Chuyển đến nội dung chính

Những "thần hộ vệ" rừng khiến cả thế giới nghiêng mình

 Hoạt động kinh tế và sinh hoạt của con người thường dẫn tới hệ quả là nhiều cánh rừng bị hủy diệt. Tuy nhiên, trên thế giới, vẫn có những cá nhân đi ngược xu thế này. Họ âm thầm, cần mẫn tự tay trồng nên những cánh rừng hoặc làm hết sức để bảo vệ thảm xanh tự nhiên.

Tình yêu dành cho rừng có một không hai

Nếu có dịp đi tới khu vực Đông Bắc còn ít người biết tới ở Ấn Độ, bạn có thể sẽ tận mắt chứng kiến các bộ tộc thiểu số vô cùng hiếm gặp và đủ loại động vật hoang dã, gồm cả những con tê giác trắng lừng danh. Nhưng ở đây, bạn còn có cơ hội gặp điều còn hiếm hơn nữa: Jadav Payeng - nhân vật được mệnh danh là “Người trồng rừng của Ấn Độ”.

“Khi còn là trẻ con, một người đàn ông đã đọc chỉ tay của tôi và nói rằng, cuộc đời của tôi sẽ đi theo lộ trình của tự nhiên” - Payeng kể trong cuộc tiếp xúc với phóng viên hãng tin NPR của Mỹ. Có thể, người đọc chỉ tay kia chưa chắc đã biết được tương lai của Payeng, nhưng lời tiên tri ông nói đã thành hiện thực. Payeng đã được xác nhận là người trồng cây và gieo hạt trên đảo Majuli, qua đó tạo ra một cánh rừng có diện tích rộng tới 550ha. Và ông làm được kỳ tích này mà không nhờ sự trợ giúp của ai.

Majuli là hòn đảo trên sông lớn nhất thế giới. Đảo này trước kia gắn với đất liền, nhưng do tác động mạnh mẽ của sông Brahmaputra nên nó bị cắt đứt khỏi đất liền và dần di chuyển ra vị trí nằm ở giữa sông. Trước kia, Majuli chẳng có gì ngoài cát. “Không có cây cỏ, chẳng có gì ngoài đó cả. Chỉ có gỗ trôi theo dòng nước mắc kẹt vào” - Payeng kể.

Payeng thường ra đảo để lấy củi trôi dạt. Một lần, ông đặt chân lên đảo và chứng kiến một đàn nhiều con rắn nằm chết gục trên cát, có lẽ vì nhiệt độ quá cao, trong điều kiện đảo không có bóng cây nào. “Khi nhìn thấy cảnh ấy, tôi mường tượng rằng rồi có ngày tới lượt con người sẽ bỏ mạng vì nắng nóng như đàn rắn. Tôi suy nghĩ rất lâu. Tôi nghĩ về số phận thảm thương của những con rắn và quyết định sẽ tạo ra một khu rừng trên đảo” - ông nhớ lại.

Ban đầu, Payeng trồng tre trên đảo, tổng cộng 25 cây tất cả. Sau đó, ông bắt đầu trồng bông và nhiều loại cây khác, gồm cả cây thân gỗ giá trị cao như trắc. Trong vòng gần 4 thập kỷ, Payeng đã trồng quá nhiều cây tới mức không thể nhớ hết. Ông chỉ biết mình đã trồng vài trăm nghìn cây trên đảo và chúng mọc dày tới mức còn gây sốc cho cả các quan chức Bộ Lâm nghiệp Ấn Độ khi họ tới đây thị sát.

Payeng nói rằng, ông được sự trợ giúp của thiên nhiên khi trồng rừng. "Cảm giác không giống như tôi đang lao động một mình. Khi trồng một hay hai cây xuống, chúng sẽ lớn lên và ra hoa, kết trái. Sau khi chúng ra trái hoặc có hạt, gió sẽ giúp gieo hạt đi nơi khác. Chim chóc, những con bò, những con voi, thậm chí cả sông Brahmaputra cũng biết cách gieo hạt đi nơi khác. Cả hệ sinh thái ở đây đều biết phải làm thế nào” - ông nói.

Khu rừng không chỉ là đam mê mà đã trở thành một phần cuộc sống của Payeng. Ông nhặt cây thuốc từ rừng để chữa bệnh. Hàng ngày, ông vẫn uống một hỗn hợp làm từ lá cây hái ở rừng. Một số loại lá cũng được dân làng mang về để tạo men pha chế bia.

Cánh rừng của Payeng cũng thu hút nhiều loài động vật tìm tới sinh sống, bao gồm cả những con hổ. Payeng nói rằng, hổ đã ăn mất hơn 170 con bò các loại của ông, nhưng điều đó không làm ông phiền lòng. Ông cho rằng, hổ chỉ sống đúng theo bản năng của nó, nên việc mất đi gia súc không phải là vấn đề quá to tát. Thậm chí, ông từng có lần đối mặt với một con hổ. “Tôi không sợ hãi. Tôi biết rằng hổ không phải là loài động vật quá dạn dĩ. Lần ấy, tôi giáp mặt với một con hổ khi nó mới giết một con bò. Khi nhìn thấy tôi, nó đã chuồn mất” - ông kể.

Ngoài hổ, rừng của Payeng còn có nai, khỉ và đủ loại chim chóc. Payeng tự hào kể rằng, voi rừng vẫn đi qua vùng nước nông để vào khu rừng trên đảo của ông. Một số dân làng phàn nàn rằng, voi dùng khu rừng làm “căn cứ” để thi thoảng đạp nát các cánh đồng họ mới trồng cấy, thậm chí phá nhà của họ. Tuy nhiên, Payeng đã bảo vệ những con voi với quan điểm con người phải thay đổi để thích nghi với khu rừng. Khi một số người dân đề nghị Payeng chặt hạ cánh rừng để voi và hổ không còn chỗ dung thân, ông đã cảnh cáo: “Các người phải giết tôi nếu muốn chặt cây”.

Từng bị cư dân địa phương coi là “điên” nhưng ngày hôm nay, Payeng đã được nhìn nhận như một nhà bảo vệ môi trường nổi tiếng. Báo chí Ấn Độ có nhiều bài viết về Payeng. Đã có những cuốn sách, bộ phim nói về ông. Tấm gương của ông được đưa vào sách giáo khoa của một số ngôi trường ở Mỹ. Mexico đã nhờ ông chia sẻ kinh nghiệm để trồng và khôi phục rừng.

Cá nhân Payeng chỉ muốn tất cả làm theo những gì bản thân đã làm. “Đọc về tôi là chưa đủ. Hãy làm như tôi đã làm. Tôi muốn các giáo viên thay vì nói về tôi thì hãy có các tiết giảng về cách trồng cây, về tình yêu với cây và cách chăm sóc cây như thế nào” - Payeng nói.

Payeng hiện vẫn dành thời gian đi phát biểu tại các trường học ở Ấn Độ và nhiều nơi khác trên thế giới. “Sẽ rất tuyệt vời nếu một đứa trẻ được dạy cách trồng cây con, hoặc gieo một hạt giống khi còn ở trường và khi lớn lên sẽ tiếp tục là người có trách nhiệm với cây xanh” - theo Payeng. “Nếu trồng cây là điều được tất cả chúng ta thực hiện trong vòng 30 năm qua, liệu hiện tượng Trái đất nóng lên và biến đổi khí hậu có thể là vấn đề lớn như hiện nay? Tôi tin rằng mọi đứa trẻ cần phải biết tên của các loại cây bản địa và hiểu về chúng nhờ kiến thức cha mẹ truyền lại cho”.

Khu rừng của Payeng, được đặt cho biệt danh Molai, hiện đã có quy mô rất lớn nhưng ông vẫn có tham vọng mở rộng thêm nữa. Ông cho biết, muốn trồng thêm khoảng 2.000ha rừng nữa, đặt ra mục tiêu phủ xanh toàn bộ các bãi cát và đảo trọc nằm trên sông Brahmaputra. Ông muốn mình trở thành “ví dụ về những gì mà một con người có thể làm được cho môi trường”.

Khi được phóng viên NPR hỏi bằng cách nào mà Payeng vẫn duy trì được đam mê trồng cây của mình, ông trả lời: “Chưa ai từng nhìn thấy Thượng đế. Cá nhân tôi thấy sự hiện diện của Thượng đế trong thiên nhiên. Thiên nhiên chính là thượng đế. Thiên nhiên mang tới cho tôi cảm hứng, sức mạnh. Chừng nào thiên nhiên còn tồn tại thì tôi cũng tồn tại”.

Nopporn Nontapa hướng dẫn kỹ thuật trồng cây rừng ở Thái Lan. Ảnh: FB Nontapa
Nopporn Nontapa hướng dẫn kỹ thuật trồng cây rừng ở Thái Lan. Ảnh: FB Nontapa

Người tạo cảm hứng cho kẻ khác

Không giống như Payeng, Antonio Vicente (83 tuổi), không có cả một hòn đảo để trồng cây. Tuy nhiên, ông đã bỏ tiền túi để mua một khoảnh đất rộng 31ha ở bang São Paulo. Mảnh đất này từng là nơi chăn thả gia súc, nhưng khi Vicente tuyên bố muốn dùng nó để trồng một cánh rừng, dân địa phương nói rằng ông bị điên.

Đó là năm 1973, thời điểm rừng bị nhiều người ở Brazil coi như trở ngại chắn ngang con đường của sự phát triển và lợi nhuận.

Ngay khi những cây to bị đốn hạ để có đất làm nông trại, nguồn nước ở địa phương, kể cả nước ngầm cũng cạn dần và cuối cùng biến mất hẳn. Vicente biết rằng, duy trì sự tồn tại của các cánh rừng là điều cần thiết để giữ lại nguồn nước, bởi cây thẩm thấu và giữ nước trong các bộ rễ của chúng. Cây cũng giúp ngăn chặn tình trạng xói mòn đất.

Bắt đầu cùng vài con lừa và một đội ngũ cộng sự rất nhỏ, Vicente tiến hành trồng cây trên đất của mình trong đầy rẫy những tiếng dèm pha, song ông bỏ ngoài tai tất cả. Ban đầu, Vicente chỉ trồng cây vào cuối tuần và hoạt động diễn ra như một thú vui. Nhưng dần dần nó trở thành lẽ sống của ông. Vicente vẫn nhớ, nhiều hôm ông rời khỏi nhà từ sáng sớm để đi trồng rừng và chỉ trở về khi trời tối. Hơn 40 năm kể từ khi bắt đầu, Vicente ước tính ông đã trồng khoảng 50.000 cây xanh trên khoảnh đất của mình. Nỗ lực của Vicente đã tạo ra một cánh rừng mưa nhiệt đới xanh mướt, đồng thời là một khu bảo tồn động vật hoang dã.

Khu rừng của Vicente hiện đầy những loài lợn lòi, chồn cáo, rắn và chuột. Vô số loài chim cũng tìm tới đây sinh sống. Điều đặc biệt là hơn 20 nguồn nước đã trở lại trên mảnh đất của Vicente, điều chưa từng có khi ông mới mua lại nó. “Nếu bạn hỏi gia đình tôi ở đâu, tôi sẽ nói rằng tất cả đang ở đây. Từng thành viên trong gia đình nhà tôi đã trồng lên từ những cái hạt” - ông chia sẻ với phóng viên trang tin Guardian.

Có thể nói, Vicente là một tấm gương đặc biệt ở Brazil. Trong 30 năm qua, trong khi Vicente cần mẫn trồng rừng thì hơn 183.000ha rừng tại khu vực giáp Đại Tây Dương ở bang São Paulo quê nhà ông, cũng là bang giàu nhất nước, đã bị chặt hạ để có đất làm nông và mở rộng các thành phố. Các cánh rừng giáp Đại Tây Dương từng che phủ 69% diện tích São Paulo, nhưng ngày hôm nay con số giảm xuống chỉ còn 14%. Ngày nay, São Paulo đang cố gắng đạt được tỉ lệ phá rừng bằng 0. Trên quy mô quốc gia, năm 2015, Brazil đã cam kết sẽ trồng lại 12 triệu ha rừng từ nay cho tới năm 2030. Tuy nhiên, con số đã bị nhiều nhà quan sát cho là không thực tế. Phần lớn diện tích đất bị phá rừng hiện là tài sản cá nhân nên việc khuyến khích cá nhân tham gia trồng rừng như Vicente là yếu tố nền tảng để có thể đáp ứng mục tiêu Brazil đã đề ra.

Được biết, Vicente đã tạo cảm hứng cho nhiều người học theo. Nhân vật cổ súy trồng rừng nổi tiếng nhất Brazil - nhiếp ảnh gia chuyên chụp hình người nổi tiếng Sebastião Salgado - cũng sống ngay gần đó. Ông và vợ Lélia đã tái trồng gần 7.000ha rừng trong giai đoạn cuối những năm 1990.

Dù đã hơn 80 tuổi nhưng hàng ngày, Vicente vẫn thích đi vào khu rừng của mình và ngắm các thác nước có ở trong đó - với tổng cộng 8 thác nước. Còn khu rừng, do không bị ai đe dọa, nên vẫn phát triển vô cùng mạnh mẽ. “Tôi trồng cánh rừng này không phải vì tiền. Tôi làm thế vì khi chết đi, rừng vẫn sẽ ở lại đây cùng thế hệ sau” - ông nói và cho biết thêm. “Giờ thì không ai gọi tôi là thằng điên nữa.”

Người gieo hạt cần mẫn

Ở Thái Lan, nhắc tới những chuyên gia bảo tồn rừng, người ta không thể bỏ qua Nopporn Nontapa. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở tỉnh Kalasin, thuở còn bé, Nontapa vẫn hay cùng cha đi tới cánh rừng gần nhà để tìm kiếm thực phẩm. Nhưng đi tới đâu, Nontapa cũng chứng kiến cảnh người địa phương chặt hạ cây và bán chúng cho những tay buôn gỗ chuyên nghiệp. Cảnh tượng đó đã gieo lại một cảm xúc mạnh mẽ trong Nontapa: Ông biết chắc mình sẽ muốn trở thành con người như thế nào khi lớn lên.

Năm 1990, thời điểm nhà bảo tồn nổi tiếng Seub Nakhasathien tự sát vì tuyệt vọng sau khi chứng kiến tình trạng tàn phá môi trường bừa bãi, cũng là lúc Nontapa quyết định theo học ngành Lâm nghiệp ở Đại học Kasetsart, Bangkok. Ngay khi tốt nghiệp, ông nộp đơn vào một vị trí tại Bộ Lâm nghiệp Hoàng gia. Ông là người thứ 152 trong danh sách xét duyệt cuối, nhưng bộ chỉ được nhận có 149 người. “Tôi không được chọn” - Nontapa kể lại. Không thể trở thành một người trồng rừng, Nontapa trở thành nhà nghiên cứu tại khoa Dược ở Đại học Khon Kaen. Thời gian rảnh, ông lên mạng chống lại các tin đồn hoặc tin sai sự thực về rừng. Qua từng bài viết, Nontapa chia sẻ với cư dân mạng thông tin về các loài cây khác nhau, cũng như phương thức trồng và chăm sóc chuẩn. Các bài viết của ông bắt đầu thu hút người đọc, khiến họ quan tâm về các cách thức kiếm tiền lâu bền nhờ trồng rừng. "Tôi bắt đầu bằng việc cho đi, nó dễ hơn là nhận về” - ông chia sẻ.

Nontapa dần dần trở thành một người viết bài uy tín. Sau khi có đông người hâm mộ, ông tạo một trang web gọi là Khundong, một biệt danh mà người Thái dành cho những sinh viên lâm nghiệp mới ra trường, biến nó thành nền tảng chia sẻ thông tin về cách trồng cây. Cuối cùng, khi thấy sự ủng hộ nhiệt thành từ nhiều nhà bảo tồn trong nước, Nontapa quyết định sẽ trồng một khu rừng.

Giống nhiều quốc gia Đông Nam Á, các cánh rừng của Thái Lan đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Từ năm 1973 tới năm 2009, diện tích rừng của Thái Lan giảm mất 43%, theo một báo cáo của WWF (Tổ chức Quốc tế về bảo tồn Thiên nhiên). Hiện diện tích che phủ rừng của Thái Lan chỉ còn khoảng 31% hoặc 163.200km2.

Nontapa tới Bộ Lâm nghiệp để xin hạt giống phục vụ việc trồng lại rừng. Ông nói rằng, muốn trồng một số loại cây đang bị đe dọa, khoảng 100 loại. Tuy nhiên, Bộ Lâm nghiệp chỉ có 15 loại hạt giống. Vậy là Nontapa tự tay giải quyết vấn đề. Ông bắt đầu thu gom hạt giống từ một cánh rừng gần nhà. Vài tháng sau đó, Nontapa bắt đầu chia sẻ kiến thức về hạt giống cây trên Internet, trước khi tiến hành phân phát hạt miễn phí. Ông đã cho đi 200 loại hạt giống cây khác nhau, kết hợp với việc dạy những người khác các công đoạn và địa điểm phù hợp để trồng cây.

Người dân trên khắp Thái Lan bắt đầu hỏi xin hạt giống từ Nontapa. Thường thì ông sẽ chuyển ngay hạt cho họ, không đòi hỏi gì khác ngoài phí bưu phẩm. "Về cơ bản, tôi hoạt động trên Khundong 24 giờ mỗi ngày. Đó chính là công việc của một người trồng rừng. Chúng ta phải luôn sát cánh cùng các nông dân trồng cây” - anh chia sẻ.

Không chỉ chia sẻ kiến thức, Nontapa còn gieo những hạt giống yêu cây vào trái tim nhiều người. Vô số người đã xin hạt từ ông và trồng cây thành công. Ngày hôm nay, Nontapa đã thay thế trang web cũ bằng một nhóm Facebook có tên “Khundong... hạt giống cây 24/7" và nó đã có 40.000 thành viên.

Từ việc là nền tảng chia sẻ hạt giống và thông tin, Khundong đã dần mở rộng thành các cuộc hội thảo, các chiến dịch gây quỹ, các hoạt động bảo tồn tập thể và thậm chí là học bổng. Nhiều thành viên Khundong đã cho đi vô số hạt giống, giúp gây rừng tại nhiều nơi ở Thái Lan.

Năm 2016, Nontapa đã thành lập một ngôi trường dạy trồng cây trên mảnh đất do một thành viên Khundong tặng. Mỗi năm, ông lại điều hành các khóa dạy trồng cây kéo dài nhiều tháng và học viên chỉ phải đóng một khoản phí nhỏ để duy trì trường.

Nontapa khẳng định, bất kỳ ai cũng được chào mừng gia nhập Khundong và tham gia các khóa dạy trồng cây. Họ cũng sẽ được tặng hạt giống thường xuyên, chỉ với điều kiện duy nhất là phải trồng cây. "Tôi chưa từng nghĩ rằng mình có thể làm được nhiều điều như thế này - tạo ra cả một ngôi trường dạy trồng cây hoặc một cộng đồng phi lợi nhuận. Tôi chưa từng nghĩ mình có thể trở thành một chuyên gia về trồng rừng ở Thái Lan” - ông nói.

Những hạt giống Nontapa cho đi giờ đã được trồng trên nhiều cánh rừng ở Thái Lan. Kiến thức ông chia sẻ cũng được nhân rộng trong các cộng đồng trồng rừng trên toàn quốc và không loại từ khả năng sẽ được truyền lại cho nhiều thế hệ tương lai.

TƯỜNG LINH (TỔNG HỢP)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Một số thông tin về gỗ Kim Tơ Nam Mộc hay Nam Mộc Tơ Vàng từ Trung Quốc

XEM:  https://phongthuygo.com/mot-so-thong-tin-ve-go-kim-to-nam-moc-hay-nam-moc-to-vang-tu-trung-quoc/ Kim Tơ Nam Mộc (Nam Mộc Tơ Vàng), là loại gỗ quý đặc biệt chỉ có ở TQ, vân gỗ tựa như sợi tơ màu vàng, cây gỗ phân bố ở Tứ Xuyên và một số vùng thuộc phía Nam sông Trường Giang, do vậy có tên gọi Kim Tơ Nam Mộc. Kim Tơ Nam Mộc có mùi thơm, vân thẳng và chặt, khó biến hình và nứt, là một nguyên liệu quý dành cho xây dựng và đồ nội thất cao cấp. Trong lịch sử, nó chuyên được dùng cho cung điện hoàng gia, xây dựng chùa, và làm các đồ nội thất cao cấp. Nó khác với các loại Nam Mộc thông thường ở chỗ vân gỗ chiếu dưới ánh nắng hiện lên như những sợi tơ vàng óng ánh, lấp lánh và có mùi hương thanh nhã thoang thoảng. GIÁ TRỊ KINH TẾ VÀ PHONG THỦY CỦA KIM TƠ NAM MỘC Kim Tơ Nam Mộc được phân thành nhiều đẳng cấp thường căn cứ theo tuổi của cây gỗ, tuổi càng cao thì gỗ càng quý. Cao cấp nhất là Kim Tơ Nam Mộc Âm Trầm ngàn năm. Loại này là phát sinh biến dị tự nhiên từ hai ngàn năm

Tìm hiểu chi tiết về gỗ cây măn hay cây găng bầu

Gỗ măn ( hay còn gọi là gỗ găng bầu) là loại gỗ quý hiếm , đang và sắp bị tuyệt chủng tại các khu rừng núi đá khắp các tỉnh miền núi miền bắc nước ta. Cũng giống bao loài gỗ quý hiếm khác sống dọc trên các dãy núi đá vôi tại các khu rừng nhiệt đới miền bắc nước ta , thời xa sưa có rất nhiều loại gỗ quý hiếm khác, như đinh , lim, nghiến , sến, táu, gụ, kháo đá , lát đá , trong đó còn có cả 1 số loại gỗ có mùi thơm và lên tuyết ; như hoàng đàn , ngọc am, gù hương . dã hương , bách xanh ..vvv…. XEM:  https://phongthuygo.com/tim-hieu-chi-tiet-ve-go-cay-man/ Gỗ măn  là 1 loài gỗ sống trên các vách núi đá vôi hiểm trở , thân cây có mầu hơi đen bạc, cây thường mọc rất cao từ 5-20m , lá to và mỏng có lông tơ , vẫn như các loại cây khác thường thân cây được cấu tạo gồm 3 lớp : lớp vỏ, lớp giác và lớp lõi , lớp lõi non bên ngoài có vân càng vào trong tâm lõi vân càng già và đẹp , thường cứ 1 năm sẽ có 1 lớp vân , nên khi thợ cắt cây biết được độ tuổi của cây, nhưng điều đặc biệt là từ kh

Tìm hiểu chi tiết về gỗ cây kháo, nu kháo tự nhiên và giá trị trong nội thất

XEM:  https://phongthuygo.com/tim-hieu-chi-tiet-ve-go-cay-khao-nu-khao-tu-nhien-va-gia-tri-trong-noi-that/ GỖ KHÁO VÀNG THUỘC NHÓM MẤY, LÀ LOẠI GỖ NHƯ THẾ NÀO? Tại Việt Nam chúng ta, gỗ được phân loại thành 8 nhóm đánh số thứ tự bằng chữ số la mã từ I đến VIII. Cách phân loại này dựa trên các tiêu chí như đặc điểm, tính chất tự nhiên, khả năng gia công, mục đích sử dụng và giá trị kinh tế … Cao nhất là nhóm I và thấp nhất là nhóm VIII. Gỗ kháo thuộc nhóm gỗ số VI, đây là loại gỗ phổ biến ở Việt Nam, nó có những đặc điểm như nhẹ, dễ chế biến, khả năng chịu lực ở mức độ trung bình. Khi quyết định dùng gỗ để làm nội thất thì chúng ta rất cần tìm hiểu gỗ thuộc nhóm mấy, có những tính chất như thế nào, giá thành ra sao để đảm bảo lựa chọn được loại gỗ ưng ý nhất, phù hợp nhất với yêu cầu và mục đích của mình. Có 2 loại gỗ nu kháo: Gỗ nu kháo đỏ Gỗ nu kháo vàng Gỗ kháo có tên khoa học là Machinus Bonii Lecomte, đây là loại gỗ xuất hiện rất phổ biến ở nước ta và các quốc gia l

Gỗ xá xị dùng trong phong thủy – Cách giữ mùi thơm lâu dài – hướng dẫn nhận biết

GỖ XÁ XỊ LÀ GÌ? Gỗ xá xị hay còn được gọi là gỗ gù hương, thuộc hàng gỗ cao cấp, đắt tiền thường được dân chơi gỗ tại Việt Nam săn tìm. Gỗ xá xị thường được sử dụng trong vật phong thủy giúp cho môi trường xung quanh thêm sang trọng và đẳng cấp. XEM:  https://phongthuygo.com/go-xa-xi-dung-trong-phong-thuy-cach-giu-mui-thom-lau-dai-huong-dan-nhan-biet/ Gỗ xá xị là loại cây sinh sống trong rừng sâu, có màu đỏ thẫm, đường vân gỗ tự nhiên uốn lượn xoáy sâu vào phần lõi tạo ra những đường xoắn ốc kỳ diệu. Hình dạng những khối gỗ cũng rất đa dạng nên ứng dụng được nhiều sản phẩm có giá trị cao. Gỗ xa xị đỏ đặc biệt hơn những loại gỗ khác bởi màu đỏ tươi cảm giác mang lại sự may mắn. Đây là lý do tại sao người ta lựa chọn loại gỗ này cho những sản phẩm tượng phong thủy đắt tiền. Tinh dầu gỗ xá xị còn giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của con người, tinh thần sảng khoái, minh mẫn. Một số nơi sử dụng gỗ xá xị như một bài thuốc dân gian chữa bện phong hàn, bệnh tiêu hóa ở trẻ nhỏ, c

Tìm hiểu chi tiết về gỗ Trắc và ý nghĩa trong đời sống, phong thủy

GỖ TRẮC Gỗ trắc hay còn được gọi với cái tên khá Nam Bộ là gỗ Cẩm Lai, nó được coi là cây gỗ đặc trưng của vùng Đông Nam Á. Gỗ trắc sinh trưởng và phát triển tương đối chậm nên sản lượng gỗ không nhiều vì thế mà giá thành cũng khá cao không phải ai cũng sở hữu được. Cây gỗ trắc khá lớn, cây trưởng thành tới kỳ thu hoạch thường cao trung bình 25m. Thân cây to và chắc chắn với đường kính lên tới 1m. Là loại cây cổ thụ lâu năm nhưng vỏ cây gỗ trắc lại không bị sần sùi hay tróc vẩy mà ngược lại rất nhẵn và có màu nâu xám. Gỗ trắc ưa sáng nên những tán lá nhanh chóng vươn lên hứng nắng mặt trời, lá có màu xanh rêu nhạt. Họ nhà gỗ trắc không sinh sống thành một khu vực chung mà sống rải rác cách nhau một khoảng khá xa. Độ cao mà cây sinh sống không quá 500m, thích hợp với những vùng đồi núi Việt Nam. XEM:  https://phongthuygo.com/tim-hieu-chi-tiet-ve-go-trac-va-y-nghia-trong-doi-song-phong-thuy/ Gỗ trắc là cây gỗ thuốc nhóm I trong nhóm gỗ quý của Việt Nam, phân bố chủ yếu ở vùng Đ

Tìm hiểu về “Tứ Thiết Mộc” bao gồm những loại gỗ nào

xem:  https://phongthuygo.com/tim-hieu-ve-tu-thiet-moc-bao-gom-nhung-loai-go-nao/ “Tứ thiết mộc” hay còn gọi là 4 loại gỗ có bền chắc và độ cứng rất cao. 4 loại gỗ tứ thiết của Việt Nam bao gồm: đinh, lim, sến, táu. Đây đều là 4 loại gỗ quý thậm chí là rất quý trên thị trường có giá rất cao. Các loại gỗ này thường dùng trong việc chế tác những sản phẩm cao cấp, có độ bền với thời gian, đặc biệt là làm nhà gỗ bao gồm: đền thờ, nhà thờ tổ, chùa chiền… Tên gọi chung các loại gỗ quý rất cứng (ví như sắt). Đinh, lim, sến, táu là hạng thiết mộc. Dùng toàn thiết mộc để làm cột, kèo. Tìm hiểu chi tiết về 04 loại gỗ trên: Gỗ Đinh ,  Gỗ Lim ,  Gỗ Sến ,  gỗ táu