Chuyển đến nội dung chính

KẾ HOẠCH TRỒNG RỪNG CỨU TRÁI ĐẤT CÓ ĐANG ĐI ĐÚNG HƯỚNG?

 Khi thế giới bắt đầu tìm kiếm giải pháp chống biến đổi khí hậu, trồng cây gây rừng ngày càng được ứng dụng rộng rãi với các chiến dịch đầy tham vọng, đặt ra mục tiêu trồng hàng tỉ, hàng nghìn tỉ cây xanh. Nhưng việc trồng cây gây rừng có hiệu quả đến đâu? Và bằng chứng cho thấy tính hiệu quả của chúng có đủ thuyết phục?

Để tìm ra câu trả lời, Mongabay đã mời một nhóm các nhà nghiên cứu tiến hành đánh giá một số tài liệu khoa học có liên quan. Mongabay là trang tin tức phi lợi nhuận về khoa học môi trường và bảo tồn sinh học với hơn 800 cộng tác viên từ hơn 70 quốc gia.

Dự án trồng rừng ở Tanzania năm 2018 (Ảnh: Matt Hill)

Con người đã bắt đầu trồng rừng từ nhiều thế kỷ trước

Vào thế kỷ thứ 16, các địa chủ giàu có ở Anh và châu Âu đã cho trồng cây lấy gỗ để đóng tàu. Vào thể kỷ thứ 13, vua Afonso III của Bồ Đào Nha đã cho trồng một rừng thông có tên Pinhal do Rei nhằm ngăn chặn tình trạng cát xâm thực (và cung cấp gỗ cho lực lượng hải quân hoàng gia). Vào thế kỷ thứ 5, các nhà sư tại bờ biển Adriatic đã trồng rừng thông để lấy củi và thức ăn.

Thậm chí, trước cả khi những cánh rừng kia bén rễ, nhà sử học và thành viên Viện Nguyên lão La Mã, Cato the Elder (mất năm 149 TCN) được ghi chép lại đã trồng cây lá kim để lấy gỗ đóng thuyền. Trước đó, nhà Chu (cai trị Trung Quốc từ năm 1100 TCN – 256 TCN) đã tạo ra nghề trồng rừng, đặc biệt hướng đến bảo tồn rừng tự nhiên và khôi phục các cánh rừng đã khai thác. Ngoài ra, còn có các bằng chứng cho thấy, trước cả khi người châu Âu đặt chân đến Amazon và làm xáo trộn quần thể, người thổ dân đã trồng các giống cây bản địa được thuần hóa và tác động đến rừng nhiệt đới Amazon nhiều hơn những gì mà các nhà nghiên cứu nhận thấy.

Về cơ bản, trên đây là những ví dụ về việc ứng dụng trồng cây phục vụ chế tạo và sản xuất thời xa xưa. Gần đây, trông rừng đã trở thành một nỗ lực nhằm thay thế các khu rừng nguyên sinh. "Về mặt phục hồi sinh thái, tái trồng rừng chính là tái thiết lập khu rừng về trạng thái tương tự hệ sinh thái trước đây của nó, đây là mục tiêu đầy tham vọng của các nước phương Tây trong những năm gần đây. Mặc dù các cộng đồng bản địa đã làm điều đó hàng nghìn năm nay", Kate Hardwick, nhà khoa học bảo tồn tại Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew, nói với Mongabay.

Theo Robin Chazdon, giáo sư nghiên cứu về phục hồi rừng nhiệt đới tại Đại học Sunshine Coast của Úc, khoảng 20 năm trước, chúng ta biết rất ít về cách trồng hầu hết các giống cây ở quy mô lớn. Một số nước như Brazil "đã có những bước tiến thực sự" khi tìm cách thu thập hàng triệu hạt giống bản địa, lưu trữ chúng và chỉ trồng ra ngoài những cây con có bộ rễ phát triển đầy đủ để có thể tồn tại, trong khi những cây khác chết dần chết mòn, cô nói.

Vườn ươm ở Concepción Chiquirichapa (Guatemala) là nơi trồng cây cho chương trình tái trồng rừng trên núi Siete Orejas năm 2018 (Ảnh: Jorge Rodríguez/Mongabay)

Ngày nay, khi thế giới đang tìm giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu, trồng rừng ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Đó là một giải pháp đơn giản và dễ vận động trong bối cảnh khủng hoảng môi trường đang hiện hữu và ngày càng cao trào. Đồng thời, việc đưa ra thông điệp kêu gọi cũng dễ dàng hơn: Bất kể bạn là ai cũng có thể trồng thêm một cây xanh để giúp khôi phục sự cân bằng trên Trái Đất. Nhưng đối với những sáng kiến trồng cây quy mô lớn, trọng tâm nằm ở số lượng cây được trồng vào đất, hoàn toàn không phải việc trồng đúng loại cây ở đúng nơi, hay nghiên cứu quy trình chăm sóc để đảm bảo chúng có thể tồn tại.

Giảm thiểu biến đổi khí hậu là mục đích chính của nhiều sáng kiến trồng cây. Bên cạnh đó, những sáng kiến này cũng có một số mục đích khác như điều hòa nguồn nước, chống xói mòn và khôi phục hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, các sáng kiến cũng thường đi kèm các mục đích về kinh tế - xã hội như xóa đói giảm nghèo, tạo kế sinh nhai, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Vậy nếu tất cả các sáng kiến trồng cây đều hoàn thành thì hiệu quả của chúng đến đâu? Và bằng chứng cho tính hiệu quả đó có đủ thuyết phục?

Trước khi tìm câu trả lời, trước hết chúng ta cần tìm hiểu "tái trồng rừng" là gì, vì thuật ngữ này được sử dụng để mô tả nhiều dự án khác nhau. Theo đó, các dự án tái trồng rừng nhằm khôi phục các cánh rừng có hệ sinh thái bị suy thoái hoặc đã biến mất; và những dự án này thường hướng đến việc trồng lại các loài cây bản địa hoặc tạo điều kiện cho cánh rừng khôi phục một cách tự nhiên. Tất cả các hoạt động trên đều thuộc khái niệm "tái trồng rừng".

Nhưng tái trồng rừng không nhất thiết phải đưa đến kết quả là tái tạo rừng. Ví dụ, phương pháp trồng đơn canh các loài cây ngoại lai là một hình thức tái trồng rừng phổ biến. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng lại rất khác so với cánh rừng nguyên thủy (giống như trồng một rừng cây thông Noel vậy). Đôi lúc, các dự án tái trồng rừng xen lẫn các loài cây bản địa và ngoại lai để vừa có thể thúc đẩy tốc độ phục hồi hệ sinh thái, vừa tạo nguồn cung cấp gỗ và các loại lâm sản khác, góp phần phát triển kinh tế địa phương và giảm tải áp lực khai thác lên rừng bản địa. Vì vậy, tái trồng rừng và tái tạo rừng là hai thuật ngữ có sự liên quan chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, định nghĩa chính xác của chúng phát triển và biến đổi phụ thuộc vào đối tượng và bối cảnh sử dụng.

Đối với mục đích của nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu sẽ xem "tái trồng rừng" là trồng cây để khôi phục các cánh rừng đã suy thoái hoặc đã bị khai thác, bất kể kết quả cuối cùng là rừng đơn canh hay rừng hỗn hợp. Ngược lại, định nghĩa "tái tạo rừng" là hoạt động khôi phục hệ sinh thái rừng hiện tại về lại trạng thái tự nhiên vốn có; ưu tiên của tái tạo rừng là phục hồi hệ sinh thái chứ không chỉ mật độ bao phủ cây xanh. Trong hệ cơ sở dữ liệu được đánh giá, nhóm nghiên cứu chỉ xem xét tính hiệu quả các các dự án có sử dụng biện pháp trồng cây, mặc dù có thể một số dự án sử dụng những biện pháp tái tạo rừng khác như tiêu diệt loài xâm lấn, cải tạo đất…

Dự án trồng cây xanh xung quanh một mỏ than tại Borneo, Indonesia (Ảnh: Rhett A. Butler)

Tái trồng rừng là một xu hướng mới khi Trái Đất đang dần ấm lên

Trồng rừng ngày càng được áp dụng nhiều hơn khi các nước nhận ra sự xuất hiện ngày càng nhiều cuộc khủng hoảng môi trường mà chúng ta phải đối mặt, từ biến đổi khí hậu cho đến mất đa dạng sinh học và khan hiếm nguồn nước. Trên thực tế, việc khôi phục các khu rừng bị suy thoái và những hệ sinh thái khác trở nên cấp bách là vì Liên Hợp Quốc ra tuyên bố giai đoạn 2021 – 2030 là Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc.

Một trong số các phòng trào tái trồng rừng đầu tiên của thời hiện đại là Vành đai Xanh được phát động bởi Wangari Maathai tại Kenya vào năm 1997, ông đã được trao giải Nobel hòa bình vào năm 2004. Phong trào này đã trồng hơn 50 triệu cây xanh, giúp phục hồi môi trường và xóa đói giảm nghèo. Những dự án được chính phủ các nước triển khai như Vạn lý Trường thành Xanh kéo dài qua 20 quốc gia thuộc dải Sahel (châu Phi) và Chương trình Rừng phòng hộ Ba-Bắc tại Bắc Trung Quốc (còn được gọi là Vạn lý Trường thành Xanh của Trung Quốc) đã trồng được hàng trăm triệu cây xanh trong vài thập kỷ qua, tạo thành một bức tường thành ngăn chặn sa mạc hóa.

Trong khi đó, những chiến dịch do các tổ chức phi chính phủ lớn, nổi tiếng triển khai như Trillion Tree Campaign, 1t.org, Trees for the Future, One Tree Planted và Plant a Billion Trees đã nhanh chóng phát triển, hầu hết đều hướng đến mục tiêu là cô lập carbon nhằm giảm thiểu tình trạng ấm lên toàn cầu và tạo ra một số lợi ích khác về môi trường. Và các "gã khổng lồ công nghệ" như Microsoft, hay công ty dầu Eni của Ý cũng có các dự án trồng cây như một cách bù đắp cho lượng khí thải nhà kính mà họ tạo ra.

Các sáng kiến trên toàn cầu đều cam kết phục hồi rừng và các hệ sinh thái tự nhiên dưới sự bảo trợ của các hiệp định quốc tế. Ví dụ, Bonn Challenge được triển khai từ năm 2011 bởi chính phủ Đức và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), đến nay chương trình này đã ghi nhận cam kết của chính phủ và tổ chức từ 60 quốc gia nhằm khôi phục 210 triệu héc-ta rừng, và mục tiêu đến năm 2030 đạt 350 triệu héc-ta. Đồng thời, tái trồng rừng và tái tạo rừng đều nằm trong kế hoạch của nhiều quốc gia nhằm thực hiện cam kết giảm phát thải khi tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Trồng cây gây rừng thật sự bùng nổ khi được hậu thuẫn bởi các nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn như một nghiên cứu năm 2019 đã ước tính có khoảng 900 triệu héc-ta cây xanh ở các khu vực trên toàn cầu có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển rừng và phủ xanh đất trống. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những khu rừng mới có thể chứa đến 205 tỉ tấn carbon, tương đương khoảng 25% lượng khí carbon phát thải từ hoạt động của con người từ trước đến nay. Nghiên cứu kết luận rằng "Điều này cho thấy phục hồi rừng là một trong những giải pháp giảm lượng carbon hiệu quả nhất".

Nhân giống cây trồng tại Kenya (Ảnh: Phong trào Vành đai Xanh)

Tưởng chừng việc trồng rừng có thể mang lại lợi ích rõ ràng và bền vững, nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. Nghiên cứu khoa học nói trên đã bị chỉ trích nặng nề vì bỏ qua các điều kiện của vùng bản địa để xác định nó có phù hợp để phục hồi rừng hay không. Có rất nhiều yếu tố phức tạp cần xem xét mới có thể xác định địa điểm, thời gian và loại cây trồng phù hợp.

"Ngày nay, các dự án tái trồng rừng, về cơ bản, chỉ quan tâm đến số lượng cây trồng. Đó là mục đích cuối cùng của họ", Pedro Brancalion, giáo sư tại Đại học São Paulo, cho biết, ông hiện nghiên cứu và thực nghiệm tái tạo rừng. "Tuy nhiên, số lượng cây trồng được chỉ mới là điểm khởi đầu của một quá trình lâu dài".

Các dự án tái trồng rừng có thể thất bại nếu không được lên kế hoạch cẩn thận. Một nghiên cứu năm 2017 về các sáng kiến khôi phục rừng ngập mặn tại Sri Lanka phát hiện ra rằng tại 9/23 địa điểm triển khai dự án, không một cây nào có thể sinh trưởng. Chỉ có 3 địa điểm có hơn 1/2 số cây còn sống và chỉ có khoảng 200 héc-ta có thể phục hồi và tạo ra hệ sinh thái rừng ngập mặn khỏe mạnh.

Ngoài ra, cũng có những tài liệu cho thấy việc trồng rừng có thể gây ra những hậu quả không mong muốn và thậm chí là tác động tiêu cực đến môi trường. Từ thế kỷ thứ 19, Nam Phi đã bắt đầu trồng cây keo giống Úc (là loài cây ngoại lai) để ổn định các cồn cát và khai thác gỗ. Tuy nhiên, cây keo nhanh chóng lan rộng đến các đồng cỏ và đồng cây thạch nam (loài cây bụi bản địa của châu Phi) làm giảm mực nước ngầm và suy giảm trữ lượng nước. "Đây là một minh chứng rõ ràng của việc mất kiểm soát các loài ngoại lai khi trồng tại những đồn điền đơn canh, chúng bắt đầu xâm lấn và gây hậu quả", Kate Hardwick cho biết.

Các chương trình tái trồng rừng cũng có thể tác động tiêu cực đến đời sống người dân bản địa. Chương trình "Sóng thần 10 tỉ Cây xanh" của Pakistan được ghi nhận đã khiến những người thuê đất canh tác bị đuổi đi vì chủ đất lấy lại để làm đồn điền trồng cây. Đồng thời, chương trình này làm thất thoát hơn 3 triệu USD do tham nhũng.

Chúng ta có thể nhận ra rất nhiều dự án có vấn đề, nhưng phân tích khoa học về chúng lại rất hiếm. Thậm chí, nhóm nghiên cứu không có cách nào để biết đã có bao nhiêu dự án trồng rừng thất bại hoàn toàn. "Tôi nghĩ lỗ hổng thông tin lớn nhất là chúng ta không biết mức độ thành công của các dự án tái trồng rừng, vì thông thường người ta chỉ báo cáo kết quả và cung cấp dữ liệu của những dự án thành công", Brancalion nói. Ông còn cho biết thêm rằng việc sử dụng nguồn lực để trồng sai loài cây ở sai địa điểm là rất lãng phí, nó nên được đầu tư cho một cách tiếp cận khác hiệu quả hơn.

Trồng cây ở quận Ankazobe, Madagascar, đây là một phần của chiến dịch trồng cây quốc gia. Madagascar đã mất khoảng 1/5 diện tích cây che phủ từ năm 2001 đến 2018 (Ảnh: Valisoa Rasolofomboahangy/Mongabay)

Bài học từ một dự án tái trồng rừng quy mô lớn

Theo cách tiếp cận nhất định thì chương trình Đổi lúa lấy Cây xanh của Trung Quốc mang tính định hướng khá tốt.

Để khắc phục hậu quả của những trận lũ lụt kinh hoàng khiến hơn 4.000 người thiệt mạng vào những năm 1990, chính phủ Trung Quốc đã bắt tay thực hiện một nỗ lực trồng rừng ở quy mô lớn chưa từng thấy trên thế giới. Chương trình Đổi lúa lấy Cây xanh (Grain for Green Program - GFGP) được khởi động vào năm 1999 với mục tiêu chính là giảm lũ lụt, giảm xói mòn đất và tạo kế sinh nhai cho người nghèo ở các vùng nông thôn Tây Trung Quốc. Trong khuôn khổ kế hoạch trả công cho dịch vụ môi trường, chính phủ đã hỗ trợ các hộ gia đình về kỹ thuật, tiền bạc và lương thực để đổi lấy việc trồng rừng trên đất canh tác bạc màu, đặc biệt là khu vực dễ bị sạt lở và xói mòn.

Xét trên mục tiêu chính là giảm xói mòn và lũ quét, GFGP đã thành công. Tính đến năm 2019, dự án đã tiêu tốn gần 73 triệu USD và những người tham gia đã trồng được 32 triệu héc-ta cây xanh trên đất nông nghiệp và đất cằn cỗi. Hiện nay, hơn 23% diện tích đất liền Trung Quốc được phủ xanh, tăng từ con số 19% ở năm 2000. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy "tình trạng lũ quét đã giảm và tình trạng xói mòn đất cũng giảm đáng kể do có sự gia tăng diện tích đất rừng được chuyển đổi từ đất nông nghiệp". Nhiều loài cây lấy gỗ, cây ăn quả và các sản phẩm lâm nghiệp khác đã giúp nâng cao chất lượng đời sống cho cộng đồng địa phương. Và vì giảm thiểu biến đổi khí hậu không phải là mục tiêu của chương trình này, nên nghiên cứu cũng chỉ ra rằng GFGP làm "tăng một lượng lớn" dự trữ carbon hữu cơ trong đất.

Nhìn chung, kết quả của nỗ lực tái trồng rừng đầy tham vọng này đã bị nhầm lẫn và thậm chí còn bị cho rằng "những khu rừng" mới của Trung Quốc không hoàn toàn là "rừng". Năm 2018, một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh do Fangyuan Hua làm chủ nhiệm, khi cô còn là nghiên cứu sinh tại Đại học Cambridge, khẳng định rằng tính đến năm 2015, tổng độ che phủ rừng của Trung Quốc đã tăng gần 1/3 với 1.935 km2 diện tích trồng mới. Tuy nhiên, sự gia tăng đó hoàn toàn là nhờ vào việc chuyển đổi đất nông nghiệp thoái hóa thành các đồn điền trồng cây đơn canh như tre, bạch đàn hoặc tuyết tùng Nhật.

Ba loại cây trồng đơn canh phổ biến trong chương trình GFGP của Trung Quốc, khu vực đất dốc trồng hoa màu (khu vực tái trồng rừng trọng điểm) và rừng bản địa (Ảnh: Fangyuan Hua, Gwyneth Olson)

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực trồng rừng, Hua và nhóm của cô phát hiện diện tích rừng bản địa đã giảm 6,6% trong cùng giai đoạn. "Như vậy, thay vì thật sự phục hồi đất rừng, đồng thời tạo ra các lợi ích về mặt môi trường, sự phục hồi rõ rệt của khu vực đã thu hẹp rừng bản địa một cách mạnh mẽ, bao gồm cả những khu rừng có thể tái sinh tự nhiên trên các vùng đất phi nông nghiệp hóa", Hua và đồng tác giả viết trong kết luận nghiên cứu.

Trả lời Mongabay, Hua cho biết ít nhất một phần rừng bản địa biến mất do người dân khai thác lỗ hổng trong quy định khai thác lâm nghiệp của Trung Quốc để mở đường đến các đồn điền. Cô cũng cho biết thêm rằng chính phủ Trung Quốc đã chấn chỉnh tình hình sau khi tổ chức Hòa bình Xanh Đông Á chỉ ra rằng người dân đã chặt phá trái phép 1.295 héc-ta rừng tự nhiên bên trong các khu bảo tồn loài gấu trúc khổng lồ.

Tất nhiên là các đồn điền cây xanh không thể so sánh với rừng tự nhiên về khả năng hỗ trợ động vật hoang dã, như gấu trúc, hay cung cấp các dịch vụ sinh thái khác. Một vài khu rừng của GSGP được các nhà nghiên cứu gọi là "rừng hỗn hợp với các thành phần đơn giản" gồm từ 2 đến 5 loài cây và có mức tăng trưởng khiêm tốn về số loài chim và ong so với diện tích đất nông nghiệp mà chúng thay thế. Mặt khác, các đồn điền đơn canh, chiếm đa số diện tích rừng thuộc GFGP, có ít chim và ong hơn so với đất nông nghiệp. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cả hai hình thức tái trồng rừng đơn canh và hỗn hợp đều có độ đa dạng các loài ong thấp hơn so với đất nông nghiệp, nguyên nhân có thể là do số lượng hoa sụt giảm. Và tất cả các loại rừng thuộc GFGP đều không thể đạt đến mức độ đa dạng sinh học như rừng bản địa.

"Đến nay, các lập luận chỉ ra rằng trồng rừng chỉ có hiệu quả chống xói mòn đất, và tôi nghĩ rằng các nghiên cứu ở phạm vi lớn hơn cũng sẽ có kết quả tương tự", Hua trả lời Mongabay. "Nhưng các nghiên cứu này không đánh giá mức độ hiệu quả theo một tiêu chuẩn phù hợp, chẳng hạn như khi chúng tôi nói về đa dạng sinh học là phải so sánh với rừng tự nhiên".

Thiếu đa dạng sinh học không phải là thiếu sót duy nhất trong dự án GFGP của Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhiều loài cây ngoại lai được trồng theo dự án này cần nhiều nước hơn các loài bản địa. Đồng nghĩa với việc các cánh rừng của GFGP hấp thụ nhiều nước mưa hơn và làm giảm lượng nước đổ ra sông. Tất nhiên, ngăn lũ quét là một trong những mục đích chính của GFGP. Nhưng khi Trái Đất đang ấm lên, khí hậu sẽ khô hạn hơn và sẽ thật trớ trêu khi một vùng từng bị lũ lụt nặng nề vào năm 1998 sẽ gặp khô hạn trong những năm tới. Một nghiên cứu khác cũng đưa ra cảnh báo nên dừng triển khai dự án GFGP cũng vì lý do này.

Một trong những điểm sáng của dự án GFGP là có sự tham gia từ nhiều bên, đặc biệt là cộng đồng địa phương. Có những bằng chứng cho thấy chương trình này đã giúp tăng thu nhập của người dân địa phương, mặc dù những lợi ích này dường như không được phân bổ đồng đều. Ở một số khu vực, các hộ gia đình giàu hơn có khả năng tiếp cận chương trình cao hơn so với các hộ nghèo. Các nhà nghiên cứu cho rằng chỉ cần một sự thay đổi nhỏ như thúc đẩy phát triển rừng hỗn hợp thay cho rừng đơn canh đã có thể giúp cải thiện phần nào mức độ đa dạng sinh học mà không ảnh hưởng đến những thành quả đã đạt được.

Những mảnh rừng đã bị phát quang xen kẽ với rừng trồng keo thương phẩm cạnh hồ chứa ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, Việt Nam (Ảnh: Michael Tatarski)

Làm thế nào để trồng một khu rừng?

Tất cả các chuyên gia đều đồng ý rằng bước đầu tiên để phục hồi bất kỳ khu rừng nào là giải quyết triệt để nguyên nhân khiến khu rừng đó bị tàn phá hay suy thoái và lý tưởng nhất là ở cả vùng xung quanh khu rừng. Điều này chưa chắc đã đơn giản. Trong nghiên cứu năm 2020, Robin Chazdon và các đồng nghiệp chỉ ra rằng nhiều khu rừng được trồng lại hoặc tự phục hồi mà không có bất kỳ biện pháp pháp lý nào bảo vệ. Ngoài việc tiết kiệm thời gian và tiền bạc, cũng có một động cơ khác về mặt sinh học: "Mọi khu rừng mới đều cần hỗ trợ sinh học cho tàn tích của khu rừng, chúng ta phải đảm bảo rằng những tàn tích này ở trong điều kiện tốt nhất để có thể phục hồi", Brancalion cho biết.

Bước tiếp theo là làm việc với các bên liên quan và quan trọng nhất là với người dân địa phương, cũng chính là những người sẽ sống cùng với khu rừng để xác định mục tiêu hướng đến và cách để đạt được mục tiêu đó. Quan trọng hơn hết là cần phải đưa ra quyết định có sử dụng biện pháp trồng cây chủ động hay không. Vì trong những điều kiện nhất định, chúng ta chỉ cần bảo vệ đất để rừng có thể tự phục hồi, hay còn gọi là tái tạo rừng tự nhiên, đây có thể là biện pháp giúp tiết kiệm chi phí nhất, cũng như có hiệu quả tốt nhất. Và cuối cùng là quyết định ai sẽ chăm sóc cho cánh rừng sau khi được phục hồi và ai sẽ được hưởng lợi ích từ cánh rừng đó.

Trong trường hợp trồng cây theo nhu cầu, Brancalion cho rằng để có thể tạo ra lợi nhuận từ dự án, bạn sẽ phải đảm bảo mình trồng đúng loại cây ở đúng chỗ của nó. Ví dụ với các loài cây ngoại lai không phù hợp với khí hậu địa phương, tuổi thọ của chúng sẽ không cao, hoặc chúng có thể sẽ cần nhiều nước hơn và làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, tương tự trường hợp ở Nam Phi. Brancalion cho biết "Nếu bạn trồng một loại cây ngoại lai, bạn sẽ có thể cô lập carbon, nhưng bạn cũng có thể gây tổn hại đến sự đa dạng sinh học. Nếu bạn trồng một loài cây không phù hợp, bạn có thể khiến sản xuất nông nghiệp mất đất canh tác, bạn có thể khiến chủ đất gặp phải nhiều vấn đề về kinh tế, bạn có thể phá hủy sự đa dạng sinh học bản địa khi trồng một loài cây không thuộc hệ sinh thái này".

Trồng cây bản địa để phục hồi rừng trên đồng cỏ chăn cừu tại Victoria (Úc) vào tháng 8/2018 (Ảnh: Greenfleet)

Chính vì bất kỳ dự án trồng rừng nào cũng cần có những quyết định phức tạp nói trên, nên Brancalion nghĩ rằng việc thương thảo thường bị bỏ qua nhiều nhất. "Trước khi trồng bất kỳ loài cây nào, hoặc thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào trên thực địa, bạn cần phải thảo luận với sự tham gia tất cả các bên để họ hiểu rằng địa điểm triển khai dự án đó có thể hoặc không thể thành công", Brancalion nói.

Tái trồng rừng là "một hoạt động phụ thuộc vào ngữ cảnh", nó không có cách tiếp cận nào đúng với mọi hoàn cảnh. Brancalion cho rằng "Vì vậy, trong một hoàn cảnh cụ thể, việc trồng xen canh cả cây bản địa và cây ngoại lai để khai thác củi có thể là một dự án siêu thành công, thậm chí nó không cần mang lại sự đa dạng sinh học siêu cao. Tất cả phụ thuộc vào mục đích cuối cùng của bạn là gì".

Để ví dụ cho một dự án tái trồng rừng thành công trong một ngữ cảnh nhất định, Brancalion đã chỉ ra một dự án mà ông cũng tham gia, đó là chương trình Bảo tồn sư tử đen Tamarin được thực hiện vởi các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Sinh thái học (IPE). Loài sư tử đen Tamarin (Leontopithecus chrysopygus) được đưa vào diện "cực kỳ nguy cấp" trong Sách đỏ các loài bị đe dọa của IUCN từ những năm 1970. Số lượng cá thể trong loài này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 100 con do môi trường sống duy nhất của chúng ở rừng Atlantic của Brazil đã bị chia nhỏ bởi hoạt động nông nghiệp nặng. Tuy nhiên, sau khi chương trình bảo tồn khôi phục hành lang rừng rộng 1.000 héc-ta giữa hai tàn tích quan trọng của rừng Atlantic, số cá thể sư tử đen đã tăng vọt lên 1.800 con, và IUCN đã hạ loài này xuống mức "nguy cấp" trong Sách đỏ từ năm 2008.

Theo IPE, chương trình này có sự tham gia của hàng nghìn người dân địa phương và cả các gia đình không có đất canh tác vừa chuyển đến khu vực này. Nghiên cứu chỉ ra rằng chương trình không chỉ thành công nhờ vào sự chung tay của người dân địa phương mà còn vì khoản thu nhập họ có được từ chương trình tương đương với thu nhập từ cuộc sống trước kia. Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy nhờ trồng, chăm sóc cây và tham gia các hoạt động khác liên quan đến công tác bảo tồn, "những người nông dân đã có thêm kiến thức, đảm bảo nguồn thu nhập và lương thực, đồng thời phát triển ý thức làm chủ và chia sẻ trách nhiệm bảo vệ thế giới hoang dã, bảo tồn rừng và tái tạo rừng".

Trên thực tế, sự tham gia của cộng đồng và hỗ trợ sinh kế cho địa phương đã được đưa vào trong kế hoạch triển khai của chương trình Bảo tồn sư tử đen Tamarin, đây là yếu tố chính mang lại thành công cho dự án. Tuy nhiên, nếu mắc sai lầm ngay từ bước lên kế hoạch, "thì việc bạn trồng được bao nhiêu cây xanh chẳng còn quan trọng, vì hầu hết chúng đều sẽ chết và trong một số trường hợp, nếu chúng vẫn còn sinh trưởng được, có thể chúng sẽ có hại nhiều hơn lợi", Brancalion cho biết.

Sư tử đen Tamarin tại một khu tàn tích rừng ở Teodoro Sampaio, São Paulo, Brazil năm 2014 (Ảnh: Miguelrangeljr)

Các nhà khoa học nói gì từ những dự án trồng rừng thành công?

Năm 2017, Mongabay đã đăng tải một loạt bài viết thuộc đề tài Hiệu quả của công tác bảo tồn, loạt bài viết đối chiếu các bằng chứng khoa học để xác định những chiến lược bảo tồn thường được áp dụng có hiệu quả như thế nào, trong đó bao gồm cả khu bảo tồn trên cạn và dưới biển, quản lý rừng dựa trên nền tảng cộng đồng và trả công cho dịch vụ môi trường.

Trong cơ sở dữ liệu về tái trồng rừng và tái tạo rừng của Mongabay, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp theo mức độ hiệu quả của các dự án có ít nhất một vài kế hoạch trồng rừng. Các nhà nghiên cứu cũng loại trừ các dự án tập trung vào biện pháp lâm sinh như tỉa cành, chặt dây leo… dù những biện pháp này có thể giúp khu rừng phục hồi nhanh hơn. Tương tự, các nghiên cứu về phục hồi hệ sinh thái rừng hoặc nông lâm kết hợp, và những nghiên cứu tập trung vào tái tạo rừng tự nhiên cũng được loại trừ vì nhiều nghiên cứu sử dụng tái tạo rừng tự nhiên như một biện pháp kiểm soát.

Qua đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số điểm đáng chú ý. Đầu tiên là số dự án thất bại hiếm khi được thống kê hay công bố. Tiếp đó là ngay cả những bằng chứng của một dự án thành công cũng khả năng không được tập hợp đầy đủ nếu bản thân dự án đó không có cơ chế giám sát chặt chẽ. Và cuối cùng là nhiều dự án do chính phủ, tổ chức phi chính phủ triển khai và các dự án phối hợp triển khai không có nghĩa vụ báo cáo kết quả chung của dự án cho bất kỳ ai, ngoài trừ những cá nhân và tổ chức tài trợ cho dự án. Kết quả là nhiều nỗ lực trồng rừng không được đề cập và kiểm chứng trong các nghiên cứu. Do đó, kết quả nghiên cứu của Mongabay có thể đã bỏ lỡ một số kinh nghiệm quan trọng từ những dự án trước.

Một lưu ý quan trọng khác là một cánh rừng sau khi được phục hồi thành công có thể sẽ mất đến vài thập kỷ hoặc hơn mới có thể mang lại những lợi ích như một khu rừng già tự nhiên. Như vậy, lợi ích từ những sáng kiến trồng rừng trong thời gian qua có thể chưa được hiện thực hóa nên mức độ hiệu quả của chúng có thể không được phản ánh đúng trong các nghiên cứu ở thời điểm hiện tại. Hơn nữa, có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết nếu những lợi ích đó thành sự thật hay không, hay thậm chí là nếu cánh rừng đó có thể tồn tại qua nhiều năm, vì nguồn tài trợ cho các sự án tái tạo rừng hiếm khi chi trả cho việc chăm sóc và giám sát dài hạn.

Cuối cùng, ý nghĩa của việc trồng rừng rất khác biệt tùy vào việc sử dụng thước đo để đối chiếu là địa điểm tái tạo tự nhiên, đồng cỏ hay một khu rừng già.

Kết luận về mặt môi trường: Chủ yếu mang lại kết quả tích cực

Tổng kết lại, hầu hết các nghiên cứu trong cơ sở dữ liệu của Mongabay cho thấy tái trồng rừng và tái tạo rừng đều có khả năng làm tăng độ che phủ rừng. Chúng cũng có những tác động tích cực đến môi trường như cô lập carbon, cải thiện chất lượng nguồn nước và chống xói mòn. Tuy nhiên, các dự án thường mất thời gian khá dài, ít nhất là vài thập kỷ, mới có thể tạo ra những lợi ích như rừng già. Trong một số trường hợp, nếu toàn bộ cây trồng đều là loài ngoại lai, tái trồng rừng thật sự sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn so với để khu đất nguyên trạng. Điều này càng làm nổi bật hơn việc lên kế hoạch phải xem xét kỹ lưỡng điều kiện, bối cảnh của khu vực dự định thực hiện dự án tái trồng rừng.

Đối với vấn đề đa dạng sinh học, các kết quả tương đối nhất quán: trong hầu hết các dự án, tái trồng rừng làm tăng sự đa dạng về thực vật và động vật so với trước khi tái trồng rừng, và thậm chí đôi lúc tương đương với tái tạo rừng tự nhiên. Đồng thời, độ đa dạng sinh học gần như sẽ không bao giờ đạt được như rừng già, mặc dù vẫn có một số ngoại lệ khá thú vị, và các khu vực tái trồng rừng gần rừng già có tốc độ phục hồi nhanh hơn những khu vực khác. Một số nghiên cứu đưa ra dự báo về thời gian cần thiết để phục hồi độ đa dạng tương đương rừng già sẽ dài hơn thời gian nghiên cứu khoảng 100 - 150 năm.

Một điều quan trọng khác là rừng đơn canh có xu hướng làm giảm độ đa dạng sinh học hơn, kể cả khi so với đất nông nghiệp, kết quả này giống kết luận của Hua trong nghiên cứu về chương trình GFGP mà cô thực hiện năm 2016.

Ngoải ra, các nhà nghiên cứu của Mongabay cũng rút ra kết luận tương tự về sinh khối và độ hấp thụ carbon: tái trồng rừng hầu như luôn mang lại hiệu quả tích cực, trong đó gồm tăng tốc độ tích lũy sinh khối và tăng độ hấp thụ carbon cao hơn so với trước khi tái trồng rừng và tái tạo rừng tự nhiên. Tuy nhiên, tương tự ở trên, mức độ đạt được của rừng phục hồi hiếm khi sánh được với rừng già. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2016 đã ước tính sẽ mất đến 96 năm để rừng trồng mới đạt được mức tích lũy sinh khối ngang với rừng già. Và mức độ hấp thụ carbon trong đất đặc biệt chậm phục hồi. Do vậy, các chương trình giảm thiểu biến đổi khí hậu phải tính đến vấn đề thời gian: sẽ phải mất hơn một thế kỷ mới đạt được độ hấp thụ carbon trong đẩt tương đương với một khu rừng già.

Tỷ lệ sống sót của cây trồng, bao gồm cả trồng từ hạt hay ươm cây non, có giá trị trong phạm vi rất rộng, từ 0% lên gần 100%. Trong các nghiên cứu được thống kê, các nhà khoa học nhận thấy có sự đồng đều giữa số lượng các dự án có tỉ lệ trên 50% và các dự án có tỉ lệ thấp hơn 50%.

Một thông tin quan trọng là hầu hết các nghiên cứu về mức độ sống sót của cây non trong cơ sở dữ liệu được tiến hành ở quy mô nhỏ, thí nghiệm được thiết kế và kiểm soát rất chặt chẽ. Điều này giúp quá trình thống kê kết quả về khả năng sống sót của cây con thuận lợi hơn, nhưng lại không phản ánh được điều kiện thực tế. Mức độ sống sót của cây non cao hơn trong các điều kiện chăm sóc được kiểm soát chặt chẽ có thể không đảm bảo mức độ thành công của dự án tái trồng rừng khi chuyển cây non ra tự nhiên ở quy mô lớn hơn, vì có nhiều yếu tố tác động đến quá trình sinh trưởng của cây hơn.

Một nghiên cứu năm 2020 ở Philippines chỉ ra rằng nhờ có sự tham gia của người dân và các tổ chức địa phương mà một dự án trồng rừng thử nghiệm có tỉ lệ cây con còn sống và sinh trưởng cao hơn (78% sau 3 năm) so với các chương trình do chính phủ quản lý. Vấn đề chính rút ra ở đây là việc khôi phục rừng do cộng đồng thực hiện có thể đạt kết quả tốt hơn, miễn là đơn vị triển khai dự án hỗ trợ đầy đủ, khuyến khích và tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương đưa ra quyết định.

Nhiều dự án tái trồng rừng được xây dựng để giảm xói mòn, cải thiện vấn đề thủy văn và hầu hết các nghiên cứu về loại hình này đều có kết quả tốt. Tuy nhiên, chỉ có một nghiên cứu duy nhất so sánh mức độ xói mòn và lũ quét giữa dự án tái trồng rừng và dự án tái tạo rừng tự nhiên. Theo đó, đã có những cảnh báo về vấn đề trồng cây ngoại lai không phù hợp làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, như trường hợp ở Nam Phi.

Ngoài ra, một điểm cần lưu ý khác là tất cả chương trình phục hồi rừng đều có đối tượng và mục tiêu khác nhau. Chẳng hạn nhiều dự án nhằm tăng sinh khối, vì vậy không thể so sánh độ đa dạng sinh học của dự án này với các dự án đặt mục tiêu phát triển đa dạng sinh học. Quy mô của các biện pháp can thiệp vào quá trình phục hồi cũng đóng vai trò quan trọng trong kết quả cuối cùng.

Một tình nguyện viên trồng cây ngập mặn tại cửa sông Trapeang Sangke (Campuchia) tháng 11/2017 (Ảnh: Matt Blomberg/Mongabay)

Kết luận về mặt kinh tế - xã hội: Không đủ cơ sở để kết luận

Các nhà nghiên cứu không có đủ dữ liệu để đưa ra kết luận về mức độ hiệu quả của tái rồng rừng và tái tạo rừng về mặt kinh tế - xã hội, như tăng phúc lợi xã hội, đảm bảo thu nhập, hỗ trợ đời sống địa phương và vấn đề quyền sở hữu đất.

Các nghiên cứu về khía cạnh xã hội chủ yếu đề cập đến vấn đề việc làm và cách chia sẻ lợi ích từ dự án trồng rừng giữa các bên. Những nghiên cứu này cho thấy dù các dự án trồng rừng mang lại việc làm cho người dân địa phương nhưng chưa chắc đã giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Vì thiếu các nghiên cứu chung về khía cạnh này, nên các nhà khoa học cần nghiên cứu sâu hơn nhằm tìm ra cách tốt nhất để chính phủ, tổ chức có thể hợp tác với cộng đồng địa phương, đặc biệt là với người dân bản địa.

Một số ít các nghiên cứu có khía cạnh kinh tế thường tập trung vào độ hiệu quả của chi phí bỏ ra để trồng rừng so với phục hồi tự nhiên, và xem xét khoảng thu nhập nhận được từ trồng rừng. Nhìn chung, các nghiên cứu chỉ ra rằng trồng rừng có mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương. Các kết quả nghiên cứu thường xem xét lợi ích kinh tế từ các chương trình trả công cho dịch vụ môi trường, như dự án GFGP của Trung Quốc. Đặc biệt là chi phí cơ hội đối với dự án trồng rừng chưa được nghiên cứu sâu, do đó các nhà khoa học không thể kết luận liệu người chủ đất tham gia dự án trồng rừng có mạng lại lợi ích kinh tế nhiều hơn so với khi tiếp tục canh tác hay không. Rõ ràng chúng ta sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu hơn ở khía cạnh này.

Trong những năm gần đây, tái trồng rừng dần trở thành câu trả lời đầu tiên khi nhắc đến khủng hoảng khí hậu và các vấn đề môi trường. Một số nhà nghiên cứu và thực nghiệm đã củng cố ý kiến này bằng cách thúc đẩy trồng rừng trở thành giải pháp điều hòa khí hậu tự nhiên số một, và cả các dự án trồng cây quy mô lớn với mục tiêu hàng tỉ hay thậm chí hằng nghìn tỉ cây xanh cũng vậy. Từ những nghiên cứu trên, rõ ràng, trồng rừng không phải là viên đạn bạc. Các dự án phải đảm bảo rằng việc trồng rừng phù hợp với bối cảnh của địa phương, thậm chí cần cả sự đánh đổi và phải thảo luận rất nhiều. Và những người thực hiện dự án trồng rừng cần hiểu rằng những cánh rừng mới trồng có thể phải mất hàng trăm năm mới có thể đạt tiềm năng dự trữ carbon của nó. Tuy nhiên, theo Ủy ban Liên minh Chính phủ về Biến đổi khí hậu, chúng ta chỉ có một thập kỷ để cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính một cách đáng kể nếu muốn ngăn chặn những hậu quả của quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra.

Một nhà hoạt động vì môi trường trẻ tuổi tại Ghana tháng 5/2016 (Ảnh: Flickr)

Từ năm 1990 đến nay, thế giới đã mất đi khoảng 420 triệu héc-ta rừng, đa số diện tích được khai hoang để sản xuất nông nghiệp. Mặc dù tốc độ tàn phá rừng đã giảm dần từ năm 2015, nhưng Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc cho rằng "Tán phá rừng và suy thoái rừng vẫn đang ở mức đáng báo động". Tuy không thể ngay lập tức trồng lại toàn bộ số rừng đã mất, nhưng rõ ràng rằng, song song với việc tàn phá rừng, trồng rừng có thể là một phần nỗ lực có hiệu quả trong việc chống lại sự ấm lên toàn cầu và khôi phục các chức năng sinh thái quan trọng mà mọi sự sống trên hành tinh này tồn tại nhờ chúng.

Vì vậy, ít nhất khẩu hiệu "Cây xanh là câu trả lời cho chúng ta" cũng có một phần đúng. Chúng ta chỉ cần đảm bảo các dự án trồng rừng được triển khai đúng hướng.

Mời bạn tham gia Group Cộng đồng VnReview để thảo luận và cập nhật tin tức công nghệ, sản phẩm.

Minh Bảo (Theo Mongabay)

Xem tiếp

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Một số thông tin về gỗ Kim Tơ Nam Mộc hay Nam Mộc Tơ Vàng từ Trung Quốc

XEM:  https://phongthuygo.com/mot-so-thong-tin-ve-go-kim-to-nam-moc-hay-nam-moc-to-vang-tu-trung-quoc/ Kim Tơ Nam Mộc (Nam Mộc Tơ Vàng), là loại gỗ quý đặc biệt chỉ có ở TQ, vân gỗ tựa như sợi tơ màu vàng, cây gỗ phân bố ở Tứ Xuyên và một số vùng thuộc phía Nam sông Trường Giang, do vậy có tên gọi Kim Tơ Nam Mộc. Kim Tơ Nam Mộc có mùi thơm, vân thẳng và chặt, khó biến hình và nứt, là một nguyên liệu quý dành cho xây dựng và đồ nội thất cao cấp. Trong lịch sử, nó chuyên được dùng cho cung điện hoàng gia, xây dựng chùa, và làm các đồ nội thất cao cấp. Nó khác với các loại Nam Mộc thông thường ở chỗ vân gỗ chiếu dưới ánh nắng hiện lên như những sợi tơ vàng óng ánh, lấp lánh và có mùi hương thanh nhã thoang thoảng. GIÁ TRỊ KINH TẾ VÀ PHONG THỦY CỦA KIM TƠ NAM MỘC Kim Tơ Nam Mộc được phân thành nhiều đẳng cấp thường căn cứ theo tuổi của cây gỗ, tuổi càng cao thì gỗ càng quý. Cao cấp nhất là Kim Tơ Nam Mộc Âm Trầm ngàn năm. Loại này là phát sinh biến dị tự nhiên từ hai ngàn năm

Tìm hiểu chi tiết về gỗ cây măn hay cây găng bầu

Gỗ măn ( hay còn gọi là gỗ găng bầu) là loại gỗ quý hiếm , đang và sắp bị tuyệt chủng tại các khu rừng núi đá khắp các tỉnh miền núi miền bắc nước ta. Cũng giống bao loài gỗ quý hiếm khác sống dọc trên các dãy núi đá vôi tại các khu rừng nhiệt đới miền bắc nước ta , thời xa sưa có rất nhiều loại gỗ quý hiếm khác, như đinh , lim, nghiến , sến, táu, gụ, kháo đá , lát đá , trong đó còn có cả 1 số loại gỗ có mùi thơm và lên tuyết ; như hoàng đàn , ngọc am, gù hương . dã hương , bách xanh ..vvv…. XEM:  https://phongthuygo.com/tim-hieu-chi-tiet-ve-go-cay-man/ Gỗ măn  là 1 loài gỗ sống trên các vách núi đá vôi hiểm trở , thân cây có mầu hơi đen bạc, cây thường mọc rất cao từ 5-20m , lá to và mỏng có lông tơ , vẫn như các loại cây khác thường thân cây được cấu tạo gồm 3 lớp : lớp vỏ, lớp giác và lớp lõi , lớp lõi non bên ngoài có vân càng vào trong tâm lõi vân càng già và đẹp , thường cứ 1 năm sẽ có 1 lớp vân , nên khi thợ cắt cây biết được độ tuổi của cây, nhưng điều đặc biệt là từ kh

Tìm hiểu chi tiết về gỗ cây kháo, nu kháo tự nhiên và giá trị trong nội thất

XEM:  https://phongthuygo.com/tim-hieu-chi-tiet-ve-go-cay-khao-nu-khao-tu-nhien-va-gia-tri-trong-noi-that/ GỖ KHÁO VÀNG THUỘC NHÓM MẤY, LÀ LOẠI GỖ NHƯ THẾ NÀO? Tại Việt Nam chúng ta, gỗ được phân loại thành 8 nhóm đánh số thứ tự bằng chữ số la mã từ I đến VIII. Cách phân loại này dựa trên các tiêu chí như đặc điểm, tính chất tự nhiên, khả năng gia công, mục đích sử dụng và giá trị kinh tế … Cao nhất là nhóm I và thấp nhất là nhóm VIII. Gỗ kháo thuộc nhóm gỗ số VI, đây là loại gỗ phổ biến ở Việt Nam, nó có những đặc điểm như nhẹ, dễ chế biến, khả năng chịu lực ở mức độ trung bình. Khi quyết định dùng gỗ để làm nội thất thì chúng ta rất cần tìm hiểu gỗ thuộc nhóm mấy, có những tính chất như thế nào, giá thành ra sao để đảm bảo lựa chọn được loại gỗ ưng ý nhất, phù hợp nhất với yêu cầu và mục đích của mình. Có 2 loại gỗ nu kháo: Gỗ nu kháo đỏ Gỗ nu kháo vàng Gỗ kháo có tên khoa học là Machinus Bonii Lecomte, đây là loại gỗ xuất hiện rất phổ biến ở nước ta và các quốc gia l

Gỗ xá xị dùng trong phong thủy – Cách giữ mùi thơm lâu dài – hướng dẫn nhận biết

GỖ XÁ XỊ LÀ GÌ? Gỗ xá xị hay còn được gọi là gỗ gù hương, thuộc hàng gỗ cao cấp, đắt tiền thường được dân chơi gỗ tại Việt Nam săn tìm. Gỗ xá xị thường được sử dụng trong vật phong thủy giúp cho môi trường xung quanh thêm sang trọng và đẳng cấp. XEM:  https://phongthuygo.com/go-xa-xi-dung-trong-phong-thuy-cach-giu-mui-thom-lau-dai-huong-dan-nhan-biet/ Gỗ xá xị là loại cây sinh sống trong rừng sâu, có màu đỏ thẫm, đường vân gỗ tự nhiên uốn lượn xoáy sâu vào phần lõi tạo ra những đường xoắn ốc kỳ diệu. Hình dạng những khối gỗ cũng rất đa dạng nên ứng dụng được nhiều sản phẩm có giá trị cao. Gỗ xa xị đỏ đặc biệt hơn những loại gỗ khác bởi màu đỏ tươi cảm giác mang lại sự may mắn. Đây là lý do tại sao người ta lựa chọn loại gỗ này cho những sản phẩm tượng phong thủy đắt tiền. Tinh dầu gỗ xá xị còn giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của con người, tinh thần sảng khoái, minh mẫn. Một số nơi sử dụng gỗ xá xị như một bài thuốc dân gian chữa bện phong hàn, bệnh tiêu hóa ở trẻ nhỏ, c

Tìm hiểu chi tiết về gỗ Trắc và ý nghĩa trong đời sống, phong thủy

GỖ TRẮC Gỗ trắc hay còn được gọi với cái tên khá Nam Bộ là gỗ Cẩm Lai, nó được coi là cây gỗ đặc trưng của vùng Đông Nam Á. Gỗ trắc sinh trưởng và phát triển tương đối chậm nên sản lượng gỗ không nhiều vì thế mà giá thành cũng khá cao không phải ai cũng sở hữu được. Cây gỗ trắc khá lớn, cây trưởng thành tới kỳ thu hoạch thường cao trung bình 25m. Thân cây to và chắc chắn với đường kính lên tới 1m. Là loại cây cổ thụ lâu năm nhưng vỏ cây gỗ trắc lại không bị sần sùi hay tróc vẩy mà ngược lại rất nhẵn và có màu nâu xám. Gỗ trắc ưa sáng nên những tán lá nhanh chóng vươn lên hứng nắng mặt trời, lá có màu xanh rêu nhạt. Họ nhà gỗ trắc không sinh sống thành một khu vực chung mà sống rải rác cách nhau một khoảng khá xa. Độ cao mà cây sinh sống không quá 500m, thích hợp với những vùng đồi núi Việt Nam. XEM:  https://phongthuygo.com/tim-hieu-chi-tiet-ve-go-trac-va-y-nghia-trong-doi-song-phong-thuy/ Gỗ trắc là cây gỗ thuốc nhóm I trong nhóm gỗ quý của Việt Nam, phân bố chủ yếu ở vùng Đ

Tìm hiểu về “Tứ Thiết Mộc” bao gồm những loại gỗ nào

xem:  https://phongthuygo.com/tim-hieu-ve-tu-thiet-moc-bao-gom-nhung-loai-go-nao/ “Tứ thiết mộc” hay còn gọi là 4 loại gỗ có bền chắc và độ cứng rất cao. 4 loại gỗ tứ thiết của Việt Nam bao gồm: đinh, lim, sến, táu. Đây đều là 4 loại gỗ quý thậm chí là rất quý trên thị trường có giá rất cao. Các loại gỗ này thường dùng trong việc chế tác những sản phẩm cao cấp, có độ bền với thời gian, đặc biệt là làm nhà gỗ bao gồm: đền thờ, nhà thờ tổ, chùa chiền… Tên gọi chung các loại gỗ quý rất cứng (ví như sắt). Đinh, lim, sến, táu là hạng thiết mộc. Dùng toàn thiết mộc để làm cột, kèo. Tìm hiểu chi tiết về 04 loại gỗ trên: Gỗ Đinh ,  Gỗ Lim ,  Gỗ Sến ,  gỗ táu