Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thì thẳng thắn: Sạt lở ngày càng nghiêm trọng do phát triển quá nhiều thủy điện nhỏ.
Bên hành lang Quốc hội ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà đã đưa quan điểm không khuyến khích phát triển thủy điện nhỏ bằng mọi giá. Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thì thẳng thắn: Sạt lở ngày càng nghiêm trọng do phát triển quá nhiều thủy điện nhỏ.
Tàn phá thiên nhiên làm gia tăng thảm họa
Trước hết, cần phải khẳng định, thiên tai luôn khó lường và con người không bao giờ đủ sức mạnh để chống lại thiên tai. Những trận siêu bão có thể phá hủy mọi công trình vật chất, cướp đi nhiều sinh mạng ở bất kể quốc gia nào, dù nghèo, dù đang phát triển hay phát triển. Nước Mỹ hay Nhật Bản, những năm gần đây cũng đã chịu không ít hậu quả của các trận siêu bão.
Đầu năm 2019, sau những ngày mưa lớn ở các vùng thuộc miền Trung Tây nước Mỹ, 2 đập ở bang Michigan đã vỡ, hơn 1 vạn người phải sơ tán, 3 người chết và 74 thành phố phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Giữa năm 2018, chỉ sau bốn ngày của trận lũ lụt lịch sử tại miền Trung và Tây Nam Nhật Bản, số người thiệt mạng đã tăng lên 122 và hàng chục người vẫn mất tích. Đã có thời điểm chính quyền ra lệnh sơ tán đối với hơn 4 triệu người. 48.000 người thuộc các lực lượng quân đội, cảnh sát và cứu hỏa đã được huy động để tìm kiếm những người bị thương, bị mắc kẹt trong các căn nhà hoặc để tìm kiếm người mất tích.
Đồng thời cũng cần phải khẳng định, việc đổ lỗi gây lũ lụt hoàn toàn do thủy điện như không ít ý kiến đang om sòm vừa qua là không chính xác. Thực tế đã chứng minh các công trình thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Thác Bà, Tuyên Quang… đã làm tốt chức năng giảm lũ cho vùng hạ lưu trong mùa mưa, điều tiết nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất vào mùa khô, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các địa phương, thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, tạo công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, những công trình thủy điện có chức năng giảm lũ, điều tiết nước chỉ đếm trên đầu ngón tay (trong tổng số gần 400 công trình thủy điện đang vận hành trên cả nước). Từ Hà Tĩnh trở vào, địa hình hẹp nên việc xây các công trình thủy điện lớn là bất khả thi. Và đó là lý do đại đa số các công trình thủy điện ở miền Trung là vừa và nhỏ.
Ông Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi phân tích: Cấu tạo địa chất của miền Trung khác với các tỉnh miền núi phía Bắc (đất bị phong hóa thành bột nên khi mưa xuống dễ bị sạt trượt). Đất ở miền Trung có lượng đất sét lớn, lớp đất này chồng lên lớp đất kia và bám dính với nhau bằng một lớp đất sét. Khi diện tích rừng tự nhiên còn lớn, đất còn ướt do mưa xuống nước được giữ lại, lớp đất sét này phát huy được độ kết dính. Nhưng rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên đã mất đi toàn bộ, chỉ còn lại một phần rất nhỏ là các khu bảo tồn. Đất đai miền Trung đã khô cằn, các thảm thực vật mất và thủy điện mọc lên. Nắng hạn kéo dài làm đất sét bị phong hóa, đất sét biến thành bột, mất đi tính kết dính, và chỉ một trận mưa lớn, đất trương nở, khối đất nặng thêm dẫn đến trượt lở lớn.
Ông Hồng nhận định, từ năm 2013 đến nay, thủy điện nhỏ phát triển quá nóng ở miền Trung, làm mất nhiều diện tích thảm thực vật. Riêng tỉnh Quảng Nam đang hứng chịu tang thương đã có gần 50 dự án thủy điện nhỏ. Huyện Nam Trà Mi có thủy điện Nước Lah tại xã Trà Vân và Trà Don, thủy điện Trà Leng tại xã Trà Dơn, thủy điện Tăk Lê tại xã Trà Nam, thủy điện Trà Linh 1 tại xã Trà Linh và xã Trà Cang. Tất cả đều là thủy điện nhỏ.
Ông Hồng thông tin: “Theo thống kê, mỗi 1MW làm thủy điện sẽ lấy đi khoảng 30ha rừng”, có nghĩa, với 78,6 MW của bốn công trình thủy điện đó, 2.358ha rừng đã phải “hy sinh”. “Sạt lở đất vốn là hiện tượng khó đoán định, chính vì vậy khi xảy ra thường gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Ngoài những nguyên nhân khách quan thì còn có một nguyên nhân do chính con người tác động vào tự nhiên do phá rừng, khai thác mỏ, xây dựng thủy điện” – ông Hồng khẳng định.
Chúng ta đang trả giá
Là Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu), nhiều năm nghiên cứu, đau đáu trước những biến động của các dòng sông trên khắp Việt Nam, cũng không ít lần kiến nghị dừng các dự án làm tổn hại đến “mạch máu quốc gia”, PGS.TS Đào Trọng Tứ đã phải thốt lên: “Chúng ta đang trả giá cho việc ồ ạt xây dựng thuỷ điện”.
Ông Tứ cho biết, ông đã từng đưa ra những bằng chứng khoa học và kinh nghiệm thế giới, rằng, nếu làm thuỷ điện mà không được xem xét thấu đáo từ quy hoạch, xây dựng, vận hành thì chính con người sẽ phải trả giá. Thủy điện phục vụ cho an ninh năng lượng, nhưng nếu quy hoạch phát triển thủy điện không hợp lý, vận hành không tuân thủ, thủy điện sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đến thiên nhiên, con người và có thể gây nên thảm họa khi có sự cố.
Ông Tứ phân tích: “Hệ thống sông Vu Gia và Thu Bồn rất ngắn, có các hồ chứa không lớn, nên hầu như năm nào người dân Đại Lộc, Quảng Nam cũng gánh hậu quả. Thuỷ điện An Khê – Kanak (Gia Lai) chặn đập để chia nước sông Ba đem sang sông Kôn (Bình Định) phát điện đã gây hàng loạt hệ luỵ, nhưng để khắc phục điều này càng khó hơn”. Ông nhấn mạnh: “Phải nói ngay là thủy điện không phải là nguyên nhân tạo nên lũ. Vấn đề ở đây là câu chuyện vận hành hồ chứa. Đó mới là nguyên nhân gây ra tác hại của thủy điện đối với vùng hạ lưu.
Nếu vận hành đúng, hợp lý, hồ chứa thủy điện cũng không tăng thêm quá nhiều tác động. Những năm qua chúng ta chứng kiến một sự vận hành không hợp lý. Nếu chứa nước quá sớm thì khi mùa lũ đến không còn chỗ chứa buộc phải xả. Mà xả lượng nước quá lớn, quá gấp làm lũ trên sông lên rất nhanh gây khốn khổ người dân. Như thuỷ điện An Khê – Kanak vừa gây hại mùa khô và gây lũ trên sông Ba khi xả lũ”.
Có thể nói, rất nhiều hồ chứa thủy điện hiện nay đều không có tác dụng giảm lũ mùa mưa và tăng nước mùa khô, hoặc trực tiếp gây ra thảm họa như ông Tứ phân tích. Cụ thể, tháng 6/2019, thủy điện Sử Pán 1 (xã Bản Hồ, Sapa, Lào Cai) đột ngột xả lũ giữa đêm. Sở Công thương Lào Cai cũng đã khẳng định, thủy điện Sử Pán 1 không tuân thủ quy trình vận hành xả lũ hồ đập, cùng lúc xả lũ 4 cửa khi không hề thông báo với tỉnh hay người dân để chủ động phòng tránh gây lũ quét tại Bản Hồ. Đến mức, như người dân kể lại, cả nửa thế kỷ, chưa bao giờ họ thấy có trận lũ quét nào kinh hoàng như vậy.
Tác hại của thủy điện nhỏ nói chung, hậu quả của khâu buông lỏng giám sát, quản lý nói riêng đã gây hậu quả nhãn tiền. Thực tế, năm 2013, 6 dự án thủy điện bậc thang và 418 dự án thủy điện nhỏ đã được loại khỏi quy hoạch. Thế nhưng từ đó đến nay, các công trình thủy điện nhỏ khác vẫn liên tục được xây dựng. Đơn cử vài cây số dọc quốc lộ 4D qua xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã có đến 4 dự án thủy điện nhỏ. Trong đó, Dự án nhà máy thủy điện Nậm Thi 2, thủy điện Chu Va 1 đã đi vào vận hành… Sự tràn lan của các công trình thủy điện nhỏ càng khiến chúng tôi nhớ đến lời ông Nguyễn Tài Sơn (chuyên gia tư vấn, thiết kế xây dựng thủy điện): Khâu quan trọng nhất là khảo sát thì lại thường bị chủ đầu tư bỏ qua để tiết kiệm tối đa chi phí. Ngoài ra, không phải công trình nào cũng được đơn vị tư vấn nghiêm túc, nhiều chủ đập làm theo kiểu đối phó, thuê những đơn vị thiếu kinh nghiệm.
Với thiên tai chồng chất nhân tai như sơ lược kể trên, không biết rồi con người còn phải gánh chịu những hậu quả tàn khốc nào?
Trần Quân – Đặng Dũng
Nhận xét
Đăng nhận xét