![]() |
Nhu cầu nội thất thế giới vẫn trên đà tăng, nhiều doanh nghiệp Việt có đơn hàng hết quý III
Phó Chủ tịch Hội Mỹ Nghệ và Chế Biến Gỗ TP HCM (HAWA), ông Nguyễn Chánh Phương, chia sẻ trong buổi thông tin về sự kiện kiện Vietnam Furniture Matching Week (VFMW) 2022 ngày 29/3 rằng khác với việc thiếu đơn hàng khi dịch bệnh bùng phát trong năm 2021, năm nay, nhu cầu nội thất thế giới vẫn trên đà tăng.
Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 2,6 tỷ USD. Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt 3,9 tỷ USD, giữ được mức tăng trưởng 3% so với năm 2021.
Theo ông Phương, với tốc độ như hiện nay thì mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD đến cuối năm nay là hoàn toàn có thể.
Khủng hoảng nguồn cung nguyên liệu
Tuy nhiên, theo ông Phương, cùng với dịch bệnh, cuộc chiến tại Ukraine đang gây thêm xáo trộn cho chuỗi cung ứng, nguồn cung nguyên liệu.
Ông Phương cho rằng giá dầu tăng kéo theo nguyên vật liệu đầu vào đều tăng. Cộng thêm sự gián đoạn hoặc chi phí tăng thêm của chuỗi cung ứng sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngành gỗ. Ngành này vẫn nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu từ châu Âu, Mỹ, Brazil và tình trạng thiếu gỗ nguyên liệu vẫn đang tiếp diễn.
Theo báo cáo Tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine tới ngành gỗ Việt Nam hiện tại và tương lai mới được công bố, năm 2021, kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Nga đạt khoảng 55 triệu USD, tương đương 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ tất cả các nguồn trong cùng năm.
Theo báo cáo này, nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Nga cho Việt Nam nhỏ. Suy giảm hoặc mất hẳn nguồn này trong tương lai sẽ không có tác động trực tiếp đáng kể tới nguồn cung gỗ cho Việt Nam trong tương lai. Nga cũng không phải là thị trường lớn tiêu thụ các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Nếu giảm hoặc mất thị trường này trong tương lai cũng sẽ không tạo ra những tác động tiêu cực đáng kể cho ngành.
Tuy nhiên, với lượng cung gỗ nguyên liệu khổng lồ từ Nga bị sụt giảm hoặc bị mất đi trong tương lai, bức tranh cung gỗ nguyên liệu toàn cầu sẽ bị tác động nghiêm trọng. Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, với lượng nhập khoảng 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn mỗi năm, những tác động tiềm tàng đối với ngành gỗ là rất lớn.
Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh trạnh khốc liệt với các doanh nghiệp các nước khác về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt ở các thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam là châu Âu và Mỹ.
Thứ hai, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu gia tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trên trường quốc tế.
Thứ ba, sức ép từ các tổ chức môi trường và nhân quyền đối với các doanh nghiệp tiếp tục sử dụng gỗ Nga gia tăng, cả đối với các doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp và các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ Nga thông qua đầu Trung Quốc. Các sức ép đối với các doanh nghiệp sử dụng gỗ của Nga nói riêng và ngành gỗ Việt Nam nói chung là nguyên nhân hình thành các rủi ro mới về mặt môi trường và xã hội.
Thứ tư, nguồn cung từ Nga thiếu hụt có thể làm hình thành các nhu cầu mới về đối với các loài gỗ thay thế cho các loài trước đó được nhập từ Nga. Nguồn gỗ keo rừng trồng của Việt Nam có thể trở thành một trong những nguồn gỗ thay thế. Nếu điều này xảy ra, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp đặc biệt từ Trung Quốc về việc tiếp cập với nguồn gỗ rừng trồng tại Việt Nam.
Trao đổi với Người Đồng Hành, ông Nguyễn Chánh Phương đánh giá tác động của cuộc chiến tại Ukraine là giá xăng dầu tăng khiến chi phí logistics tăng cao. Bên cạnh đó, Mỹ yêu cầu không xuất khẩu các sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ Nga đến nước này. Việt Nam nhập khẩu loại ván birch của Nga thông qua Trung Quốc, nên cũng chịu tác động nhất định từ cuộc chiến tại Ukraine.
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
Thị trường gỗ- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét