TTO - Một số địa phương chia sẻ rằng với cách trồng rừng mới - tạm gọi là 'cách mạng trồng rừng' - có thể hi vọng vào việc không chỉ đạt số lượng mà chất lượng rừng cũng tốt hơn.
Tại một vài địa phương ở Quảng Bình, dù chưa phải quá rầm rộ nhưng ba năm gần đây, người dân đã thay thế cây keo lai ngắn ngày bằng những rừng gỗ lớn.
Quảng Bình: dân tự trồng rừng gỗ lớn
Ông Mai Văn Minh, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, cho biết đến thời điểm này trên toàn tỉnh đã trồng được hơn 4.000ha rừng gỗ lớn với Công ty lâm nghiệp Long Đại và Công ty lâm nghiệp Bắc Quảng Bình được lấy làm chủ lực. Ông Minh nói đây sẽ là hướng đi mới vô cùng có giá trị không chỉ với kinh tế mà quan trọng hơn là với môi trường tự nhiên.
Trước khi tỉnh này có chủ trương chuyển đổi việc trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, nhiều người dân tại tỉnh này đã chủ động trồng rừng bằng các loại cây gỗ bản địa mang lại hiệu quả cao.
Ông Ðinh Xuân Niệm ở xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa đang sở hữu một khu rừng trồng độc đáo và có giá trị với hơn 2.000 cây lim, 500 cây sưa, 500 cây vàng tim và 5.000 cây trầm gió cùng nhiều cây gỗ quý hiếm khác.
Rừng lim của gia đình ông hiện nhiều cây đã có đường kính 0,4 - 0,5m. Ba năm nay, gia đình ông có thêm nguồn thu từ việc thu sản phẩm phụ của khu rừng, trong đó có nấm lim - sản phẩm dược liệu quý hiếm.
Hơn 20 năm trước, ông Ngô Văn Lý ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch cũng đã trồng rừng bằng giống cây dẻ và huỵnh. Khi ông Lý qua đời, con trai ông là Ngô Thế Anh tiếp tục phát triển rừng gỗ lớn của cha.
"Giờ nhiều người đến mua gỗ huỵnh trong khu rừng của gia đình để về làm nhà hoặc đóng tàu thuyền, mỗi năm gia đình tôi xuất khoảng 100.000 cây huỵnh và sưa giống cho người trồng rừng ở các tỉnh" - anh Thế Anh cho biết.
Thừa Thiên Huế: khuyến khích trồng cây bản địa
Một số người dân tại tỉnh này thay vì chọn trồng keo ngắn tuổi đã chuyển sang trồng keo lâu năm hơn và được cấp chứng chỉ FSC (tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp).
Ông Mai Ân (xã Phong Thu, huyện Phong Điền) cho biết trước đây ông có trồng hơn 2ha cây keo có chứng chỉ FSC và đã thu hoạch đợt đầu. Ông Ân nói rằng cây keo trồng có chứng chỉ FSC phải trồng từ 7-10 năm mới có thể thu hoạch nhưng bán cao gấp đôi so với cây keo trồng ngắn tuổi từ 4-5 năm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Dũng, phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế, cho biết hiện nay diện tích trồng keo, tràm trên địa bàn đang có xu hướng giảm dần. Một phần nguyên nhân là do tỉnh này đang thay đổi, vận động người dân chuyển từ trồng keo ngắn ngày sang trồng cây rừng bản địa như lim, chò, sao đen...
"Chúng tôi đang tiếp tục triển khai việc trồng cây bản địa có hiệu quả kinh tế cao, góp phần hạn chế sạt lở ở sườn đồi, núi, phủ xanh tán rừng và có giá trị kinh tế có thể gấp 2, gấp 3, thậm chí 4 lần so với cây keo ngắn tuổi" - ông Dũng nói.
Nghệ An: hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn
Ông Nguyễn Văn Bằng - phó phòng sử dụng và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An - cho hay từ năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An đã có cơ chế chính sách hỗ trợ 50% giá cây giống keo lá tràm, keo tai tượng, sao đen (ươm bằng hạt hoặc nuôi cấy mô) đạt tiêu chuẩn cho hộ nông dân trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được giao, hoặc cho thuê trong vùng quy hoạch sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ 50% giá cây giống cây bản địa (lim xanh, lát hoa, trám) cho các hộ dân trồng rừng trên đất lâm nghiệp được giao, hoặc cho thuê trong quy hoạch vùng sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn được phê duyệt.
Nhờ vậy, tính đến nay tổng diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt hơn 9.000ha. "Rừng gỗ lớn sử dụng đa mục đích không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao, mà còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất..." - ông Bằng nói.
Theo quy hoạch, đến năm 2025, Nghệ An sẽ có 18 huyện trồng 148.000ha gỗ lớn, trong đó diện tích chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ 19.000ha, rừng trồng mới 72.000ha, trồng lại 57.000ha.
Nhận xét
Đăng nhận xét