Gỗ An Cường "chê" cơn sốt viên nén gỗ: Chỉ là giải pháp tình thế, không giống như Tesla tạo ra xe điện
Theo An Cường, viên nén gỗ chỉ đáp ứng một thời điểm, và cũng “lạ”, chưa biết đi về đâu nên không phải chiến lược hay.
- 26-07-2022 Doanh thu bán gỗ tăng, Gỗ An Cường ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 16%
- 23-10-2021 Gỗ An Cường: Covid bùng phát khiến Quý 3 lãi sau thuế giảm 58% cùng kỳ năm trước
- 07-02-2021 Gỗ An Cường, công ty cung cấp nội thất cho Vinhomes, NovaLand, Nam Long..báo...
ACG: Công ty Cổ phần Gỗ An Cường
Thời gian qua, việc giảm nhập khí đốt từ Nga và hạn chế về nguồn cung than buộc châu Âu (EU) phải tìm nhiên liệu thay thế. Điều này đang tạo cơ hội cho sản phẩm mới như nhiên liệu sinh khối, trong đó có viên nén gỗ Việt Nam sang EU.
Viforest nhận định viên nén là mặt hàng mới nổi của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam nhờ lợi thế về nguồn nguyên liệu. Với quy trình đơn giản, không yêu cầu kỹ thuật cao, để sản xuất viên nén gỗ các cơ sở sản xuất tận dụng tất cả các "phế phẩm" của mình, như mùn cưa, gỗ mẩu, gỗ dăm… thậm chí tận dụng cả những phế phẩm ngành khác như vỏ trấu, rơm, bã mía, thân cây, vỏ hạt…
Riêng năm 2021, lượng xuất khẩu đạt trên 3,5 triệu tấn, mang về hơn 400 triệu USD cho ngành gỗ trong nước, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, với sản lượng và giá trị liên tục tăng.
Còn từ đầu năm đến nay, TS. Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Forest Trends thông tin: "Xuất khẩu viên nén của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 đạt giá trị 354 triệu USD, bằng hơn 85% kim ngạch của năm 2021. Nếu đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong nửa cuối năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu viên nén của Việt Nam trong cả năm 2022 sẽ đạt 700 triệu USD".
Kết quả, gần đây một doanh nghiệp Việt là Tập đoàn An Việt Phát (AVP Group) gây chú ý khi góp mặt trong top 5 thị trường viên nén gỗ trên thế giới.
Bối cảnh này đặt các doanh nghiệp tương tự đứng trước câu hỏi: Sau dấu ấn của An Phát trên thị trường quốc tế, liệu các doanh nghiệp gỗ Việt Nam có nghĩ đến việc mở rộng đầu tư vào viên gỗ nén - mặt hàng đang "hot" để đáp ứng nhu cầu thị trường?
Gỗ An Cường nói gì trước sức "nóng" của viên nén gỗ?
Là nhà sản xuất và phân phối hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực gỗ công nghiệp, CTCP Gỗ An Cường (MCK: ACG) đã được một nhà đầu tư đặt câu hỏi về khả năng lấn sang thị trường năng lượng, trong bối cảnh mặt hàng viên gỗ nén đang có nhu cầu cao tại châu Âu trong Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư chiều ngày 22/09/2022 trước thềm cổ phiếu ACG chuyển sang niêm yết trên HOSE.
Phản hồi câu hỏi này, ông Nguyễn Thanh Vỹ - Giám đốc khối Quan hệ Nhà đầu tư của ACG cho biết viên gỗ nén xuất phát từ nhu cầu chung của thị trường, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine tạo ra cuộc khủng hoảng về năng lượng - đặc biệt là khí đốt và nhiên liệu.
Tuy nhiên, đơn vị này nhấn mạnh viên gỗ nén chỉ là giải pháp tình thế, không phải xu hướng tương lai quá mạnh mẽ, không phải như Tesla sản xuất xe điện. Ban lãnh đạo ACG hiện chưa nghĩ đến hay có định hướng phát triển sản phẩm này, vì các sản phẩm của ACG hiện vẫn đang tập trung ở thị trường nội địa. Các sản phẩm chỉ đáp ứng một thời điểm, và cũng “lạ”, chưa biết đi về đâu nên không phải chiến lược hay.
Doanh nghiệp này cho biết thêm rằng, hệ thống lọc trong các nhà máy của ACG có công nghệ cần phải tái sử dụng cả những phế phẩm hậu sản xuất, do đó phụ phẩm từ sản xuất gỗ công nghiệp không dư thừa.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại ACG chưa có kế hoạch lấn sân sang mảng viên nén gỗ với nhận định đây chưa phải là thị trường tiềm năng để phát triển.
Đẩy mạnh thị trường xuất khẩu
Tiền thân là Công ty TNHH Thương mại An Cường, ACG được thành lập từ năm 1994. Công ty chủ yếu mua nguyên liệu từ nguồn cung cấp trong nước qua các nhà cung cấp. Hoạt động kinh doanh chủ yếu gồm sản xuất và kinh doanh vật liệu giải pháp và nội thất làm bằng gỗ công nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ đi kèm.
Về bức tranh tài chính, lũy kế 6 tháng đầu năm, ACG ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.900 tỷ đồng và gần 279 tỷ đồng, tăng 12% và 17% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Ngụy Thanh Vỹ, Giám đốc quan hệ đầu tư cho biết Gỗ An Cường hiện nắm 55% thị phần gỗ công nghiệp và vật liệu trang trí tại Việt Nam và đặt mục tiêu tăng lên 70% vào 2025.
Doanh thu của công ty chủ yếu đến từ thị trường nội địa, song từ 2018 bắt đầu đẩy mạnh thị trường xuất khẩu để giảm bớt phụ thuộc vào thị trường bất động sản trong nước. Thị trường phân phối của ACG khá rộng, có thể kể đến như Campuchia, Malaysia, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Úc...Gỗ An Cường đã xuất khẩu sản phẩm vào 15 quốc gia, trọng tâm là Mỹ. Công ty đặt mục tiêu đến 2025, tỷ trọng xuất khẩu đạt 15-18% tổng doanh thu.
Công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM vào tháng 8/2021. Từ ngày 28/09/2022 tới, gần 136 triệu cổ phiếu ACG sẽ bị hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM, theo thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội để chuyển sang giao dịch trên HOSE.
Kết phiên ngày 23/9, cổ phiếu ACG ở mức 68.900 đồng/cp.
Nhận xét
Đăng nhận xét