GD&TĐ - Loại gỗ có mùi thơm dễ chịu, có thể chống mối mọt, ngăn ruồi nhặng được bà con xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) trưng dụng vào việc dựng những nếp nhà sàn truyền thống.
Thơ mộng những nếp nhà cổ
Hàng nghìn đời nay vẫn trung thành với nếp nhà độc đáo được làm bằng gỗ pơmu nên người dân xã Ngọc Chiến lấy làm tự hào. Họ bảo rằng, trước đây khi rừng còn nhiều, chưa bị cấm khai thác thì không chỉ nhà cửa, mà ngay đến củi đốt cũng từ loại gỗ quý này mà ra.
Từ thị trấn Mường La, ngược suối Chiến khoảng bốn chục cây số là đến những bản làng nổi tiếng với kiến trúc nhà sàn gỗ pơmu. Những con dốc thoai thoải trải dài bên dòng suối róc rách càng thêm mơ mộng, khi mùi thơm êm dịu ngọt ngào tỏa ra từ những nếp nhà gỗ pơmu.
Ông Lò Văn Pháng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến nói rằng, từ xa xưa thì Ngọc Chiến đúng là “cái nôi” của những nếp nhà sàn cổ. Một trong các lý do khiến người dân nơi đây dùng gỗ quý như pơmu để dựng nhà được giải thích rất đơn giản, rằng ông trời ban cho dân bản những cánh rừng pơmu bạt ngàn nên các cụ xưa đã dùng loại gỗ này chứ không có quan niệm gỗ quý - gỗ xấu.
Chỉ cách nay khoảng hai chục năm, rất khó gặp ở Ngọc Chiến một ngôi nhà nào không được làm từ gỗ pơmu. Từ nhà dân đến trường học đều được chọn nguyên liệu từ loại gỗ này. Thậm chí đến máng nước, hàng rào, cầu treo và củi đốt cũng được người dân dùng gỗ pơmu một cách phổ biến.
Các cao niên trong làng nói rằng, những cánh rừng gỗ pơmu ở Ngọc Chiến trước kia nhiều bạt ngàn. Nó được ví như những cánh đồng lúa ở vùng đồng bằng, hay như những bãi cỏ ở thảo nguyên. Pơmu là thứ sẵn nhất ở Ngọc Chiến, nó nhiều hơn cả lúa gạo nên người dân mới dùng làm củi đốt.
Hiện nay, dọc con đường nối từ Ngọc Chiến sang huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), còn những ngôi nhà sàn gỗ pơmu nổi bật bên những đồi đất gan gà. Có những ngôi nhà dù đã hoàn thành vài năm nhưng mùi thơm vẫn còn thoang thoảng trong gió.
Lại có những ngôi nhà sàn cổ kính, gỗ nhuộm màu thời gian trở nên xám ngoét, có đôi chỗ rêu phong phủ kín càng làm cho khung cảnh bản làng thêm thơ mộng.
Theo tìm hiểu, Ngọc Chiến có hơn mười bản làng, trước đây các gia đình của địa phương đều dùng gỗ pơmu dựng nhà. Nhưng bây giờ, do nguồn gỗ cạn kiệt, giá cả quá cao nên chỉ những gia đình giàu có mới đủ khả năng làm nhà sàn truyền thống bằng loại gỗ quý hiếm này.
“Làm phép” cho gỗ pơmu
Theo ông Lò Văn Pháng – Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, địa phương có 3 dân tộc chủ yếu sinh sống là Thái, Mông và La Ha. Trong đó, người Thái chiếm đa số và cũng là dân tộc có truyền thống làm nhà sàn bằng gỗ pơmu độc đáo nhất.
Tuy nhiên, để dựng được nếp nhà sàn truyền thống với gỗ pơmu không phải đơn giản. Theo người dân ở bản Nà Tâu, chủ nhà phải tích gỗ vài ba năm mới đủ số lượng dựng một ngôi nhà sàn nhỏ. Còn nếu nhà sàn lớn thì phải tích trong 5 năm, thậm chí 10 năm nếu lượng gỗ khan hiếm như hiện nay.
Rừng ở Ngọc Chiến khá đa dạng, trước đây khi được khai thác tự do thì người dân bỏ công vào rừng tìm kiếm. Trai tráng ăn ngủ cả tháng trong rừng để cưa cây xẻ gỗ. Kinh nghiệm của người dân Ngọc Chiến là không bao giờ chặt gỗ khi vỏ có màu xanh ánh nâu hoặc xám, vì khi ấy cây pơmu còn non.
Những cây pơmu được dân bản chọn lựa là gỗ già khi trên vỏ có các vết nứt theo chiều dọc, có mùi thơm. Các lá được sắp xếp trong các hệ thống cành nhánh nhỏ bằng phẳng, với các nhánh cây nhỏ nằm trên một mặt phẳng.
Gỗ được chuyển về theo nhiều cách, nhưng hầu hết là người dân cho trâu khỏe kéo gỗ từ trong rừng ra. Vì địa thế rừng Ngọc Chiến khá phức tạp nên chỉ có trâu khỏe mới đủ sức kéo những cây gỗ lớn ra khỏi những cánh rừng rậm rạp. Khi đủ gỗ, gia chủ sẽ chọn ngày lành mời thầy mo đến làm lễ cúng ma tổ (tổ tiên - PV).
Đặc biệt, gia chủ phải nhớ gốc và ngọn cây gỗ, không để ngọn cắm xuống đất theo quan niệm kiêng kỵ của dân gian. Vì thế khi làm lễ, thầy mo phải hỏi gia chủ một cách kỹ càng để “làm phép” cho từng cây gỗ như thể chúng cũng có linh hồn.
Kéo khách đến bản nhà cổ
Sau cả nghìn đời sống với những nếp nhà sàn từ gỗ pơmu, Ngọc Chiến được coi là nơi quy tụ những ngôi nhà sàn cổ kính, độc đáo và quý hiếm nhất hiện nay. Hàng trăm ngôi nhà cổ lớn nhỏ chênh vênh bên sườn núi thách thức thời gian, gió bão khắc nghiệt.
Ông Quàng Văn Toàn ở bản Khua Vai là thành viên trong đội bảo vệ rừng Ngọc Chiến cho biết: “Nhiều người ở các thành phố lớn vẫn lên Ngọc Chiến xem xét và trả giá mua nhà sàn. Có những ngôi nhà đẹp được trả giá tiền tỉ nhưng rất hiếm ai ở Ngọc Chiến đồng ý bán”.
Ông Toàn nói rằng, nếu cứ xét theo giá gỗ thị trường thì hơn chục bản ở Ngọc Chiến này đều là người giàu. Có những nếp nhà pơmu cỡ lớn, cổ kính giá trị nhất thì cũng vài tỉ đồng, còn cỡ nhà pơmu nho nhỏ thì cũng không dưới 1 tỉ. Tuy nhiên, người dân địa phương không ai tính vậy, họ chỉ biết giữ được nếp nhà sàn pơmu là giữ được truyền thống cha ông.
Theo tính toán của người bản địa, để làm được một ngôi nhà sàn đúng nghĩa thì cần ít nhất 15m3 gỗ pơmu. Ngôi nhà sẽ có đủ 34 cột vuông và 2 cầu thang. Một ngôi nhà sàn cổ phải đủ 5 gian và được lợp bằng lá gianh hoặc gỗ pơmu.
Loại gỗ này lợp rất chắc chắn và chống nhiệt tốt. Tuy nhiên, hiện nay nhiều ngôi nhà sàn hiện đại được cách tân xây bằng tường vôi phía dưới và lợp tôn bên trên.
Mỗi viên “ngói” lợp nhà sàn được xẻ từ gỗ pơmu rộng 50cm và dài 1m đan lồng lên nhau. Các hoa văn họa tiết ở cột kèo được thiết kế khá tinh vi hình rồng phượng hoặc hoa lá. Tuổi thọ của ngôi nhà sàn pơmu có thể lên tới 100 năm mới phải trùng tu lại.
Vui nhất với bà con Ngọc Chiến là những nếp nhà sàn truyền thống bằng loại gỗ thơm như nước hoa này đã và đang được dùng vào việc “hái ra tiền”. Bà con nói rằng, mô hình du lịch cộng đồng sẽ đưa những người có tiền đến với địa phương, ở trong những ngôi nhà sàn này.
Bà Mùa Thị Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La cho hay, đầu tháng 7/2020, UBND huyện Mường La đã phối hợp với Tổ chức Actiom Poverty Việt Nam khai trương mô hình du lịch cộng đồng tại xã Ngọc Chiến.
Đến nay, dự án đã hỗ trợ 5 hộ gia đình tại bản Nà Tâu, bản Lướt cải tạo nhà ở để triển khai mô hình du lịch cộng đồng. Các cơ sở lưu trú được xây dựng và trang trí bình dị, gần gũi với thiên nhiên, mang đậm nét đặc trưng của dân tộc Thái trắng.
Nhận xét
Đăng nhận xét