Có một bộ phận là cán bộ bảo vệ rừng lại tàn phá rừng bằng cách sử dụng những bộ bàn ghế gỗ đồ sộ, trang trí gỗ trong nhà.
Ngày 7/11/2020, ông Nguyễn Văn Đực bày tỏ sự đồng tình trước câu trả lời của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trước chất vấn của ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp về tác động của thủy điện nhỏ đến việc thiên tai, mất rừng khi Bộ trưởng cho rằng mất rừng là do con người có tư duy sai trái khi "trong nhà dùng toàn đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã”.
Ông Đực nhắc lại việc các chuyên gia lên tiếng cảnh báo về các loại động vật hoang dã được con người sưu tập để ngâm rượu không có giá trị về mặt dinh dưỡng cũng như tác động tới sức khỏe con người.
Thậm chí việc ngâm rượu các động vật hoang dã còn có thể trở thành độc dược ảnh hưởng tới tính mạng con người nhưng do thói đua đòi, quan niệm sai lầm mà nhiều người vẫn bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để sưu tầm những bộ phận cơ thể động vật hoang dã để ngâm rượu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà. |
Không những thế, nhiều người còn có sở thích sưu tầm thể xác của động vật hoang dã để trưng bày trong nhà để thể hiện sự ăn chơi, uy quyền của mình, muốn làm chủ thiên nhiên.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng bỏ ra rất nhiều tiền để trang trí đồ gỗ trong nhà, mua cho mình những bộ bàn ghế gỗ đồ sộ sử dụng, trưng bày tại phòng khách khiến cho bất kỳ ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ.
"Những người này hoặc có điều kiện về mặt kinh tế hoặc là người có quyền, có thể là một số cán bộ kiểm lâm hay bảo vệ rừng.
Đây là một điều nghịch lý. Đáng ra, họ là những người có tiền hoặc có quyền, là tầng lớp trí thức cao trong xã hội, có sự am hiểu về kiến thức khoa học hoặc pháp luật nhưng vẫn có tư duy sai trái hoặc cố tình làm sai để chạy đua theo sở thích, phong trào để thể hiện sự quyền uy của mình.
Một người dân lao động bình thường thì không thể nào bỏ ra cả tỷ đồng để sử dụng những bồ đồ gỗ đất tiền hay động vật hoang dã để ngâm rượu hoặc trưng bày được" - ông Đực cho biết.
Bản thân ông Đực cũng chứng kiến nhiều người bạn có điều kiện kinh tế hay một số vị cán bộ làm trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường, cán bộ kiểm lâm nhưng trong nhà toàn đồ gỗ, thể xác động vật hoang dã.
"Đơn cử nhất là hình ảnh một vị nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT tươi cười chụp ảnh khi đang ngồi trên một bộ bàn ghế gỗ nguy nga tráng lệ trong chính ngôi nhà của mình. Hay khi tôi tới nhà một vài người bạn thì họ hồ hởi giới thiệu nào là rượu ngâm với bộ phận động vật này kia...
Đáng lẽ ra những người đó phải biết xấu hổ vì đang gián tiếp góp phần tàn phá rừng nhưng họ lại không nghĩ như vậy mà giới thiệu với đầy vẻ tự hào, huênh hoang cho rằng như thế mới là nhất, là hào nhoáng, là ăn chơi đẳng cấp.
Gỗ và động vật hoang dã đó từ đâu mà có? Có người nói rằng gỗ đó lấy từ Lào, Campuchia hay Nam Phi về nhưng tôi cho rằng dù lấy ở đâu thì cũng là từ rừng mà trước hết là rừng ở Việt Nam sau đó rộng hơn là lấy từ thiên nhiên con người chúng ta" - ông Đực bày tỏ.
Phá rừng là do người dân còn có tư duy sai trái! |
Theo ông Đực, câu trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà trước chất vấn của ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp mới chỉ nêu được thực trạng chứ chưa đưa ra được giải pháp giải quyết thực trạng này.
"Trước đây chúng ta thường nói đến truyền thông, tuyên truyền như là giải pháp cho vấn đề này nhưng điều đó là chưa đủ mà phải có chế tài xử lý cụ thể đối với những trường hợp đó" - ông Đực kiến nghị.
Bên cạnh đó, ông Đực cho rằng, việc phá rừng là do làm thủy điện là điều hoàn toàn đúng đắn. Có những tính toán của giới làm thủy điện cho thấy, việc lấy gỗ từ diện tích rừng bị phá khi làm thủy điện đã đủ kinh phí cho việc xây dựng chính dự án thủy điện đó, còn chuyện kinh doanh thủy điện sau đó lỗ lãi thế nào không quan trọng.
"Chính lợi nhuận từ việc lấy gỗ từ đất làm thủy điện đó khiến nhiều nhà đầu tư muốn lao vào các dự án thủy điện để lấy đi đất rừng làm thay đổi dòng chảy, thiên nhiên... gây ra các vụ lũ quét, sạt lở mà người dân sống trong vùng dự án phải chịu hậu quả trực tiếp.
Bộ trưởng Bộ TN&MT trả lời đúng về mặt nguyên nhân nhưng chưa đầy đủ và chưa đưa ra được giải pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng. Cần phải có thêm những quy định cụ thể, trường hợp phá rừng là cán bộ cụ thể bị xử lý thì mới thuyết phục được mọi người" - ông Đực nêu quan điểm.
Ngọc Vân
Nhận xét
Đăng nhận xét