Dù vẫn là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ trong 3 tháng đầu năm 2022, nhưng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này của Việt Nam vào Hoa Kỳ chỉ đạt 2,22 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC), 3 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ đạt 6,5 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 34,2% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ, giảm 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ tại Hoa Kỳ vẫn tăng mạnh, tuy nhiên ngành gỗ của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường này.
Theo Cục Phòng vệ Thương mại – Bộ Công Thương, Hoa Kỳ sẽ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam vào cuối tháng 5/2022. Nguyên đơn cáo buộc rằng các nhà sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam đã nhập tủ/bộ phận tủ từ Trung Quốc là đối tượng bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại, sau đó lắp ráp hoàn thiện tại Việt Nam và xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Ngoài ra, chi phí logistics tăng cao khiến nguy cơ dịch chuyển đơn hàng của Hoa Kỳ sang các quốc gia Nam Mỹ và một số nước Đông Âu. Các khu vực đó có nguyên liệu rừng, mặc dù giá nhân công và chi phí sản xuất cao hơn, nhưng bù lại có lợi thế về vị trí địa lý nên chi phí logistics sẽ thấp hơn và giá cả sẽ cạnh tranh hơn với các sản phẩm từ Việt Nam.
Do đó, để giữ vững vị trí cung cấp số 1 cho Hoa Kỳ, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam cần phải theo dõi sát diễn biến thị trường, đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp, lưu trữ, tổng hợp và phân tích thông tin về chứng từ, hóa đơn với nguồn gốc hàng hóa để kịp thời phối hợp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu điều tra xác minh của cơ quan hữu quan Hoa Kỳ.
Nhận xét
Đăng nhận xét