Sau những tháng gặp khó khăn vì tác động của đại dịch Covid-19, hiện nay ngành Gỗ đã từng bước được khôi phục và có nhiều dấu hiệu khả quan.
Sản xuất, xuất khẩu gỗ kỳ vọng tăng trưởng vào những tháng cuối năm. Ảnh: V.Gia |
Đặc biệt, cuối năm là thời điểm mà các thị trường xuất khẩu gỗ trọng điểm của Việt Nam như: Mỹ, châu Âu… gia tăng tiêu thụ đồ gỗ nên là cơ hội để ngành Gỗ cả nước đạt mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD, riêng với Đồng Nai là 1,8 tỷ USD.
* Đơn hàng tăng vào cuối năm
Vừa trở lại sản xuất được một thời gian, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phương Sinh (TP.Biên Hòa) đã nhận được đơn hàng 50 tỷ đồng sản xuất gỗ xuất khẩu. Chị Trịnh Thị Uyên Phương, Giám đốc công ty cho hay, thời điểm này 2 nhà máy của doanh nghiệp (DN) luôn chạy hết công suất, nỗ lực tăng ca, kíp để phục vụ sản xuất cho đơn hàng lớn vừa ký kết.
“Sau thời gian khó khăn, thậm chí tạm ngưng sản xuất, việc hoạt động trở lại và nhận được đơn hàng tạo niềm vui, khích lệ cho chúng tôi trong những tháng sắp tới” - chị Phương chia sẻ.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành Gỗ, 2 tháng cuối năm là thời điểm để gia tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nhất là thị trường Mỹ. Nhu cầu về mua sắm, tiêu dùng trong các dịp lễ lớn cuối năm tại Mỹ là yếu tố quan trọng để xuất khẩu ngành hàng này bứt phá. Trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, Mỹ nhập khẩu chủ yếu mặt hàng ghế khung gỗ; đồ nội thất phòng khách và phòng ăn; đồ nội thất phòng ngủ. Đây cũng là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.
Một điều thuận lợi nữa là Việt Nam và Mỹ vừa ký thỏa thuận về kiểm soát gỗ bất hợp pháp. Đây là cơ sở để Chính phủ Mỹ khép lại vụ điều tra theo hướng không gây bất lợi cho việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, nâng cao uy tín và tăng tính cạnh tranh; đồng thời, sẽ thúc đẩy sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong tháng 12, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và các cơ quan hữu quan tổ chức chương trình hội thảo, giao thương trực tuyến Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong lĩnh vực đồ gỗ, để xuất khẩu gỗ có bước đi dài hơi hơn.
Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành trọng điểm của cả nước về chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Việc các DN đều đã hoạt động trở lại theo các phương án khác nhau và người lao động được tiêm phủ vaccine ngừa Covid-19 sẽ là cơ hội để ngành thúc đẩy, gia tăng sản xuất, xuất khẩu trong thời gian tới, cán mốc xuất khẩu 1,8 tỷ USD như kỳ vọng.
Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai khuyến nghị các DN cần chuẩn bị tâm thế tốt nhất để sẵn sàng sản xuất, kinh doanh với cường độ và hiệu quả cao, thích ứng được tình hình mới, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Ngành Gỗ đang thu hút sự quan tâm chú ý của khách hàng, đối tác toàn cầu nên DN phải nỗ lực, sáng tạo nâng cao công nghệ sản xuất, chú trọng tới xu hướng và nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, cần chủ động ngăn ngừa giả mạo xuất xứ, bởi các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada… rất khắt khe về gian lận thương mại và trốn thuế.
* Vẫn lo nguồn cung lao động
Khảo sát tại một số DN ngành Gỗ trên địa bàn tỉnh cho thấy, hoạt động sản xuất trở lại bình thường thì tình hình xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ sẽ khả quan hơn, do nhiều DN đã có đủ đơn hàng cho đến hết năm, thậm chí cho đến hết quý I-2022. Các DN cũng đang cố gắng nối lại sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu, tuy nhiên việc tăng trưởng của ngành vẫn gặp phải những khó khăn nhất định, phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch và quá trình phục hồi sản xuất tại các DN; trong đó, về lâu về dài, thiếu hụt lao động sẽ là bài toán cần phải có giải pháp để tháo gỡ.
Sau dịch, trong khi phục hồi nhanh, nhiều DN không có đủ nhân lực như trước khi xảy ra dịch bệnh. Để giữ chân cũng như thu hút được lực lượng lao động, hiện một số DN tăng lương cho công nhân, một giải pháp tình thế để cạnh tranh lao động. Việc này có muốn hay không thì DN vẫn phải làm, bởi nếu không đơn hàng xuất khẩu sẽ bị trễ và DN sẽ bị phạt đơn hàng. Tuy nhiên, với mức chi phí nguyên liệu tăng mấy chục phần trăm, chi phí nhân công cũng tăng đang là áp lực đè nặng lên DN. Đợt dịch lần thứ 4 đã tạo ra một cuộc dịch chuyển lớn trên thị trường lao động. Cấu trúc lao động cũ đã bị phá vỡ, các DN sẽ đối mặt với thách thức cả trước mắt lẫn lâu dài.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai Lê Xuân Quân cho rằng, để thúc đẩy sự hồi phục của ngành Gỗ nói riêng và sản xuất nói chung, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong điều kiện bình thường mới, nhất là về thu hút lao động trở lại làm việc, thủ tục xuất nhập cảnh với các chuyên gia nước ngoài để giúp DN sớm ổn định sản xuất và đạt được mục tiêu đã đặt ra trong kế hoạch năm. Bên cạnh đó, cần có biện pháp tạo kênh kết nối các hãng tàu lớn trong và ngoài nước với nhau nhằm ổn định giá cước vận chuyển do chi phí logistics hiện đang rất cao làm giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành Gỗ.
Văn Gia
Nhận xét
Đăng nhận xét