YÊN BÁI 'Thủ phủ' nghề chế biến gỗ huyện Trấn Yên (Yên Bái) có 115 xưởng chế biến gỗ ván bóc và gỗ ghép thanh thì hiện 35 xưởng đã nghỉ và tạm dừng hoạt động.
Ngành gỗ sẽ sớm tăng trưởng trở lại
Trên 50% doanh nghiệp ngành gỗ ngừng hoạt động
50% doanh nghiệp ngành gỗ đối diện nguy cơ phá sản

Cơ sở chế biến ván bóc của gia đình ông bà Giang Thoa xã Quy Mông. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.
Từ năm 2006 đến 2018, nghề chế biến gỗ rừng trồng như gỗ ván bóc, xẻ ván ghép thanh… là nghề "hốt bạc" của các xưởng chế biến gỗ tại huyện Trấn Yên (Yên Bái). Nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và nhiều hộ dân chuyển đổi trồng cây nguyên liệu giấy sang trồng quế đã dẫn tới thiếu nguyên liệu, nhiều cơ sở phải đóng cửa.
Huyện Trấn Yên có hơn 36.300 ha rừng trồng, trong đó diện tích quế 18.750 ha, keo 7.154 ha, bồ đề 2.903 ha… mỗi năm khai thác hơn 123.000 m3 gỗ các loại.
Thấy được lợi ích của rừng, nhiều người đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư mua máy bóc ván về chế biến. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập ổn định và khá giả, tạo được công ăn việc làm và mang lại thu nhập cho nhiều người dân.

Sản xuất ván bóc tại địa bàn huyện Trấn Yên đang hết sức èo uột do nguyên liệu tăng cao, tiêu thụ sản phẩm lại rất khó khăn. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.
Năm 2006, ông Đinh Văn Hường là một trong những người đầu tiên ở xã Quy Mông (huyện Trấn Yên) bỏ vốn đầu tư vào máy ván bóc. Với số vốn gia đình tích cóp và vay mượn anh em được 200 triệu, ông vay thêm 150 triệu từ ngân hàng để đầu tư mua máy bóc gỗ.
Từ một gia đình thuần nông, sau khi đầu tư vào xưởng ván bóc, đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 7- 10 người trong xã. Sau những gian nan vất vả làm ăn tích cóp, đến năm 2011 ông đã trả hết nợ và xây dựng được ngôi nhà kiên cố khang trang. Những năm gần đây, do nguồn nguyên liệu ngày một khan hiếm nên năm 2017 ông đã bán xưởng máy về phát triển chăn nuôi tại gia đình.
Ông Hoàng Bình Thuận tại bản Phạ, xã Việt Hồng (huyện Trấn Yên) cho biết: Thấy được nhu cầu về ván bóc trên thị trường, ông chuyên đi thu mua gỗ rừng trồng để khai thác bán lại cho xưởng trong khu vực. Do nhà có xe ô tô nên ngoài việc chở gỗ cho gia đình, ông còn chở thuê cho nhiều gia đình khác.
Thấy được lợi thế của mình, ông đã bàn với vợ và người anh trai mua máy về mở xưởng sơ chế gỗ với đầu tư ban đầu khoảng 450 triệu đồng từ vốn của gia đình và vay thêm ngân hàng.

Hàng loạt các cơ sở chế biến gỗ dừng hoạt động đã kéo theo lực lượng lao động buộc phải nghỉ việc. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.
Nhờ áp dụng những kỹ thuật từ khâu vận hành máy đến cắt ván thành phẩm, đã giúp tiến độ sản xuất được nâng cao, chất lượng và năng suất đạt hiệu quả hơn. Với giá bán 2.150.000 đ/m3 ván thương phẩm, bình quân mỗi tháng xưởng của ông xuất bán 150 m3 ván, thu về hơn 320 triệu đồng. Sau khi trừ chi phi mua gỗ, thuê nhân công và đóng thuế, gia đình ông thu về từ 20 - 25 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên kể từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giá ván bóc thấp, ít khách hàng nên rất khó tiêu thụ. Gỗ nguyên liệu những năm trước đây trung bình loại gỗ có đường kính từ 7- 10cm có giá 700- 800.000 đ/m3 thì từ năm 2020 đến nay đã tăng thêm 200 - 300.000 đ/m3, trong khi đó giá ván bán ra lại thấp nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Trấn Yên, địa bàn huyện đến năm 2020 có 115 xưởng chế biến gỗ ván bóc và gỗ ghép thanh, trong đó có 35 xưởng đã nghỉ và tạm dừng hoạt động. Hai xã có số xưởng gỗ ván bóc nhiều nhất là xã Lương Thịnh với 22 xưởng thì có 9 xưởng dừng hoạt động, xã Quy Mông với 13 xưởng thì 7 xưởng xin nghỉ.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá nguyên liệu cao, khan hiếm, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi diện tích rừng trồng keo, bồ đề sang trồng quế, ván làm ra khó xuất bán. Từ đó, nhiều cơ sở chế biến gỗ rừng trồng buộc phải đóng cửa hay tạm dừng sản xuất hoặc bán máy móc để đầu tư phát triển kinh tế theo hướng khác.
Bạn đang đọc bài viết Các cơ sở chế biến gỗ lao đao tại chuyên mục Đời sống vùng cao của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nhận xét
Đăng nhận xét