Gỗ rừng trồng trong nước đang dần thay thế nguồn cung gỗ nhập khẩu, tuy nhiên, tính hợp pháp của nguồn gỗ này đang vấp phải nhiều vấn đề bất cập.
Gỗ rừng trồng trong nước đang dần thay nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu
Đến nay, gỗ rừng trồng của Việt Nam, đặc biệt là nguồn gỗ từ 1,4 triệu hộ gia đình, đã trở thành một trong những nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng nhất cho ngành gỗ. Nguồn cung này hiện chiếm 50-60% trong tổng lượng cung gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước và trực tiếp góp phần vào sự phát triển của hàng nghìn công ty sản xuất đồ gỗ, ván ép, dăm, viên nén có sử dụng gỗ này làm nguyên nguyên liệu đầu vào.
Theo TS Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích của Tổ chức Forest Trends, hiện nguồn gỗ này đang thay thế cho các nguồn cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm một phần nguồn gỗ rủi ro có xuất xứ từ các quốc gia nhiệt đới.
Sáng 16.9.2022, tại hội nghị góp ý cho dự thảo của thông tư về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, cho hay, Việt Nam hiện đang có khoảng 4,4 triệu hecta rừng trồng. Con số này bao gồm trên 1 triệu hecta rừng trồng của 1,1 triệu hộ gia đình. Hàng năm các diện tích này đang cung cấp khoảng trên dưới 30 triệu mét khối gỗ quy tròn.
Nguồn gỗ này hiện có vai trò quan trọng nhất trọng nhất trong các cung gỗ đầu vào cho một đội ngũ đông đảo các doanh nghiệp trong ngành, bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng làm đồ gỗ nội địa, các doanh nghiệp xuất khẩu dăm, viên nén và ván ép, ván bóc.
“Có thể nói nguồn gỗ rừng trồng có vai trò to lớn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng nghìn doanh nghiệp, trực tiếp góp phần vào sự lớn mạnh của ngành gỗ và đang tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, trong đó có hàng trăm nghìn lao động là người dân địa phương, là những người dân nghèo” – ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.
Còn theo TS Tô Xuân Phúc, việc chủ động về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho ngành từ nguồn gỗ rừng trồng trong nước có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai.
"Trong ngắn hạn, việc tăng lượng cung gỗ rừng trồng nhằm thay thế gỗ nguyên liệu nhập khẩu là một trong những chiến lược có thể giúp các doanh nghiệp trong ngành đạt được mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022" - TS Tô Xuân Phúc nói.
Những tồn tại đang "làm khó" gỗ rừng trồng
Theo TS Tô Xuân Phúc, để gỗ nguyên liệu rừng trồng có thể vượt qua được nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu đòi hỏi nhiều yếu tố. Trong đó, gỗ rừng trồng của Việt Nam cần đảm bảo là gỗ hợp pháp thậm chí là bền vững và các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam cần có đầy đủ bằng chứng để chứng minh.
Quan niệm phổ biến hiện nay cho rằng gỗ rừng trồng của Việt Nam là gỗ hợp pháp và rủi ro về mặt pháp lý rất thấp hoặc thậm chí không tồn tại. Quan niệm này dựa vào cách hiểu gỗ rừng trồng hiện trồng trên các diện tích đất rừng sản xuất được nhà nước giao cho các hộ để trồng rừng sản xuất và đất rừng sản xuất được giao cho các công ty lâm nghiệp nhà nước; đồng thời, các quyền sử dụng đất của hộ và các công ty trên các diện tích đất này được công nhận và bảo vệ bởi nhà nước, thông qua giấy chứng nhận sử dụng đất ("sổ đỏ") được cấp cho hộ và công ty.
Tuy nhiên, trong thực tế tính pháp lý của gỗ nguyên liệu rừng trồng phức tạp hơn rất nhiều: Một số diện tích đất giao cho hộ và công ty lâm nghiệp chưa được cấp sổ đỏ; một số diện tích đã được cấp sổ tuy nhiên diện tích và vị trí bản đồ trong sổ đỏ không khớp với thực tế; giao dịch đất đai diễn ra giữa công ty lâm nghiệp và các hộ dân địa phương theo hình thức khoán cả chính thức và phi chính thức, trong đó thiếu các bằng chứng về tính hợp pháp của các giao dịch này; mua bán đất diễn ra giữa các hộ theo hình thức hợp đồng miệng và giấy viết tay và không có những bằng chứng pháp lý theo luật định...
"Sự thiếu hụt các bằng chứng pháp lý về đất đai và trong các giao dịch dẫn tới việc xác định tính hợp pháp của gỗ rừng trồng trên các diện tích đất này trở nên rất khó khăn, và trong một số trường hợp là không thể" - TS Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.
Nhận xét
Đăng nhận xét