(KTSG Online) – Bên cạnh việc đơn hàng xuất khẩu đột ngột giảm hoặc bị hủy, doanh nghiệp đồ gỗ còn đang đối mặt với những trở ngại lớn khác như khó tiếp cận vốn, tần suất bị các cơ quan quản lý kiểm tra khá cao, hay Mỹ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm gỗ Việt Nam.
Thông tin này được các doanh nghiệp đồ gỗ và người đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) chia sẻ vào chiều 23-8 từ một cuộc khảo sát của các doanh nghiệp hội viên gần đây.
- Gỗ dán cứng Việt Nam chờ quyết định cuối cùng của Mỹ
- Gói hỗ trợ 2% lãi suất: Vì sao vẫn còn ít doanh nghiệp được vay vốn rẻ?
Lo lắng khi đơn hàng sụt giảm, bị hủy đơn nhiều
Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products), cũng là chủ hệ thống cửa hàng đồ gỗ Furnist, cho biết từ đơn hàng xuất khẩu đầy ắp của 6 tháng đầu năm đã đột ngột quay đầu giảm từ tháng 7 vừa qua với mức giảm trên 30%.
Sản phẩm của Viet Products chuyên xuất đi thị trường Mỹ và EU, trong khi cả hai thị trường này đang lạm phát tăng cao, người dân phải thắt chặt mua sắm những mặt hàng không thiết yếu dẫn đến đồ gỗ cũng bị ảnh hưởng nhiều, ông Sang nêu lý do đơn hàng xuất khẩu của công ty ông bị sụt giảm.
Không riêng Viet Products bị giảm đơn hàng đột ngột vì lạm phát cao khiến sức mua thị trường yếu vì đồ gỗ không nằm trong ưu tiên mua sắm của người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay mà theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA, trong một cuộc khảo sát của 52 doanh nghiệp hội viên của hội gần đây cho thấy có đến 47 doanh nghiệp cho biết đơn hàng xuất khẩu đang bị sụt giảm nhiều.
Đáng chú ý có đến 14 doanh nghiệp cho biết bị giảm 70 – 90% đơn hàng; và mức giảm chiếm đa số là từ 30-60% với 18 doanh nghiệp; trong khi đó có 15 doanh nghiệp bị giảm từ 10-30%. Chỉ có 5 doanh nghiệp được khảo sát cho biết đơn hàng tiếp tục tăng từ 10-30%.
Bên cạnh tình trạng sụt giảm đơn hàng mới, doanh nghiệp còn bị khách hủy hoặc giảm số lượng đơn hàng đã đặt trước. Nhà nhập khẩu đã yêu cầu tạm thời ngưng nhập những đơn hàng đã đặt từ mùa trước, dù doanh nghiệp trong nước đang thực hiện kế hoạch sản xuất.
Đáng chú ý, khách thường xuyên hủy mà không có sự chuẩn bị trước, một số nhà mua hàng còn lấy cớ hàng đầy kho, bán không được nên ký gửi tại kho ở Việt Nam chờ ngày xuất. Chi phí vận chuyển cao khách còn đề nghị giữ hàng tại doanh nghiệp và thanh toán chậm.
Khoảng 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát này là xuất khẩu đi thị trường Mỹ và khu vực EU. Số còn lại là xuất đi các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Canada, Arap Saudi, Anh, Mexico, Chile,…
Đáng chú ý có khách hàng châu Âu hủy đơn hàng đã đặt và PO (Purchase order – đơn đặt hàng) đang sản xuất dở dang cũng hủy ngang.
“Do tình hình sức mua giảm, tình trạng tồn hàng tại kho lớn, khách hàng đã yêu cầu hủy đơn hàng hoặc dời ngày xuất hàng tối thiểu là 1 tháng”, các doanh nghiệp chia sẻ trong khảo sát của HAWA, và khảo sát này còn cho thấy: “Có khách hàng trì hoãn nhận hàng vào kho của họ đến 4 tháng. Có khách hàng chỉ trả đặt cọc và không trả thêm, yêu cầu nhà máy tự bán hàng thanh lý nội địa…”.
Nguy cơ nhiều người lao động mất việc
Theo nhận định của ông Phương, hầu hết đơn hàng giảm cũng do một phần khách hàng nhận định sai thị trường nên năm 2022 đặt nhiều hơn cầu thị trường cùng với tình hình lạm phát, chiến tranh, cước tàu tăng cao… khách hàng bán không được.
Do đơn hàng xuất khẩu bị giảm mạnh nên các doanh nghiệp cũng chia sẻ kế hoạch thu hẹp và giảm quy mô sản xuất. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến việc làm của nhiều người lao động.
Đại diện HAWA cho biết đa số doanh nghiệp đều ý thức tạo việc làm để duy trì lực lượng lao động hiện hữu. Tuy nhiên, do đơn hàng bị giảm nhiều nên không ít doanh nghiệp buộc phải lên kế hoạch cắt giảm lao động theo dù biết rằng sau này sẽ rất khó tuyển khi thị trường hồi phục đơn hàng tăng trở lại.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến 65% doanh nghiệp chia sẻ giảm lao động với mức giảm phần lớn từ 20-50%, và cá biệt có doanh nghiệp cho biết giảm đến 70% so với trước Covid-19.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại vẫn có các doanh nghiệp (16% lượng doanh nghiệp khảo sát) cho biết tăng lượng lao động trong thời điểm khó khăn này.
Khó vay vốn, bị kiểm tra nhiều, và …
Vấn đề khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng trong thời gian này cũng được các doanh nghiệp hội viên của HAWA đưa vào thách thức lớn hiện nay.
Hơn một nửa lượng doanh nghiệp được khảo sát (29 doanh nghiệp) cho rằng họ không được hỗ trợ gia hạn tín dụng hay vay vốn với lãi suất cao. Thời gian cấp vốn giải ngân chậm và không cho trả tín dụng, hoặc trả vào vay chỉ giải ngân 50%.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh khách hàng dời ngày xuất hàng liên tục dẫn đến dòng tiền bị giảm; thời gian tiền về từ khách hàng muộn hơn so với giai đoạn trước đó khiến đồng vốn kinh doanh khó khăn…
Đáng chú ý là về năng lực, nhiều nhà mua hàng hỏi mua các sản phẩm do doanh nghiệp tự đề xuất thiết kế nhưng do chưa đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ nên trượt rất nhiều đơn. Họ cũng gặp khó trong việc tiếp cận nguồn khách hàng có tiềm lực tài chính tốt để đáp ứng được điều kiện thanh toán 30-70 của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng lo ngại cạnh tranh từ phía doanh nghiệp Trung Quốc khi họ dời nhà máy sản xuất qua Việt Nam.
Đáng chú ý, theo phản ánh của các doanh nghiệp, trong lúc họ đang khó khăn thì các cơ quan chức năng lại kiểm tra tình hình thực tế tại đơn vị khá nhiều. Năng suất giảm đáng kể nhưng các chi phí cố định như bảo hiểm xã hội chưa được hỗ trợ mà còn có chiều hướng tăng thêm, doanh nghiệp lại chưa được tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ theo chủ trương của chính phủ.
Việc thị trường Mỹ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng đang là sức ép lớn của các nhà xuất khẩu trong ngành.
Với những khó khăn trên, các doanh nghiệp kiến nghị chính phủ xem xét giải quyết nhanh vấn đề tín dụng của ngân hàng. Doanh nghiệp cho rằng họ đang khó khăn mà ngân hàng còn ngưng, giảm cho vay thì doanh nghiệp rất khó xoay sở.
Doanh nghiệp cũng kiến nghị giảm lãi suất, miễn giảm thuế đất trong thời gian 2-3 năm; hỗ trợ giảm % đóng bảo hiểm xã hội; trợ cấp thuế từ chính phủ; giảm bớt tần suất kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhận xét
Đăng nhận xét