Từ năm 2015 đến nay, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành, ở huyện Đắk Mil, Đắk Nông là đơn vị quản lý rừng duy nhất ở tỉnh này được cấp chứng chỉ quản lý rừng đạt chuẩn quốc tế Forest Stewardship Council. Chứng chỉ này do Hội đồng quản lý rừng thế giới lập ra nhằm phát triển quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới.
Nhiều thành tích phát triển đa dạng sinh học
Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành (Công ty Đại Thành) đang quản lý, bảo vệ hơn 18.223ha rừng và đất rừng. Toàn bộ diện tích rừng của đơn vị nằm trên địa bàn xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil. Từ năm 2007, Công ty Đại Thành là đơn vị đầu tiên ở tỉnh Đắk Nông thực hiện thí điểm phương án quản lý rừng bền vững.
Đến năm 2015, công ty này được Hội đồng quản trị thế giới cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn Forest Stewardship Council (gọi tắt là FSC). Tuy nhiên, để đạt được chứng nhận FSC, công ty phải cung cấp, chứng minh bằng một lượng lớn các hồ sơ, tài liệu chi tiết đáp ứng được 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí khắt khe do Hội đồng quản lý rừng FSC xây dựng.
Sau khi được công nhận đạt chuẩn cho đến nay, những cánh rừng của Công ty Đại Thành luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, bảo đảm đúng quy trình, quy định do Hội đồng FSC đề ra. Một ngày đầu năm 2022, dọc theo tuyến Quốc lộ 14C, đoạn từ thị trấn Đắk Mil đến tỉnh Đắk Lắk chúng tôi đã được chiêm ngưỡng cánh rừng đạt chuẩn quốc tế của Công ty Đại Thành.
Dừng chân tại tiểu khu 1050, trước mắt chúng tôi hiện ra là một cánh rừng bằng lăng hàng trăm năm tuổi, cây rừng cao hơn 30m, gốc cây có đường kính lên đến vài mét. Mặc dù, tiếng máy xe ôtô vẫn nổ, đoàn chúng tôi có cả chục người nói chuyện rôm rả nhưng trên cành cây tiếng chim vẫn hót líu lo, rộn ràng. Dưới tán cây rừng thì đa dạng các loại thảm thực vật với nhiều loại côn trùng sinh sống.
Chia sẻ về công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc Công ty Đại Thành - cho biết, việc thực hiện quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC đã đem lại sự đa dạng sinh học ở nhiều tiểu khu. Từ khi công ty thực hiện việc quản lý rừng theo tiêu chuẩn bền vững thì ngoài việc quản lý bảo vệ thì còn thêm phần giám sát, tuần tra rừng và bảo tồn các giá trị động thực vật.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các bộ phận quản lý bảo vệ rừng sẽ thường xuyên theo dõi, đánh giá trên lâm phần của mình quản lý, phụ trách có xuất hiện loại động vật mới nào hay không. Việc này được nhận diện thông qua các dấu vết mới tìm thấy ở trong rừng. Mặt khác, hiện nay, công ty đang sử dụng công nghệ GIS để cập nhật diễn biến rừng, đánh giá, điều tra, thực tế đa dạng sinh học bằng cảm quan và định vị GPGS.
Theo ông Bình, có rất nhiều tiêu chí để được công nhận rừng đạt chuẩn. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi công ty phải đáp ứng 3 vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường. Trước hết, về mặt kinh tế quản lý rừng công ty phải đạt được kế hoạch đề ra. Còn về mặt xã hội, để giảm thiểu các xung đột giữa công ty, chính quyền địa phương, người dân, đơn vị phải tạo được công ăn việc làm và thanh toán đầy đủ chế độ cho người lao động.
Đặc biệt, công ty phải hỗ trợ cộng đồng địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới, từ thiện xã hội. Về môi trường bắt buộc quản lý bảo vệ rừng phải hiệu quả, có giải pháp hạn chế các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến tài nguyên rừng, không được xả rác thải vào trong rừng.
Quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt
Từ năm 2007 đến nay, Công ty Đại Thành đã đầu tư kinh phí để thực hiện công tác giám sát chuyên đề độc lập của các tổ chức quốc tế về phát triển rừng... Mặc dù còn những khó khăn, nhưng với quyết tâm, trách nhiệm cao, những cán bộ, nhân viên công ty vẫn đang ngày đêm bám trụ, giữ rừng và phát triển rừng bền vững.
Ông Phan Bá Nhã - Chủ tịch Công ty Đại Thành - chia sẻ: “Để trồng rừng theo tiêu chí FSC, tiêu chí đầu tiên là phải nói không với lửa, nghĩa là cấm đốt thực bì. Đây là tiêu chí nghiêm ngặt nhất, ai không tuân thủ sẽ bị loại ra khỏi dự án”. Để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng theo chuẩn quốc tế, hằng năm công ty xây dựng và tổ chức thực hiện phương án quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, người lao động trong quản lý, bảo vệ rừng theo từng khu vực.
Kết quả, trong những năm qua, hơn 18.223ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc đơn vị phụ trách được quản lý bảo vệ tốt, không bị người dân xâm canh, xâm cư, không bị lấn chiếm. Nhiều diện tích rừng được công ty phát triển, trồng mới tái sinh đã mang lại diện mạo mới chẳng khác gì rừng tự nhiên. Do đó, thời điểm này rừng do Công ty Đại Thành quản lý còn rất nhiều cây gỗ quý như bằng lăng, hương, cẩm và các loài khỉ, voọc, rắn, lợn rừng...
Theo ông Nhã, chứng chỉ FSC được xem là giấy thông hành cho sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết, kết nối các khu rừng với thị trường nội thất gỗ toàn cầu, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và môi trường rừng. Lợi ích trước mắt của mô hình chứng chỉ FSC cho rừng cộng đồng là các nguyên liệu hoặc sản phẩm FSC thường được bán giá cao hơn sản phẩm thông thường.
Phần chênh lệch này giúp cho chủ rừng có lợi ích tài chính, từ đó khuyến khích họ tuân thủ các yêu cầu về môi trường và xã hội. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương đóng cửa rừng của Nhà nước, đơn vị đã không còn tham gia sản xuất đồ gỗ. Tuy nhiên, mục tiêu lớn hơn của dự án là giúp cộng đồng quản lý rừng tự nhiên có đủ tự tin để tham gia sâu hơn đối với các loài lâm sản khác ngoài gỗ.
Theo ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil thì Công ty Đại Thành là một trong những đơn vị làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương. Năm 2015, công ty Đại Thành đã đạt Chứng nhận bảo vệ rừng FSC đã minh chứng cho việc rừng ở đây bảo đảm các tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các mục tiêu bảo vệ môi trường rừng với lợi ích xã hội, người dân địa phương…
Chứng nhận FSC do Hội đồng quản lý rừng FSC là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1993 với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới. Hiện nay, tổ chức này đã có mặt tại hơn 50 quốc gia với hơn 850 thành viên bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm nghiên cứu khoa học, các tổ chức quản lý chứng nhận quốc tế, trung tâm phát triển cộng đồng, các doanh nghiệp...
Hội đồng FSC là một tổ chức uy tín, có ảnh hưởng lớn trong việc bảo vệ rừng nói riêng và môi trường nói chung trên quy mô toàn cầu. FSC cũng có mối liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ khác như Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên WWF; Tổ chức Hòa bình xanh Greenpeace, Oxfam...
Nhận xét
Đăng nhận xét