Với hàng ngàn hecta rừng đã và đang được bảo vệ, trồng mới, Thanh Hóa đang kỳ vọng sẽ khôi phục lại loài lim xanh vang bóng một thời ở vùng đất này
Thanh Hóa từng được xem là "thủ phủ" của những cánh rừng lim xanh - một trong "tứ thiết" của Việt Nam (đinh, lim, sến, táu) - thế nhưng do khai thác quá mức và kéo dài hàng chục năm không gắn với công tác phát triển trồng mới nên khoảng 30 năm trở lại đây, lim xanh ở vùng đất này gần như bị khai thác cạn kiệt.
Chỉ còn trong hoài niệm
Hướng mắt về phía rừng già, ông Nguyễn Nam (63 tuổi; ngụ thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh) không khỏi tiếc nuối về những cánh rừng lim bạt ngàn một thuở. Nhà ông nằm ngay trên con đường dẫn vào bến Lim, là nơi tập kết gỗ lim có tiếng một thời. Ngày trước, nó chỉ là con đường mòn, giờ đã thành đường bê-tông khang trang. Đây là con đường mà ông Nam đã chứng kiến không biết bao nhiêu đoàn xe tấp nập vận chuyển gỗ từ rừng già về xuôi.
"Những năm 1980, ngay sát nhà tôi, rừng gỗ lớn bạt ngàn, cổ thụ lim xanh rất nhiều. Sau năm 1980, lâm trường ồ ạt khai thác, tập kết gỗ về khu vực này trước khi đưa đi nơi khác tiêu thụ, cái tên bến Lim cũng có từ đó. Những năm ấy, khai thác rừng cũng là làm kinh tế, nên các lâm trường càng "phá" được nhiều rừng càng tốt. Thậm chí, nhiều đơn vị, tổ, đội còn được khen thưởng vì khai thác được nhiều gỗ rừng nên chỉ trong vài năm, những cánh rừng già (trong đó có lim xanh) từ bến Lim kéo dài tới tận khu vực Đồng Mưa (xã Xuân Khang) đã bị chặt hạ gần như trắng. Bến Lim giờ cũng chỉ là tên gọi chứ chẳng còn cây lim nào cả" - ông Nam tiếc nuối.
Đến những năm 1990, việc khai thác rừng của các lâm trường mới dừng lại khi Vườn Quốc gia (VQG) Bến En được thành lập. Thế nhưng, những cánh rừng gỗ lớn, trong đó có lim xanh, hầu như đã bị khai thác cạn kiệt, nếu còn cây lớn cũng chỉ sót lại ở những nơi núi cao, rừng sâu, đường sá đi lại khó khăn. Tuy nhiên, thời điểm đó, Bến En được xem là "vựa gỗ" của xứ Thanh, với rất nhiều loài gỗ quý, có giá trị kinh tế cao nên lâm tặc đã tràn về. Những cánh rừng gỗ quý tiếp tục "chảy máu", trong đó rừng lim xanh bị "xẻ thịt" không thương tiếc.
Ông Lê Xuân Cải, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, cho biết cả khu vực rộng hàng ngàn hecta giờ chỉ còn những rừng cây tái sinh; còn duy nhất một cây lim cổ thụ, giờ là "báu vật" của Bến En cũng như của tỉnh Thanh Hóa.
Cũng theo ông Cải, cây lim này sống được tới bây giờ cũng là một kỳ tích vì nó đã nhiều lần bị lâm tặc tìm mọi cách đốn hạ. Tuy nhiên, nhờ sự quyết liệt, thậm chí phải đổ máu của lực lượng kiểm lâm, "cụ cây" này vẫn sừng sững xanh tốt, dù trơ trọi giữa núi rừng.

Giống lim xanh được ươm tại Vườn Quốc gia Bến En

Linh xanh trồng mới trong VQG Bến En


Cây lim cổ thụ duy nhất của Thanh Hóa còn sót lại tại Vườn Quốc gia Bến En
Kỳ vọng về những cánh rừng lim bạt ngàn
Theo điều tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, lim xanh được xem là cây bản địa, từng phân bố chủ yếu tại các huyện: Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Bá Thước, Hà Trung..., trong đó tập trung và nhiều nhất tại VQG Bến En, ước có khoảng 200.000 ha. Để loài cây nguy cấp, quý hiếm này không bị tuyệt chủng, gần 10 năm qua, ngành lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang từng bước khoanh nuôi, bảo vệ, trồng mới hàng ngàn hecta, với mong muốn có thể khôi phục lại những cánh rừng lim vang bóng một thời và quan trọng hơn là duy trì, bảo tồn được nguồn gien quý của loài lim xanh đặc hữu vùng đất này.
Ông Nguyễn Đình Hiếu, Phó Giám đốc VQG Bến En, cho biết VQG này hiện đang có khoảng 10.760 ha lim xanh, phân bố rải rác trong vườn. Trong đó, lim tập trung tại khu vực Điện Ngọc và Sông Chàng là nhiều nhất, khoảng 300 ha với đường kính của cây khoảng 30-45 cm. Đây chủ yếu là những cánh rừng được đơn vị khoanh nuôi tái sinh, trồng mới.
Theo ông Hiếu, song song với việc khoanh nuôi, bảo vệ những rừng lim tái sinh, VQG Bến En đã phối hợp với nhiều tổ chức như Canon, Gaia... thực hiện trồng mới và trồng bổ sung làm giàu rừng hơn 252 ha.
Để có giống phục vụ việc trồng và cung cấp cây giống cho các đơn vị trong vùng, cán bộ VQG Bến En đã phải vào tận rừng sâu, tìm, lựa chọn những cây lim tự nhiên có sức phát triển tốt, tuổi đời khoảng 12 năm trở lên làm cây bố mẹ để lấy hạt về ươm cây con. Mỗi năm, đơn vị này thu hoạch được khoảng 3 tạ hạt phục vụ cho việc ươm cây giống.
"Theo kế hoạch, đến năm 2030, VQG Bến En sẽ trồng mới thêm khoảng 1.000 ha rừng lim xanh. Chúng tôi kỳ vọng khoảng 20-30 năm nữa, chúng ta có thể tận mắt chứng kiến những cánh rừng lim xanh bạt ngàn tại đây, nó không chỉ có tác dụng làm giàu rừng, bảo tồn loài cây đặc hữu này mà còn góp phần tăng thêm sức hút về du lịch cho VQG Bến En" - ông Đặng Hữu Nghị, Giám đốc VQG Bến En, hồ hởi.
Phấn đấu đưa diện tích lim xanh lên 30.000 ha
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm này, địa phương đã trồng mới được khoảng 20.000 ha rừng có lim xanh (bằng 10% diện tích trước đây). Để tiếp tục mở rộng diện tích, tỉnh Thanh Hóa đang đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ khôi phục và phát triển thêm 10.000 ha lim xanh, đưa diện tích lim xanh toàn tỉnh lên 30.000 ha. Trong đó, rừng tập trung 800 ha, trồng phân tán 2,4 triệu cây (tương đương 2.400 ha), khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 3.600 ha, khoanh nuôi có trồng bổ sung 1.600 ha, làm giàu rừng 1.600 ha.
Để mục tiêu thành hiện thực, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, các lâm trường phối hợp điều tra, đánh giá cụ thể diện tích, mật độ, tình hình sinh trưởng và phát triển, sâu bệnh của lim xanh hiện có; tình hình tái sinh tự nhiên, diễn thế lim xanh trên các trạng thái rừng, làm cơ sở xác định biện pháp kỹ thuật khôi phục và phát triển lim xanh; tuyển chọn loại giống lim xanh bảo đảm chất lượng phục vụ trồng rừng tập trung và phân tán.
Nhận xét
Đăng nhận xét