Tôi từng trong cảnh gia đình bảy miệng ăn rơi vào màn trời chiếu đất, thóc gạo không còn, đất và tiền mất hết.
Đó là đợt cải cách ruộng đất, gia sản bị tịch thu toàn bộ, cả nhà tôi bị đuổi ra căn nhà tranh rìa làng. Bão tới, mái tốc, nhà xiêu.
Vì đã qua những ngày như vậy, tôi rất bất an cho hàng trăm nghìn hộ dân rơi vào cảnh không nhà, không điện nước những ngày thiên tai liên miên này. Đành rằng luôn có những tấm lòng sẻ chia để người lâm nạn không bị đói, nhưng mỗi gia đình đó đều phải bắt đầu lại sinh kế, rất cơ cực.
Vì sao nên nông nỗi này? Trên Nghị trường, người đứng đầu ngành cho rằng sạt lở ở miền Trung vừa qua là "tổ hợp của nhiều loại hình thiên tai". Trong 40 năm qua, cường độ và tần suất thiên tai tăng bốn lần là do Việt Nam đứng thứ 16 trong số các nước liên quan đến khí hậu cực đoan. Và rằng, lúc này đưa ra kết luận về nguyên nhân thiên tai "còn quá sớm". Dù nghe những lời giải trình "có cánh", tôi cũng như không ít chuyên gia, người dân vẫn băn khoăn về các nhân tai khác như thủy điện nhỏ, mất rừng. Đành rằng "ngẫm hay muôn sự tại trời" - đại thi hào Nguyễn Du đã than, nhưng cụ lại nói thêm "xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều" - như để nói thiên định đâu có vô tình, nhân định mới là gốc của câu chuyện.
Cổ văn bàn như vậy. Tân văn không thể bỏ qua dữ liệu thực tế. Khi miền Trung lâm nạn cũng là lúc Ngân hàng Thế giới hoàn thành báo cáo "Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển: phát triển khu vực ven biển Việt Nam - cơ hội và rủi ro thiên tai". Báo cáo chỉ ra "dù có tiến bộ đáng kể nhưng các biện pháp quản lý rủi ro thiên tai hiện tại của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu". Có 11,8 triệu cư dân ven biển đang gặp rủi ro cao do lũ lớn và 35% khu dân cư ven biển thuộc vùng hay bị sạt lở. Mỗi năm, kinh tế thiệt hại 852 triệu USD - tương đương với 0,5% giá trị GDP - và thiệt hại 316 nghìn việc làm do lũ sông và lũ ven biển.
Cơ quan này khuyến nghị với Việt Nam. Thứ nhất, thiết lập và tăng cường hệ thống dữ liệu như công cụ trợ giúp ra quyết định. Thứ hai, quy hoạch ven biển dựa trên phân tích rủi ro. Thứ ba, tăng cường khả năng chống chịu của hạ tầng và dịch vụ công vùng ven biển. Thứ tư, tận dụng các giải pháp thuận thiên. Và thứ năm, nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó và phục hồi. Các khuyến nghị này không "có cánh" vì đang nằm sát mặt đất, bên cạnh đời sống người dân.
Rất tiếc rằng các nghiên cứu công phu, khách quan, thực tế và chân thành này dường như chưa được cán bộ quản lý của ta quan tâm. Dù tại Quốc hội, trước chất vấn về thủy điện cóc, vị bộ trưởng cho rằng "lúc này đưa ra kết luận còn quá sớm", song nguyên tắc thuận Thiên từ xưa tới nay vẫn bao trùm tất cả. Nếu thuận Thiên thì nên làm - kể cả thuỷ điện, còn mọi thứ không thuận đều không được làm. Chỉ nhìn bằng mắt, việc quá nhiều hồ trữ nước nhỏ thay vào nơi trước đó là rừng đã làm thay đổi cấu trúc tự nhiên lớp bề mặt Trái đất, tức là nghịch với tự nhiên. Núi đổ cũng là lẽ thường tình.
Tôi có khá nhiều bạn từng hăng hái đầu tư khách sạn hạng sang ở những tỉnh nghèo. Họ rất thành công. Nhưng đang tấn tới thì gần như cùng lúc, họ bỏ đấy để đầu tư thuỷ điện nhỏ. Tôi ngạc nhiên hỏi "phục vụ du lịch đang hay sao lại chuyển sang nghề điện lực?". "Anh chưa hiểu hết đâu, thuỷ điện nhỏ hay hơn nhiều, lãi chồng lãi", bạn tôi trả lời. Họ giải thích thêm cho tôi rõ, rằng được ngang nhiên phá rừng thu lợi, làm chủ diện tích đất rộng rãi, máy móc của Trung Quốc cực rẻ, thi công chẳng tốn kém bao nhiêu, giá bán điện lại ổn định.
Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, bình quân 1 MW thủy điện vừa và nhỏ chiếm khoảng 7,41 hecta đất. Trong đó: 0,078 hecta đất ở, 0,256 hecta đất lúa, 0,808 hecta đất màu, 2,726 hecta đất rừng, 1,507 hecta đất sông suối. Trên mọi nhánh sông miền Trung đều có vài ba thuỷ điện. Tổng thuỷ điện vừa và nhỏ cả nước đến nay là 330 nhà máy với công suất lắp máy 7.666 MW. Nhân dữ liệu trung bình này lên thì biết, ta đã mất khoảng 21 nghìn hecta rừng, 11 nghìn hecta sông suối. Chắc chắn đây là cách phát triển nghịch Thiên mất rồi. Hệ sinh thái bền vững bị đảo lộn. Trời làm ra thiên tai chỉ lấy đi một phần của dân, còn hành vi nghịch Thiên cướp đi thêm mười phần.
Chưa hết, câu chuyện rừng ở ta còn "mập mờ" ở chỗ thế nào là "rừng" và "đất rừng". Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 quy định, rừng tự nhiên là một hệ sinh thái gồm cây lâu năm thân gỗ, cau dừa có chiều cao vút ngọn từ năm mét trở lên. Song tới năm 2018, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp 2017 lại quy định thêm: chiều cao trung bình của cây rừng từ một mét trở lên đối với các kiểu rừng ở điều kiện sinh thái đặc biệt khác cũng là rừng tự nhiên. Như vậy, nhà quản lý đã lùi tiêu chí thế nào là "rừng tự nhiên" để tăng số liệu về diện tích rừng. Mặt khác, khái niệm "đất rừng" là để phát triển rừng, trên đó có thể chưa có cây, chưa có rừng, chưa có rừng đạt tiêu chuẩn, vì thế không thể gộp vào khái niệm "rừng". Điều này làm số liệu thống kê liên quan đến rừng của các bộ khác nhau.
Trên thực tế, 66% rừng tự nhiên đang là rừng nghèo suy kiệt; 30% là rừng trung bình; chỉ khoảng 4% là rừng giàu - chỉ còn ở các vùng rất xa, chưa có giao thông thuận tiện. Sự suy kiệt nguồn rừng tự nhiên là nhân họa làm cho thiên tai dữ dội hơn.
Các bậc minh quân thời xưa khi gặp thiên tai thường tế Trời, tự hạch tội mình đức mỏng làm Trời giận, xin trị tội mình, đừng làm dân khổ. Vua Lê Thánh Tông thời Hồng Đức vào năm 1476 đã tế với Trời: "Chỉ vì thần không có đức, để đến nỗi trăm họ chịu tai ương". Trời động lòng đã cho mưa thuận gió hòa.
Ngày nay, chưa cần tế Trời, chỉ cần các cơ quan quản lý nghiên cứu kỹ báo cáo của Ngân hàng Thế giới nói trên, lập mô hình dữ liệu không gian mặt đất, quy hoạch gắn với rủi ro thiên tai, từ đó quyết định phát triển sao cho thuận Thiên. Dân có an, nước mới mạnh.
Đặng Hùng Võ
Nhận xét
Đăng nhận xét