Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trước sự đứt gãy thị trường, tiêu dùng và chuỗi logistics… ngành gỗ Bình Định cần chủ động thích ứng trong tình hình mới.
Khắc phục ‘thẻ vàng’ IUU để gỡ nút thắt xuất khẩu thủy sản
Đồng quản lý bảo vệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản cho mai sau
Về đích nông thôn mới... rồi sao nữa!
Khó khăn bộn bề
Cuối tuần qua, trong chuyến công tác tại tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có buổi làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cùng 1 số doanh nghiệp chế biến, trồng rừng trên địa bàn.
Bình Định là 1 trong 4 trung tâm xuất khẩu đồ gỗ của cả nước, giá trị xuất khẩu gỗ chiếm gần 2/3 tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Các doanh nghiệp trong ngành đã tạo việc làm cho khoảng 23.000 lao động, chiếm đến một nửa số lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trong tỉnh.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành gỗ Bình Định đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 552,5 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021, đạt khoảng 57% kế hoạch của Hiệp hội đề ra trong năm 2022, chiếm khoảng 66% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Tuy nhiên, qua phản ánh của các doanh nghiệp, từ những tháng đầu quý 2/2022 đến nay, ngành gỗ phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, ảnh hưởng nặng nề đến ngành gỗ Bình Định trong mùa hàng mới 2022-2023.
Làn sóng dịch Covid-19 mới, cuộc chiến Nga-Ukraine, lạm phát tăng cao kỷ lục tại nhiều nước trên thế giới; sự đứt gãy chuỗi cung ứng; giá cước tàu biển, container quá cao; tỷ giá hối đoái của đồng Euro, bảng Anh, yên Nhật bị mất giá rất lớn... đã khiến lượng đơn hàng của khách hàng nước ngoài thường triển khai vào tháng 3 hàng năm, nhưng đến nay vẫn chưa có đơn hàng.
Một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý III, quý IV/2022, nhưng mùa hàng mới năm 2023 thì chưa có đơn hàng, thậm chí có xưởng hiện nay đã phải tạm dừng sản xuất.
Đối với các nhà máy đã có đơn hàng sản xuất đến cuối năm 2022 cũng rất lo lắng về tình trạng khách hàng chậm xác nhận booking, kéo dài thời gian giao hàng, chậm thanh toán do tồn kho tại các thị trường còn rất lớn, vì tốc độ tiêu thụ rất chậm so với năm trước.
Nhiều hãng tàu lớn cho biết khách hàng thị trường Mỹ đã hủy các booking giao nhận hàng trong tháng 7/2022, do lượng hàng tiêu thụ tại Mỹ còn tồn kho, chưa tiêu thụ hết.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp trên địa bàn đã sản xuất trước theo booking, đang chờ xuất hàng sẽ gặp khó khăn trong lưu kho, bảo quản, bị chậm thanh toán, có nguy cơ trễ hàng, kể cả hủy đơn hàng.
“Giá nhiên liệu ở mức cao cùng với sự thiếu hụt tàu biển, container, tắc nghẽn hoạt động logistics tại các cảng lớn quốc tế đã khiến chi phí vận chuyển đường biển tăng cao kéo dài từ năm 2020 đến nay. Nguyên liệu gỗ rừng trồng, vật liệu sắt thép, nhôm, vật tư phụ kiện như ốc vít, pát, thanh trượt, mút xốp, nệm, hóa chất, bao bì... liên tục biến động và tăng rất cao, gây khó khăn cho nhà sản xuất đồ gỗ xuất khẩu trong triển khai đơn hàng đã ký và nhận đơn hàng mới”, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, chia sẻ.
Nắm tay nhau vượt qua khó khăn
Trong chuyến công tác này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đến thăm Xí nghiệp Thắng Lợi thuộc Công ty Cổ phần Phú Tài.
Đây là nhà máy có quy mô 13,6ha với 1800 công nhân, chuyên sản xuất đồ gỗ ngoài trời xuất khẩu tới các thị trường như Mỹ, châu Âu, Úc; trong đó sử dụng 90% gỗ keo lá tràm từ rừng trồng trong nước.
Bộ trưởng cũng thăm Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, doanh nghiệp “đầu đàn” trong ngành chế biến gỗ ở Bình Định với có 3 nhà máy và 1 phân xưởng cưa, xẻ với tổng diện tích 21ha. Giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 1.250 lao động. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng qua các năm, đạt 42,68 triệu USD; thu nhập bình quân của lao động đạt 7,5 triệu đồng/tháng.
Bộ trưởng nghe cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định chia sẻ: Đặc biệt, từ tháng 4/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã chính thức khởi xướng 2 cuộc điều tra về phạm vi và về gian lận Lệnh áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp nhóm hàng tủ và bàn trang điểm của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong khi nhóm hàng tủ và bàn trang điểm có giá trị kim ngạch lớn, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển ngành gỗ trên địa bàn Bình Định và cả nước.
Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan còn đi thăm mô hình rừng trồng gỗ lớn ở Công ty Lâm nghiệp Quy Nhơn. Trồng rừng gỗ lớn là mục tiêu mà Bình Định hướng tới với những tiềm năng phát triển bền vững. Điều kiện tự nhiên, khí hậu ở Bình Định có tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa, rất thích hợp cho việc trồng các loại cây rừng gỗ lớn.
UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích rừng trồng gỗ lớn tập trung đạt 10.000ha, đến năm 2035 đạt 30.000ha.
Trước bối cảnh khó khăn nói trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắn nhủ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cần thắt chặt mối hợp tác, đoàn kết, các doanh nghiệp trong ngành cần xóa hết những xung đột lợi ích để nắm tay nhau cùng vượt qua khó khăn, đối đầu với sóng gió do thị trường mang lại.
“Các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với những bất định, biến động, phức tạp, thậm chí cả những mơ hồ của thị trường hiện nay. Những thay đổi về thị hiếu người tiêu dùng, xu thế tiêu dùng hiện nay đã phá vỡ chiến lược sản xuất của các doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần đề ra các giải pháp linh hoạt để thích ứng, duy trì sản xuất.
Đặc biệt, phải đổi mới, sáng tạo, quan tâm hơn đến tiêu chuẩn mỹ thuật trong ngành gỗ, bởi nó sẽ mang đến giá trị gia tăng. Bởi, yếu tố mỹ thuật sẽ đánh vào cảm xúc của người tiêu dùng, đó là sự bền vững của ngành chế biến gỗ xuất khẩu”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định.
Bạn đang đọc bài viết Ngành gỗ Bình Định cần chủ động thích ứng tình hình mới tại chuyên mục Lâm nghiệp của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nhận xét
Đăng nhận xét