Qua khám nghiệm hiện trường cho thấy, có sự sai lệch số lượng gỗ tự nhiên đã bị chặt phá so với biên bản của Hạt Kiểm lâm Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lập trước đó.
Ngày 25/8, Cơ quan điều tra Công an huyện Cẩm Xuyên, Viện Kiểm sát nhân dân huyện, cùng lực lượng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh, Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã có mặt tại hiện trường vụ phá rừng nguyên sinh để triển khai công tác khám nghiệm, kiểm đếm số lượng gỗ bị chặt phá để phục vụ công tác điều tra.
Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng xác định có 51 gốc gỗ tự nhiên, đường kính từ 14 – 30cm, chủ yếu gồm: Dẻ, Trín, Cồng Trắng, Chẹo Tía… thuộc Nhóm 5 đến Nhóm 8, bị chặt phá tại Khoảnh 4, Tiểu khu 325A, đóng trên địa bàn xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, thuộc lâm phần do BQL khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ. Đây là khu vực rừng tự nhiên được cơ quan chức năng xác định giáp ranh với rừng sản xuất giao khoán cho ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng - BQL khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.
Đáng nói, trước đó, tại biên bản được Hạt Kiểm Lâm Cẩm Xuyên lập vào ngày 17/8, bao gồm thành phần kiểm tra, kiểm đếm là ông Lê Quang Cảnh, cán bộ pháp chế Hạt Kiểm Lâm Cẩm Xuyên; ông Phan Văn Tâm, ông Nguyễn Huy Toại, kiểm lâm viên Hạt Kiểm Lâm Cẩm Xuyên cùng ông Trần Đình Sinh, Phó trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 6 – BQL khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, chỉ xác định có 15 gốc gỗ tự nhiên bị chặt phá tại Khoảnh 4, Tiểu khu 325A nói trên.
Như vậy, từ kết quả khám nghiệm của CQĐT cho thấy, BQL khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và Hạt Kiểm Lâm Cẩm Xuyên trước đó kiểm điếm, lập biên bản không chính xác, sai lệch số lượng gỗ bị chặt phá so với thực tế tại hiện trường.
Có mặt tại hiện trường khám nghiệm, Trung tá Bùi Việt Hùng, Phó trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh, CQĐT Công an huyện Cẩm Xuyên sẽ phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân huyện cùng các cơ quan chức năng liên quan điều tra, làm rõ vụ việc.
“CQĐT sẽ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, xác định bao nhiêu diện tích là rừng sản xuất giao khoán, bao nhiêu diện tích là rừng tự nhiên bị chặt phá; đồng thời, xác định khối lượng gỗ đã bị chặt, đưa ra khỏi khu vực rừng để phục vụ công tác điều tra”, Trung tá Bùi Việt Hùng nói.
Trước đó, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng cho biết, vào năm 2012, ông được BQL khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ giao khoán cho khu rừng sản xuất rộng 5,9 ha tại khoảnh 4, tiểu khu 325A, xã Cẩm Thịnh để trồng keo. Đến nay, ông Đức đã khai thác được 2 lần keo và hiện đã trồng lại lần thứ 3. Quá trình thuê người khai thác keo đã chặt một số lượng cây gỗ trong khu vực rừng tự nhiên.
Như đã đưa tin, trước đó, nhóm phóng viên Người Đưa Tin đã tiếp cận hiện trường vụ phá rừng tự nhiên nói trên, đăng tải bài viết phản ánh. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh trên Người Đưa Tin, Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an Hà Tĩnh đã trực tiếp chỉ đạo Công an huyện Cẩm Xuyên, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Cẩm Xuyên, các quan chức năng liên quan khẩn trương vào cuộc điều tra.
Liên quan tới vụ việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cũng đã có văn bản giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Cẩm Xuyên và các cơ quan liên quan làm rõ, xác minh thông tin và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm nếu có theo đúng quy định của pháp luật.
Hành vi thuê người chặt phá rừng tự nhiên của chính trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng - BQL khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ Nguyễn Văn Đức, ngay trước mặt 2 trạm bảo vệ rừng đã khiến dư luận hết sức bức xúc, đặt câu hỏi có hay không sự "làm ngơ" của cơ quan quản lý trước sai phạm? Câu hỏi này xin được gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh điều tra, làm rõ!
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!
Bùi Ngân - Phương Nam
Nhận xét
Đăng nhận xét