Các doanh nghiệp đang rất nỗ lực, tìm mọi cách để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong những tháng cuối năm
Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tính đến ngày 15-10, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,072 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu các sản phẩm ngoài gỗ như mây, tre, lá cũng tăng đến 25%, đạt 450 triệu USD.
Gỗ, thép tăng trưởng ấn tượng
Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết sở dĩ các doanh nghiệp (DN) gỗ đạt được thành tích xuất khẩu tốt trong tình hình khó khăn là nhờ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhiều khách hàng trước đây thu mua đồ gỗ từ Trung Quốc đã chuyển đơn hàng sang Việt Nam để tránh bị đánh thuế cao. Kế đến là dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất tại nhiều nước nhưng nhờ Việt Nam kiểm soát được dịch nên sản xuất ít bị ảnh hưởng.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những ngành tăng trưởng mạnh hiếm hoi trong năm 2020 .Ảnh: NGUYỄN HẢI
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều DN gỗ cho hay đến thời điểm này họ đã đủ hợp đồng cho cả năm, thậm chí có đủ đơn hàng cho cả năm 2021. Có DN do năng lực sản suất có hạn nên không ký thêm hợp đồng vì lo ngại không giao hàng đúng tiến độ. "Công ty tôi chỉ dám nhận đơn hàng từ những khách hàng cũ, làm ăn với nhau trong nhiều năm qua, còn khách mới thì từ chối (chủ yếu là khách trước đây làm ăn với Trung Quốc)" - ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific, nói và cho biết năm nay công ty ông vẫn xuất khẩu ổn định tương đương năm ngoái, với kim ngạch hơn 30 triệu USD và chủ yếu xuất đi các thị trường châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, theo ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long, giá trị xuất khẩu năm nay của doanh nghiệp này tăng hơn 10% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, điều mà các DN gỗ lo lắng nhất lúc này là tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng. Bởi sau dịch Covid-19, nhiều lao động đã về quê nhưng không quay lại làm việc, trong khi đơn hàng ngày càng tăng. Thời gian qua, DN gỗ đã tăng cường tuyển lao động nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều DN đã phải từ chối bớt đơn hàng do thiếu lao động cũng như năng lực sản xuất chưa thể đáp ứng. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, để giải quyết bài toán thiếu lao động, DN phải đầu tư hàng trăm ngàn USD để nhập khẩu máy móc công nghệ cao, tự động hóa.
Chưa hết, các DN còn đang lo lắng về tình trạng thiếu nguyên liệu gỗ vì một số nước nhập khẩu dăm gỗ trước đây không còn ưa chuộng.
Tương tự ngành gỗ, xuất khẩu thép đã phục hồi và có sự tăng trưởng ấn tượng trong vài tháng gần đây. Theo số liệu mới từ Hiệp hội Thép Việt Nam, xuất khẩu thép các loại tháng 9 đạt 497.535 tấn, tăng 7,66% so với tháng trước và tăng 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tập đoàn Hòa Phát, một trong những DN nắm thị phần lớn về sản xuất và xuất khẩu thép, xác nhận chỉ trong tháng 10 vừa qua, xuất khẩu thép thành phẩm của DN đạt gần 62.000 tấn, gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động xuất khẩu thép thành phẩm và phôi thép cũng tiếp tục tăng trưởng tốt. Lũy kế 10 tháng, thép thành phẩm xuất khẩu của Hòa Phát đạt 435.000 tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Xuất khẩu thép của Trung Quốc giảm 20% so với cùng kỳ do nước này tập trung đầu tư công, vực dậy kinh tế sau dịch Covid-19 là nguyên nhân gián tiếp giúp sản phẩm của các nước như Việt Nam tiêu thụ tốt.
Lo dịch bệnh bùng phát cuối năm
Với gạo, một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thông tin đến hết tháng 10, kim ngạch đã đạt hơn 2,6 tỉ USD nên các DN đang nỗ lực hết sức để đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm là hơn 3 tỉ USD (năm 2019 đạt 2,81 tỉ USD). "Năm nay, nông dân đã cố gắng tăng diện tích nhưng do ảnh hưởng thời tiết nên sản lượng không tăng, sản lượng xuất khẩu giảm so với năm ngoái nhưng nhờ mặt bằng giá cả năm nay cao nên kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng. Trong tháng 10, xuất khẩu gạo giảm khá mạnh, chủ yếu do thị trường chính là Philippines đã hết hạn ngạch nhập khẩu. Tuy nhiên, có nhiều cơ sở cho thấy nước này sẽ sớm nhập khẩu gạo trở lại, giúp gạo Việt Nam tăng tốc từ nay đến cuối năm" - ông Nam nhìn nhận.
Trong ngành, Công ty Đầu tư Phát triển công nghệ An Đình duy trì được tăng trưởng xuất khẩu ổn định từ tháng 6 đến nay. Ông Nguyễn Thanh Nhị, giám đốc công ty, hào hứng khoe: "Chúng tôi chỉ sụt giảm xuất khẩu trong 2 tháng 4 và 5, rồi sau đó hồi phục ngay. Tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu của công ty tăng 10% về lượng và duy trì để không sụt giảm trị giá. Tỉ suất lợi nhuận cả năm dự kiến không giảm. Các thị trường chủ yếu vẫn là EU, Mỹ, Úc...".
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Nhị, tuy các thị trường xuất khẩu đều gặp khó khăn trong năm nay nhưng công ty ông lần đầu tiên phát triển được thị trường Nhật và bước đầu xuất khẩu gạo sang đây, dù số lượng chưa nhiều. Ông Nhị nhận xét yêu cầu chất lượng gạo của Nhật cao hơn các thị trường Mỹ, EU và Úc nên đây có thể coi là thị trường "cao giá" để DN tập trung phát triển. "Dự kiến năm 2021, sau khi thị trường Úc hết dư địa tăng thêm, công ty sẽ tập trung phát triển thị trường Nhật Bản, Mỹ và EU. Chắc chắn tăng trưởng xuất khẩu năm sau sẽ tốt hơn năm nay" - ông Nhị lạc quan.
Bên cạnh những triển vọng ở nhiều lĩnh vực xuất khẩu, một số ngành khác lại bày tỏ sự lo ngại trong những tháng tới khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Cụ thể, châu Âu (EU) - một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - đang chứng kiến làn sóng Covid-19 thứ hai. Nhiều nước châu Âu bắt đầu thực hiện đợt phong tỏa mới để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP HCM, cho biết các DN đang theo dõi chặt chẽ thị trường EU để lên phương án ứng phó trong thời gian tới, đặc biệt là những DN có thị phần xuất khẩu lớn qua khu vực này. Hiện, đơn hàng với khách EU vẫn có nhưng nhiều đối tác đã xin giãn hoặc chậm thanh toán từ 3-6 tháng, thậm chí một vài đối tác lùi lịch thanh toán sau 9 tháng...
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết xuất khẩu toàn ngành 10 tháng ước đạt 13,38 tỉ USD, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là mức sụt giảm xuất khẩu quý III đã giảm đáng kể so với quý II. Theo đó, sụt giảm xuất khẩu quý II so với cùng kỳ năm trước lên tới 21% thì tới quý III, mức giảm chỉ còn 10%. "Dự kiến trong quý cuối năm, mức sụt giảm xuất khẩu sẽ còn ít hơn nữa bởi đã có tín hiệu đơn hàng quay trở lại, dù không được như những năm trước. Một số DN bắt đầu tuyển dụng công nhân mới hoặc gọi công nhân nghỉ việc quay trở lại. Tình hình không còn căng thẳng như nửa đầu năm nữa" - bà Xuân thông tin.
Liên quan đến Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA), bà Xuân tin tưởng đây là cơ hội phục hồi tốt cho ngành da, giày Việt Nam bởi lợi thế ưu đãi từ thuế rất lớn. Trong khoảng 1 tỉ USD xuất khẩu sang EU 2 tháng 8 và 9 vừa qua, có khoảng 400 triệu USD sản phẩm tận dụng được lợi thế về thuế từ hiệp định nói trên.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-11
TP HCM tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu
Tại TP HCM, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng khi 10 tháng ước đạt 36,71 tỉ USD (chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu của cả nước), tăng 5,5% (cả nước chỉ tăng 4,7%). Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay để tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới, Sở Công Thương đã trình UBND TP đề án"Phát triển xuất khẩu trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, Sở Công Thương tham mưu, đề xuất một số quan điểm, định hướng chiến lược và giải pháp chính để thúc đẩy phát triển hoạt động xuất khẩu trên địa bàn đến năm 2030.
Một trong những giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, góp phần tăng tỉ lệ giá trị sản xuất trong nước, xây dựng chuỗi sản xuất, lắp ráp sản phẩm cơ khí của TP để chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất ngành cơ khí thế giới. Song song đó, nâng cao năng lực xuất khẩu sản phẩm dịch vụ phần mềm, nội dung số...
Nhận xét
Đăng nhận xét