(ĐCSVN) – Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trao đổi các thông tin cập nhật hàng tháng về diễn biến thị trường, những quy định, chính sách điều chỉnh mới của thị trường sở tại có tác động tới thương mại với Việt Nam.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2022 |
Ngày 30/8, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2022”. Đây là sự kiện thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước” được thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Tại Hội nghị, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam bày tỏ những lo lắng về nguy cơ thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu cho sản xuất do Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách Zero COVID-19. Cùng với đó là tình trạng suy giảm đơn hàng và đặc biệt EU - thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may Việt Nam đưa ra chiến lược mới về dệt may với những quy định mới về xanh hoá sản phẩm, chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững…
Ông Trương Văn Cẩm đề xuất, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục chia sẻ thông tin về thị trường nước sở tại, nhất là Thương vụ tại khu vực EU cập nhật thông tin về chiến lược mới liên quan đến dệt may. Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại làm thế nào thông thoáng con đường vận chuyển giữa hai nước giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên phụ liệu phục vụ kịp thời cho sản xuất.
Đồng thời, ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh, thị trường Mỹ và Pháp tổ chức nhiều hội chợ nhưng hiệp hội chỉ có thể lựa chọn 1 hội chợ/năm để tham gia, do đó không thể đánh giá được mức độ phù hợp và hiệu quả. Đề nghị Thương vụ Việt Nam tại 2 thị trường này cung cấp thông tin và tư vấn cho doanh nghiệp dệt may trong nước những hội chợ phù hợp.
Trước nỗi lo tủ gỗ Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn: Cơ quan thương mại Việt Nam mời đại diện DOC của Mỹ tới thị sát tại chỗ một số doanh nghiệp chế biến gỗ dán của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để thấy được sự minh bạch của doanh nghiệp, đồng thời đề nghị phía Mỹ cho lùi thời hạn nộp bảng hỏi để doanh nghiệp trả lời đúng và chính xác.
Trước những đề xuất của hiệp hội ngành hàng, tại Hội nghị, đại diện Thương vụ Việt Nam tại một số thị trường, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đã giải đáp thoả đáng và hướng dẫn cụ thể. Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng bày tỏ: Hội nghị hôm nay cũng như các hội nghị định kỳ hàng tháng tiếp theo, đề nghị các địa phương, hiệp hội ngành hàng tiếp tục nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xúc tiến xuất, nhập khẩu đối với các mặt hàng, ở các thị trường cụ thể, đồng thời đề xuất nhu cầu cần sự hỗ trợ, hướng dẫn tới đích danh từng cơ quan Thương vụ liên quan trong thời gian trước mắt sắp tới.
Hội nghị cũng đề nghị các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trao đổi các thông tin cập nhật hàng tháng về diễn biến thị trường, những quy định, chính sách điều chỉnh mới của thị trường sở tại có tác động tới thương mại với Việt Nam và các khuyến nghị về hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp tại nước sở tại làm cơ sở cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Nhận xét
Đăng nhận xét