8.500 ha rừng, trong đó có hơn 7.700 ha rừng tự nhiên biến mất trong chỉ 5 năm (2016- 2020) ở Gia Lai. ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp đã nói đúng: Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại tăng lên.
Một bức ảnh chụp vệ tinh ngã ba biên giới đã được các ĐBQH dùng để chất vấn về tình trạng mất rừng. Bằng mắt thường, bất cứ ai cũng dễ dàng nhận ra phần thảm rừng phía Việt Nam nhàn nhạt, đến trơ trọi.
Hôm qua, có một con số từ Tây Nguyên phần nào chứng minh cho bức tranh tương phản ấy: Trong chỉ 5 năm qua, từ 2016-2020, hơn 8.500 ha rừng, trong đó có trên 7.700 ha rừng tự nhiên đã biến mất ở Gia Lai.
2016 cũng là năm Thủ tướng kiên trì với quyết định đóng cửa hoàn toàn rừng tự nhiên.
Phá, đến mức có những Ban quản lý rừng (BQL)- BQL rừng phòng hộ Đức Cơ được giao quản lý hơn 15.000 ha rừng nhưng đã để “biến mất” 6.000 ha (2011-2016), đến năm 2019, thêm hơn 2.900 ha rừng bị tàn phá.
Con số ở Gia Lai, lưu ý, cũng mới chỉ là số liệu được tổng hợp từ các kết luận thanh tra, kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng đối với 21 ban quản lý rừng do Thanh tra tỉnh Gia Lai thực hiện.
Nhưng chắc chắn câu chuyện này không chỉ ở Đức Cơ, không chỉ ở Gia Lai, càng không chỉ ở Tây Nguyên.
Trung tâm thiên nhiên và con người từng cho biết: 59 ban quản lý rừng phòng hộ trên cả nước- đã 168 lần thay đổi diện tích rừng, trong đó 118 lần thay đổi giảm. Lý do là thay đổi quy hoạch rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, từ rừng sang thuỷ điện, khoáng sản...
Phá, và để mất, và “thay đổi”... đến độ chúng ta không hiểu đó là những ban quản lý rừng hay ban phá rừng, đến độ có người nói kiểm lâm, với lâm tặc ở nhiều nơi chỉ khác nhau ở mức độ phá, đến mức giống như có một thứ phá rừng hợp pháp vậy.
Nói đến Gia Lai, nói đến Tây Nguyên, nói đến phá rừng không thể không nhắc lại phát biểu nghị trường của nữ ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp: Cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỉ lệ che phủ rừng trong khi “Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2. Không có một con gì sống được ở trong rừng đó”. Bà Ksor H’Bơ Khăp còn nói: cây cao su không chỉ trồng ở Tây Nguyên mà còn trồng cả ở Tây Bắc.
Và nữ ĐBQH đã nói đúng: Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại tăng lên.
Những con số rất đẹp được công bố trước nghị trường, về diện tích rừng, về tỉ lệ % độ che phủ, vơ trong đó cả những cánh rừng “không một con gì sống nổi”, không hề có thảm thực vật giữ nước- liệu có ý nghĩa gì không khi đồng nghĩa với nó là mưa lũ khốc liệt, là tính mạng, là sự trắng tay của biết bao nhiêu đồng bào?
- Nhận đường liên kết
- Ứng dụng khác
Nhãn
Bảo vệ rừng- Nhận đường liên kết
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét