7 năm trước, Đồng Nai từng kiến nghị và được Chính phủ, Quốc hội cho dừng và loại bỏ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai, mặc dù thời điểm đó địa phương cũng rất “khát” năng lượng để phục vụ phát triển kinh tế - công nghiệp.
Thời điểm đó, Đồng Nai nhận định việc dừng triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A phù hợp với Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở Việt Nam, phù hợp với Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ, phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường... và các công ước quốc tế.
Tới thời điểm này, có thể nói quyết định của Đồng Nai lúc đó là đúng đắn, nếu không chưa biết chừng sẽ có những vấn đề nghiêm trọng xảy ra vào mùa mưa bão. Qua nhiều sự việc đau lòng tại miền Trung vừa qua, ít nhiều đều liên quan đến các thủy điện nhỏ, đã đến lúc cần có sự đánh giá lại một cách toàn diện hiệu quả của việc đầu tư cũng như các mặt lợi - hại của thủy điện nhỏ. Trong khi hiệu quả dự án chưa được làm rõ thì hằng năm, các sự cố liên quan đến thủy điện ngày càng nhiều và gây dư luận trái chiều. Sự bức xúc của người dân vì thế tăng lên.
Trong phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội ngày 2-11-2020 của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, đối với vấn đề phát triển thủy điện nhỏ phải xem xét để hạn chế phá rừng, tới đây những công trình nào xây dựng liên quan đến đất rừng phải trình Quốc hội xin ý kiến.
Còn Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho hay, thời gian qua đã có trên 400 thủy điện nhỏ được đưa ra khỏi quy hoạch. Quan điểm của Bộ TN-MT là thủy điện bao giờ cũng có hai mặt. Do đó, không nên khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ mà cần hết sức thận trọng trong cấp phép.
Tính toán của các nhà khoa học, trung bình cứ mỗi 1MW thủy điện nhỏ và vừa chiếm tới 7,4ha đất, ảnh hưởng xấu tới môi trường. Rừng mất thì lũ lụt càng tác oai tác quái, cũng có nghĩa là thiên tai liên quan mật thiết đến nhân tai. Với hàng trăm thủy điện nhỏ và vừa (công suất từ 5-90 MW) tập trung từ Bắc vào Nam, trong đó miền Trung và Tây nguyên chiếm tỷ lệ nhiều nhất thì tác động sẽ rất lớn.
Ấy là chưa kể, có những dự án thủy điện nhỏ sau khi được cấp giấy phép xây dựng xong, chủ đầu tư đã bán lại dự án. Đây cũng là lúc đã khai thác cơ bản tài nguyên khoáng sản. Vấn đề nghiêm trọng này cần nghiêm túc xem xét một cách triệt để, để làm sao cho vừa đạt hiệu quả kinh tế nhưng trong mỗi mùa mưa bão, cuộc sống và tính mạng của người dân được an toàn.
Văn Gia
Nhận xét
Đăng nhận xét