Mới đây, ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, không chỉ điện tử, dệt may mà ngành gỗ, sản xuất thép... cũng gặp nhiều khó khăn do sức mua ở các thị trường chính giảm mạnh.
Theo ông Trần Việt Anh, khó khăn của đại dịch Covid-19, chiến sự trên thế giới, lạm phát... đang thấm dần, buộc nhiều doanh nghiệp (DN) phải sắp xếp lại hoạt động sản xuất, giảm thời gian làm việc.
Nhóm nghiên cứu của Hiệp hội gỗ và Forest Trends cũng vừa thực hiện khảo sát nhanh về tình hình tăng giảm doanh thu xuất khẩu của các DN ngành gỗ trong quý II/2022. Cụ thể, trong 45 DN hiện xuất khẩu đi thị trường Mỹ thì có 33 DN thừa nhận doanh thu xuất khẩu trong quý II/2022 đã giảm bình quân gần 39,6% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 DN có doanh thu tăng bình quân 11% so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ, có 2 DN không phản hồi.

Doanh nghiệp ngành gỗ sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. (Ảnh: vneconomy)
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản nhận định, các thị trường chính xuất khẩu gỗ của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Anh... đang trải qua sự sụt giảm về nhu cầu rất lớn. Điều này hiện đang tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong ngành hiện nay.
Cũng theo ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7 ước đạt 1,41 tỉ USD, giảm 5,5% so với tháng 6/2022 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đã giảm 4,9% do chính sách thắt chặt tín dụng để kìm hãm lạm phát tăng, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang tăng trên 13%, do xuất khẩu dăm gỗ và viên nén tăng.
Các DN ngành gỗ cho biết, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% DN cho rằng, nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 40% trong cả năm 2022. Các DN ngành gỗ đang đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Nhiều DN cũng đang tiến hành các biện pháp giảm thiểu khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường...
Trong tình hình hiện nay, khuyến cáo các DN cần cập nhật thông tin thị trường thường xuyên. Các DN nhanh chóng phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, cải tiến công nghệ; liên kết nhằm giảm giá thành; tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng kiến nghị các ngân hàng nên có chính sách ưu đãi để các DN ngành gỗ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Nhận xét
Đăng nhận xét