Dựa trên điều kiện sản xuất lâm nghiệp trong thực tiễn, VFCO khuyến cáo tăng cường liên kết, nhất là với các chủ rừng nhỏ để nâng cao nhận thức cho người dân.
Tập huấn quản lý rừng bền vững gắn với rừng gỗ lớn
Quản lý rừng bền vững cần gắn với phát triển kinh tế
Giảm chi phí, tăng lợi ích
Phát biểu tại Hội thảo Thúc đẩy quản lý rừng bền vững ở Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Bích, Văn phòng Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) nhấn mạnh tới lợi ích của chứng chỉ VFCS/PEFC có thể áp dụng theo nhóm.
“Chứng chỉ cấp cho nhóm giúp tiết kiệm chi phí tư vấn, đánh giá. Đồng thời chủ rừng khi tham gia còn nhận ưu đãi từ các chuỗi cung ứng vật tư, cũng như tiếp cận vốn vay, tín dụng dễ hơn. Đây là cơ sở để người dân góp phần tạo vùng nguyên liệu lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi, và tiếp cận thị trường dễ dàng”, ông Tiệp chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Tiệp, Phó Giám đốc VFCO nói thêm, rằng chứng chỉ VFCS/PEFC được xây dựng dựa theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế PEFC. Đây là một tổ chức toàn cầu, có 55 quốc gia thành viên và dựa trên các tiêu chuẩn của ISO về quản lý chất lượng.
Đặc biệt, khi tham gia PEFC, mỗi quốc gia sẽ tự xây dựng và có một hệ thống duy nhất về quản lý rừng bền vững và phù hợp với điều kiện tự nhiên, miễn là tuân thủ tiêu chuẩn của PEFC.
Việt Nam hiện có 1,7 triệu ha rừng trồng, với 2 triệu hộ gia đình cá nhân. Diện tích trung bình của mỗi hộ khoảng 2-3 ha. Do đó, VFCS/PEFC được xây dựng để phù hợp với các chủ rừng nhỏ - đối tượng chủ yếu của ngành lâm nghiệp nước ta.
“Cách tiếp cận của VFCS/PEFC theo hướng từ dưới lên và xuất phát từ vùng nguyên liệu. Điều này phù hợp với thực tiễn của nền sản xuất lâm nghiệp Việt Nam”, ông Tiệp nói tiếp.
Nêu thực trạng tại một số nước phương Tây, nơi mỗi nhóm được cấp chứng chỉ rừng có tới hàng trăm thành viên, lãnh đạo VFCO khẳng định, VFCS hướng đến việc đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường quốc tế.
Bên cạnh mục tiêu nâng cao thu nhập cho các chủ rừng và giá trị gia tăng cho ngành lâm nghiệp, VFCS/PEFC còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì và nâng cao dịch vụ hệ sinh thái, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, hiện 120.000 ha được chứng nhận quản lý rừng bền vững và 48 chứng chỉ PEFC CoC. Để nâng cao hơn nữa công tác quản lý rừng cũng như đạt 500.000 ha rừng được cấp chứng chỉ vào 2025, ThS. Tiệp đề nghị đẩy mạnh công tác cấp chứng chỉ theo nhóm. Một số giải pháp được ông đưa ra, gồm nâng cao năng lực quản lý của nhóm, đề cao trách nhiệm của chủ thể nhóm, cũng như phân công cụ thể công việc cho từng thành viên.
“VFCO sẵn sàng hỗ trợ việc cấp phép sử dụng logo cho các tổ chức, cá nhân để tăng cường quảng bá, thông tin cho cho hoạt động quản lý rừng bền vững tại Việt Nam. Chúng ta cần chung tay để hàng hóa dán nhãn VFCS/PEFC được xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường thế giới”, ông Tiệp nhấn mạnh.
Tăng cường liên kết doanh nghiệp
Từ tháng 10/2021, VFCO được bàn giao về Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. GS.TS. Võ Đại Hải, Giám đốc Viện cho biết, từ khi thành lập, Văn phòng đã luôn phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Lâm nghiệp, PEFC để thúc đẩy quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng ở Việt Nam thông qua Dự án “Lâm nghiệp và Thương mại để phát triển trong khu vực ASEAN” (FOR-TRADE).
Trong những hoạt động chính của dự án tại Việt Nam, FOR-TRADE dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ chủ rừng nhỏ tại một số tỉnh miền Trung để thực hiện chứng chỉ theo VFCS/PEFC.
Nhờ được tập huấn kỹ thuật thường xuyên, tạo liên kết với doanh nghiệp, 1.000 ha rừng của 5 HTX đã được chứng nhận quản lý rừng bền vững theo nhóm. FOR-TRADE cũng hình thành cơ bản các tổ chức nhóm tại cấp xã. Điển hình là việc hỗ trợ giống và sản xuất cây giống tại HTX Hòa Phát, tỉnh Quảng Ngãi.
Bốn bước để thực hiện chứng chỉ rừng theo nhóm gồm: Hình thành liên kết; Nâng cao năng lực; Thực hiện quản lý rừng bền vững; Cấp chứng chỉ. Riêng khâu cuối, các chủ rừng được khuyến cáo phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, lựa chọn tổ chức cấp chứng chỉ và duy trì.
Dù được xác định là góp phần xây dựng, phát triển ngành lâm nghiệp một cách bền vững, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng còn gặp một số rào cản như: sự tham gia của doanh nghiệp liên kết còn hạn chế, chi phí cấp và duy trì chứng chỉ khá cao, năng lực của chủ rừng chưa đạt kỳ vọng.
Đánh giá cao nỗ lực của VFCO và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thời gian qua trong việc quản lý chứng chỉ rừng bền vững, ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng các bên cần lắng nghe và hỗ trợ tối đa cho các chủ rừng, nhất là các chủ rừng nhỏ bởi đây là thành phần yếu thế của xã hội.
“Việc hướng dẫn, cấp và quản lý chứng chỉ hiện theo hướng tự nguyện. Do đó, chúng ta cần lắng nghe tín hiệu và nhu cầu thị trường. Để có thể sớm hình thành chuỗi giá trị bền vững, ngoài đẩy mạnh công nghệ, giảm tiêu tốn ngồn nhân lực, các chủ rừng cần được hỗ trợ trong việc tiếp cận, liên kết với doanh nghiệp”, ông Diện bày tỏ.
Tại hội thảo, đại diện Hội Chủ rừng Việt Nam cho biết, trong khoảng 400 hội viên đang sinh hoạt, thành phần chủ yếu là cá nhân, hộ sản xuất cá thể nằm rải rác tại 12 tỉnh. Vị này mong muốn, VFCO nghiên cứu cơ chế, chính sách để vừa tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ, vừa giảm chi phí cho người dân.
Bạn đang đọc bài viết Đẩy mạnh cấp chứng chỉ rừng bền vững theo mô hình nhóm tại chuyên mục Lâm nghiệp của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nhận xét
Đăng nhận xét