Kinhtedothi - Theo Bộ NN&PTNT, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
TIN LIÊN QUAN
Trung bình mỗi tháng xảy ra hơn 800 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp
- Hướng tới tổng kết các Nghị quyết lớn về kinh tế nông lâm nghiệp
- Phát triển lâm nghiệp bền vững thông qua cấp chứng chỉ rừng
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, tỷ lệ che phủ rừng tại Việt Nam đã tăng từ 37,7% (năm 2011) lên 42% (năm 2020). Rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ và tăng diện tích nhờ khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh, phục hồi. Diện tích rừng trồng sản xuất cũng tăng nhanh.
Mặc dù vậy, Bộ NN&PTNT đánh giá, chất lượng rừng tự nhiên còn thấp. Cụ thể, chỉ có 15% diện tích rừng giầu, 35% diện tích rừng trung bình, còn lại khoảng 50% diện tích rừng tự nhiên là nghèo, nghèo kiệt. Đặc biệt, tình trạng suy giảm diện tích rừng do chặt phá trái phép và cháy rừng vẫn còn lớn.
Tổng hợp từ năm 2011 đến nay, cả nước đã để xảy ra trên 198.000 vụ vi phạm pháp luật quy định về bảo vệ và phát triển rừng; trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 22.000 vụ. Dù số vụ vi phạm có giảm qua các năm nhưng thiệt hại về tài nguyên rừng vẫn rất lớn.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011 đến nay, tổng diện tích rừng bị thiệt hại là trên 22.800ha. Trong đó, diện tích rừng bị cháy khoảng 13.700ha, còn lại do bị chặt phá trái phép. Bình quân mỗi năm, Việt Nam suy giảm khoảng 2.500ha rừng.
Lý giải về nguyên nhân suy giảm diện tích rừng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, tình trạng di dân tự do là yếu tố đầu tiên và vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Kéo theo đó, người dân phá rừng để lấy đất trồng rừng, chuyển sang trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp. Đồng thời, khai thác gỗ có giá trị thương mại cao tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng đánh giá, chính quyền cơ sở ở một số nơi còn thiếu kiên quyết để ngăn chặn việc phá rừng. Bên cạnh đó, đầu tư cho công tác bảo vệ rừng còn thấp; kết cấu hạ tầng lâm nghiệp yếu kém và còn nhiều bất cập. Đây là nhóm những nguyên nhân chính khiến diện tích rừng bị suy giảm trong nhiều năm qua.
Nhận xét
Đăng nhận xét