TTO - Gần 40 doanh nghiệp chuyên chế biến và xuất khẩu gỗ dán sản xuất từ gỗ cứng của Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa vào danh sách “không phản hồi” hoặc “không hợp tác”. Điều này dẫn đến nguy cơ bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá.
Ngày 22-8, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Viêt Nam (VIFOREST) cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ra phán quyết sơ bộ về kết quả điều tra gỗ dán được làm từ gỗ cứng (hardwood plywood) xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ bị khởi kiện có xuất xứ Trung Quốc (được sản xuất thành phẩm hoặc bán thành phẩm ở Trung Quốc, hoàn thiện ở Việt Nam và xuất khẩu sang Hoa Kỳ để né tránh thuế chống bán phá gia và chống trợ cấp).
Theo VIFOREST, một số doanh nghiệp của Việt Nam chuyên chế biến và xuất khẩu gỗ dán sản xuất từ gỗ cứng bị DOC đưa vào danh sách "không phản hồi" hoặc "không hợp tác" là do không mở tài khoản trên trang web của DOC để trả lời các bảng hỏi, trả lời không đầy đủ thông tin theo yêu cầu của DOC, thông tin không nhất quán…
Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã thuê luật sư nước ngoài làm dịch vụ tiếp nhận thông tin từ DOC, phản biện và khai báo. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ, nhiều câu hỏi không được luật sư chuyển đến doanh nghiệp, các bằng chứng về nhà xưởng, cung ứng nguyên liệu và thực tế sản xuất cũng chưa được cung cấp đầy đủ và có hệ thống.
DOC đã sơ bộ kết luận có 21 công ty hợp tác tốt, 22 công ty "không phản hồi" và 14 công ty "không hợp tác". Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đang cùng với 36 doanh nghiệp thuộc 2 nhóm sau làm giải trình tóm tắt gửi DOC và đăng ký tham gia điều trần công khai để khẳng định rằng doanh nghiệp thực sự "vô can", không lẩn tránh thuế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 22-8, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIFOREST, cho biết việc bị DOC liệt kê vào danh sách "không phản hồi" hoặc "không hợp tác" làm cho doanh nghiệp gỗ dán Việt rất lo lắng, hoang mang.
Theo dự kiến, giữa tháng 10-2022, DOC sẽ ban hành phán xét cuối cùng về việc điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với gỗ dán làm từ nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam.
Nếu phán xét bất lợi cho doanh nghiệp Việt được thông qua, nhiều doanh nghiệp sẽ mất thị trường tiêu thụ sản phẩm do bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Thậm chí có những doanh nghiệp đối diện nguy cơ phá sản.
"Hiện các doanh nghiệp bị liệt kế là ‘không phản hồi’, hoặc ‘không hợp tác’ đã gửi văn bản giải trình tóm tắt các nhận xét sơ bộ của DOC và đã đăng ký tham dự phiên điều trần công khai.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam hy vọng rằng DOC sẽ xem xét thấu đáo lập luận phản biện từ các bên liên quan của phía Việt Nam và ra phán quyết cuối cùng công bằng và minh bạch" - ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh.
Lãnh đạo VIFOREST cũng kiến nghị Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan của Việt Nam tăng cường trao đổi với các đối tác phía Hoa Kỳ để các doanh nghiệp tuân thủ luật pháp có môi trường kinh doanh bình thường.
"VIFOREST và các doanh nghiệp gỗ dán Việt Nam cũng sẵn sàng tiếp đón các phái đoàn của DOC Hoa Kỳ sang Việt Nam thị sát tại chỗ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gỗ. Ngoài ra, VIFOREST và doanh nghiệp gỗ Việt cũng đề nghị xử lý nghiêm minh các trường hợp gian lận thương mại, né tránh thuế, nếu có" - ông Hoài nói.
Trước đó, năm 2020, DOC khởi xướng việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam.
Liên quan đến 40 doanh nghiệp tủ bếp, tủ nhà tắm (tủ gỗ - PV) bị DOC từ chối bản giải thích, ông Hoài cho biết 40 doanh nghiệp này liên quan vụ việc DOC khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam từ hồi tháng 5-2022. Không liên quan đến vụ việc điều tra gỗ dán.
Theo ông Hoài, DOC có điều tra một số doanh nghiệp và doanh nghiệp có gửi lại bản giải thích. Mới đây, DOC có từ chối là do một số bản giải thích của các doanh nghiệp là do nộp không đúng thời hạn hoặc do thao tác kỹ thuật sai. DOC yêu cầu các doanh nghiệp chủ động gỡ bỏ/xóa các tập tài liệu đã nộp trên hệ thống.
Theo thông báo của DOC, trong số 40 doanh nghiệp bị từ chối bản giải thích, có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam như Công ty cổ phần Cẩm Hà, Công ty cổ phần chế biến gỗ Thuận An, Saigon River Factory, Công ty TNHH Tân Phước, Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco), Công ty TNHH Giang Minh…
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, 7 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ lại giảm, chỉ đạt 5,84 tỉ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài lạm phát, nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu gỗ sang Mỹ giảm tốc là do DOC đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong khảo sát nhanh đối với 52 doanh nghiệp ngành gỗ do các hiệp hội và nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends thực hiện mới đây, trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Mỹ, có 33 doanh nghiệp thông báo doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp nói doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ (11%).
Hiện Mỹ là thị trường nhập khẩu đồ nội thất lớn nhất của Việt Nam (chiếm khoảng 65% tổng giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản). Năm 2021, Mỹ nhập khẩu khoảng 9 tỉ USD sản phẩm gỗ, nội thất từ Việt Nam. Trong đó, riêng gỗ dán từ Việt Nam đạt khoảng 522 triệu USD.
Nhận xét
Đăng nhận xét