Gió mùa Đông Bắc đang nuốt dần những mét bờ biển cuối cùng của Hội An, Điện Bàn... tỉnh Quảng Nam. Nhiều khu du lịch trị giá hàng trăm tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ sạt lở, đổ ập xuống biển sâu...
Bờ biển Quảng Nam kéo dài từ huyện Núi Thành đến Điện Bàn dài hơn 100 km bắt đầu sạt lở từ những năm 2006. Chính quyền đã sớm nhận ra mối nguy cơ uy hiếp nền kinh tế du lịch đang phát triển tại đây, nên sớm tổ chức các biện pháp giải cứu.
Nhận định của các chuyên gia, hiện tượng sạt lở bờ biển kéo dài từ vùng biển Quảng Nam ra đến Đà Nẵng đang là thảm họa kép, không chỉ gây hại cho lớn cho những bờ biển được bình chọn đẹp nhất thế giới, mà phá vỡ gần như hoàn toàn quy hoạch du lịch trọng điểm tại Hội An, cùng một loạt các địa phương ven biển.

Hàng loạt các hội thảo tìm biển pháp hạn chế hiện tượng trên. Theo đó hàng chục tỷ đồng cũng được đổ vào các đê kè cứng, kè mềm… nhưng biển vẫn tiếp tục nuốt dần từng mét bờ và đến nay, gần như những bãi biển đẹp tại Hội An đã biến mất, thay vào đó là cảnh sạt lở tan hoang.
TS.Nguyễn Chu Hồi - nguyên Tổng cục phó Tổng cục Biển đảo, nhận định, hiện tượng xói lở bờ biển trên địa bàn Quảng Nam, bên cạnh yếu tố khách quan như nước biển dâng, triều cường do biến đổi khí hậu… thì đó là hệ quả của nhiều tác nhân như khai thác nước ngầm quá mức cho nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt ở vùng ven biển có nền đất yếu; tình trạng phá rừng ngập mặn, hút cát ở các cửa sông/lòng sông gần biển...
Các nguyên nhân này phát triển khác nhau tùy từng đoạn bờ biển cụ thể, nhưng tác động của chúng thường là “cộng hưởng”. Dẫn chứng được đưa ra là một số khu resort ở gần cảng Cửa Đại đã sụp đổ mà lỗi chính là do xây dựng sát biển, lấn ra biển. Công trình bờ bảo vệ khách sạn lại làm thay đổi hướng dòng chảy và sóng, gây hậu quả cho khách sạn khác, kiểu “gậy ông đập lưng ông”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhận định: “Phải xác định chính xác cơ chế gây ra tình trạng xói lở cũng như bồi lắng ở bờ biển Hội An, nhất là nguyên nhân gây xói lở. Từ đó, đưa ra các giải pháp tổng hợp để bảo vệ bờ biển Hội An bền vững, giữ được cảnh quan tự nhiên và đảm bảo sự tiếp cận của người dân đến bãi biển. Qua đó xây dựng cơ sở khoa học vững chắc cho chương trình quản lý tổng hợp bờ biển Hội An sau này”.
Tuy vậy, một điều chưa được mấy ai nhắc đến, là hiện tượng sạt lở bờ biển trên địa bàn Quảng Nam chỉ bắt đầu sau khi hàng trăm ngàn mét vuông rừng dương liễu chắn sóng hiện đã bị khai thác kiệt quệ, nhường chỗ cho các công trình lưu trú, dịch vụ du lịch và công nghệp.
Ông Nguyễn Sự- Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nhận định: “Không phải ngẫu nhiên mà ông bà mình trồng dương ven biển đâu, nó có tác dụng lớn vì nó chịu đựng được bão, chịu đựng được nước mặn, giữ đất tốt, lá dương chống di chuyển cát…”. Hãy trả những rừng dương liễu lại cho bờ biển. Biết rằng muộn lắm rồi, nhưng còn hơn không!
- Nhận đường liên kết
- Ứng dụng khác
Nhãn
Bảo vệ rừng- Nhận đường liên kết
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét