượt qua hơn 55km.
Hiện nay, trong 5 người còn đang làm việc tại Công ty, có 1 người là Phó Giám đốc phụ trách kiêm Trưởng phòng Kỹ thuật; các phòng, ban khác của Công ty chỉ có 2 người kiêm nhiệm tất tần tật mọi công việc, trong đó có 1 người đã xin nghỉ bệnh; 3 người còn lại đảm nhiệm công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy 1.500ha rừng.
Do đó, 3 người này phải thay phiên nhau hôm nay đi kiểm tra tiểu khu này, hôm sau kiểm tra tiểu khu khác. Chi phí xăng xe cho những chuyến công tác cơ quan cũng không có để cấp, cá nhân phải tự bỏ tiền ra đổ xăng đi, khi nào có kinh phí do UBND tỉnh cấp thì Công ty chi mới trả lại theo phương án quản lý, bảo vệ rừng.
“Những cán bộ ráng bám trụ với cơ quan đến nay đã gần 1 năm sống cảnh không lương. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng không có nên việc tuần tra, kiểm tra rừng cũng kém chu đáo. Việc chi trả lương cho cán bộ, nhân viên bị ngưng trệ thời gian quá dài dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của Công ty không có hiệu quả”, ông Nguyễn Thành Chương bộc bạch.
Ông Chương chia sẻ thêm: Nhiều năm rồi, Công ty không có nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh, mọi chi phí hoạt động của Công ty đều dựa vào nguồn ngân sách do UBND tỉnh Đăk Lắk hỗ trợ hàng năm khoảng 600 triệu đồng. Trong đó, khoản quản lý, bảo vệ rừng là 450 triệu đồng, phòng cháy chữa cháy rừng 150 triệu đồng. Với khoản hỗ trợ 600 triệu đồng/năm, sau khi chi trả bảo hiểm xã hội và thực hiện các hạng mục theo phương án quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, Công ty chỉ còn chi trả lương cho cán bộ, nhân viên được 4 tháng lương/năm.
Thế nên hiện nay, Công ty Thuần Mẫn đang “oằn lưng” với gánh nợ nặng nề. Theo tính toán của ông Chương, đến thời điểm này, Công ty đang nợ lương cán bộ, nhân viên khoảng 1 tỷ đồng; thêm khoản nợ tiền thuê đất và các khoản nợ quá hạn gần 1,5 tỷ đồng và nợ thuế đất rừng trồng, đất sản xuất kinh doanh 1,5 tỷ đồng nữa.
“Tình hình nhân lực của Công ty hiện nay thật sự đã đến lúc báo động. Công ty không có người để đảm nhiệm công tác tuần tra, kiểm tra rừng trên toàn lâm phần do Công ty quản lý. Các nguồn chi trả lương không có nên đời sống của những cán bộ, nhân viên còn bám trụ tại Công ty lâm cảnh thiếu thốn trăm bề. Trong 6 người còn lại, tôi là người cuối cùng làm đơn xin nghỉ việc, 5 người kia đã làm đơn trước đó”, ông Nguyễn Thành Chương, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Lâm nghiệp Thuần Mẫn buồn bã cho biết.
Hẩm hiu số phận của hàng ngàn ha rừng tự nhiên
Theo Đề án sắp xếp, đổi mới, Công ty Lâm nghiệp Thuần Mẫn chuyển đổi thành Công ty TNHH 2 thành viên đã được UBND tỉnh Đăk Lắk phê duyệt từ tháng 12/2016, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, nên tình hình hoạt động của Công ty ngày càng khó khăn.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thành Chương, Phó Giám đốc phụ trách Công ty, khoảng 7 năm trở lại đây, Công ty này rơi vào cảnh hoàn toàn bế tắc. Mức lương đã thấp, lại còn bị nợ lương nên nhân lực hao hụt dần. Thậm chí có người công tác tại Công ty đã 36 năm như ông Nguyễn Bá Huệ, hiện đang giữ chức Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính cũng đã có đơn xin nghỉ việc. Hoặc như ông Đinh Văn Định hiện cũng đã 35 năm công tác nhưng cũng đành “dứt áo ra đi”. Bởi, không ai có thể yên tâm công tác trong cảnh mòn mỏi chờ lương.
“Do nhân lực không có nên việc bảo vệ rừng bị tắc trách, không kịp thời phát hiện những vụ vi phạm, trong khi trách nhiệm của đơn vị chủ rừng là rất lớn. Lực lượng của Công ty quá mỏng, khi đi tuần tra, kiểm tra chỉ có 2 người, nên dù có phát hiện đối tượng xâm hại rừng cũng không thể khống chế, áp giải đối tượng về giao cho ngành chức năng xử lý, nên hầu hết đối tượng vi phạm đều tẩu thoát.
Trước đây, Công ty có 2 phân trường trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng tại các chốt cửa rừng, giờ không có nhân lực nên chỉ đi tuần tra các điểm nóng, dẫn tới nhiều diện tích rừng do Công ty quản lý bị xâm hại”, ông Nguyễn Thành Chương chia sẻ.
Mới đây nhất, vào khoảng giữa tháng 8/2022, Công ty Thuần Mẫn phát hiện tại Khoảnh 1, Tiểu khu 119 có 5,4ha rừng bị phá. Công ty đã báo cáo vụ việc cho cơ quan chức năng. Công ty cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng đo đếm số cây bị chặt phá để xác định thiệt hại. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng củng cố hồ sơ và tiến hành điều tra đối tượng chặt phá rừng trái phép.
Mục đích của việc phá rừng nói trên, theo phân tích của Phó Giám đốc Nguyễn Thành Chương là để lấn chiếm đất nhằm sau này trồng hoa màu. Trước đây, tại khu vực này người dân cũng đã phá một ít diện tích để lấy đất sản xuất, nhưng do không có nguồn nước tưới nên họ bỏ không canh tác nữa, rừng ở khu vực đó cũng thoát cảnh bị xâm hại.
Thế nhưng thời gian gần đây, bà con nghe ngóng biết được tại khu vực này sắp xây dựng một công trình thủy lợi, nên ở đây bỗng trở thành điểm nóng về phá rừng, chiếm đất để khi có nước thủy lợi sẽ canh tác trồng hoa màu.
Cũng theo ông Chương, trước tình hình khó khăn kể trên, thời gian qua, Công ty đã có rất nhiều đơn “cầu cứu” gửi cơ quan chủ quản là UBND tỉnh Đăk Lắk. Cơ quản chủ quản đã có công văn trả lời, giao Sở Tài chính phối hợp với Sở NN-PTNT, Sở Nội vụ giải quyết theo kiến nghị của Công ty. Thế nhưng đến nay, Công ty vẫn không có nguồn để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động.
“Mong muốn trước nhất của Công ty hiện nay là có nguồn kinh phí để chi trả nợ lương cho cán bộ, nhân viên. Thứ đến, Công ty cần bổ sung thêm nhân lực để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Trong lá đơn viết vào tháng 4/2022, tôi có đề nghị UBND tỉnh Đăk Lắk nếu 2 vấn đề nêu trên không được giải quyết thì bản thân tôi cũng sẽ xin thôi việc, vì Công ty chỉ còn mỗi mình tôi thì hoạt động nỗi gì! Thế nhưng gần nửa năm nay, vẫn không thấy chuyển biến nên tôi cũng đã viết đơn xin thôi việc”, ông Nguyễn Thành Chương, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Lâm nghiệp Thuần Mẫn bộc bạch.
Bạn đang đọc bài viết Một công ty lâm nghiệp ở Đắk Lắk 'tê liệt toàn phần' tại chuyên mục Kiểm lâm của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nhận xét
Đăng nhận xét