(Khoa học) - Theo chuyên gia, lấy rừng nghèo, rừng giàu hay rừng trung bình làm hồ chứa nước cũng như nhau vì chức năng điều tiết nước không khác nhau là mấy.
Rừng nghèo chỉ nghèo về gỗ
Vấn đề chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án hồ chứa nước Sông Than (Ninh Thuận) và dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) đang được Quốc hội bàn thảo, thu hút sự quan tâm của dư luận và các nhà khoa học. Trong đó, dự án hồ Sông Than phải chuyển 100,63 ha rừng phòng hộ đầu nguồn, dự án Hồ Bản Mồng phải chuyển 312,95 ha.
Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia đều đề nghị Quốc hội cân nhắc rất kỹ trước khi cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện theo dự án nêu trên.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) cho rằng, nhu cầu làm hồ chứa nước ở hai địa phương nêu trên, đặc biệt là Ninh Thuận, rất cấp thiết vì đây là vùng khô hạn. Thế nhưng, không nên vì thế mà hy sinh hàng trăm hecta rừng phòng hộ.
Bên cạnh đó, một trong những lý do được cơ quan chức năng đưa ra khi làm dự án là diện tích rừng bắt buộc phải chuyển đổi đều là rừng nghèo, nghèo kiệt, theo GS Huỳnh, là không thuyết phục.
"Rừng nghèo, nghèo kiệt tức là không có các cây gỗ lớn để khai thác, còn thảm thực vật, các cây bụi... vẫn có giá tị nhất định về sinh thái và đảm bảo chức năng của nó: chống sạt lở và chính nó là chỗ để giữ nước, tăng độ ẩm.
Trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, yêu cầu bảo vệ rừng càng trở nên cấp thiết. Thậm chí, rừng nghèo kiệt vẫn nên để nó tự phục hồi và một số năm nữa có thể trở thành rừng có giá trị kinh tế kinh tế. Trong tự nhiên, nếu mưa thuận gió hòa thì rừng có thể tự phục hồi, không cần sự can thiệp của con người, các cây cỏ vẫn có giá trị kinh tế, vẫn đảm bảo cuộc sống cho người dân, đồng thời góp phần bảo vệ nguồn nước. Đừng chỉ nghĩ trước mắt, cho rằng đó là rừng không có giá trị, nghèo kiệt mà đánh đổi cũng không sao", nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật nêu rõ.
Công trình trọng điểm Hồ chứa nước Bản Mồng. Ảnh: NNVN |
Cùng quan điểm, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung (Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng) khẳng định, lấy rừng giàu, rừng trung bình hay rừng nghèo, nghèo kiệt làm hồ chứa nước cũng như nhau. Ở đây chỉ quan tâm đế khả năng điều tiết nước, mà khả năng này giữa các loại rừng trên không khác nhau nhiều lắm, có chăng rừng giàu thì mật độ cây cao hơn, điều tiết nước tốt hơn rừng nghèo.
"Thà giữ 1ha rừng nghèo còn hơn trồng 1ha rừng có giá trị kinh tế cao", GS Nguyễn Ngọc Lung nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, người làm công tác phòng hộ không cần gỗ trong rừng, họ chỉ cần biết rừng giúp điều tiết nước khi mưa xuống, nước thấm sâu xuống đất thành nước ngầm, không chảy tràn trên bề mặt. Còn người kinh doanh, buôn bán gỗ mới nói rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo.
"Nói rừng giàu, rừng trung bình hay rừng nghèo chỉ là về mặt gỗ. Rừng giàu có nhiều gỗ quý, trên 200m3 gỗ/ha, còn rừng trung bình có khoảng 150m3 gỗ/ha; dưới 100m3 gỗ/ha là rừng nghèo và phải nuôi dưỡng nó thì mới lên được rừng giàu, rừng trung bình.
Thế nhưng, rừng nghèo vẫn là rừng tự nhiên, vẫn có tác dụng không kém rừng tự nhiên có cây gỗ tốt. Cụ thể, nó vẫn có hệ thống che phủ trên mặt đất, tầng lớp lá nọ lá kia, tầng thảm mục, hệ rễ vẫn đan chằng chịt vào nhau để mưa xuống là thấm ngay xuống thành nước ngầm.
Rừng nghèo, rừng kiệt tác dụng vẫn tốt hơn rừng trồng rất nhiều. Tôi nhấn mạnh, loại rừng này chỉ nghèo kiệt về mặt gỗ, còn tác dụng về phòng hộ, điều tiết nước vẫn tốt như thường, nhưng đáng tiếc là lâu nay ít ai giải thích điều này", Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng chỉ rõ.
Đã có nhiều bài học
Đề nghị các đại biểu Quốc hội cân nhắc kỹ càng, thận trọng trước khi quyết định chuyển đất rừng phòng hộ làm hai hồ chứa nước, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nhắc lại bài học lũ lụt, sạt lở ở miền Trung trong thời gian qua, trong đó có một phần nguyên nhân là rừng bị phá để làm thủy điện.
"Địa hình Ninh Thuận còn tương đối bằng phẳng, còn Nghệ An có địa hình, địa chất phức tạp, núi non hiểm trở nhiều nên càng phải thận trọng", GS Huỳnh nói và cho rằng, cơ quan chức năng có thể tìm một phương án khác, có thể không thuận lợi bằng phương án cũ, và tốn kém hơn nhưng vẫn chuyển được nước từ nơi khác về nơi đang quy hoạch làm hồ chứa.
"Phải thay đổi quan điểm, đừng nghĩ rằng đó là phương án tốt nhất, phục vụ được người dân tại chỗ mà quên mất nó có thể gây hại cái khác. Quan trong là phải giữ được rừng, mà giữ được rừng tức là bảo vệ được người dân ở vùng đó", GS Huỳnh nhấn mạnh.
Về việc thực hiện dự án hồ chứa nước sông Than và dự án hồ chứa nước Bản Mồng, chiều 5/11, trong phiên thảo luận toàn thể hội trường về KT-XH, NSNN tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo làm rõ một số vấn đề liên quan.
Về dự án của bản Mồng và sông Than, lý giải tại sao đến thời điểm này mới báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích rừng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, dự án hồ chứa nước Bản Mồng phê duyệt từ năm 2009, trong đó có 2 hợp phần là hợp phần xây dựng toàn bộ dự án hồ là do Bộ NN-PTNT quản lý thực hiện. Hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chủ trì thẩm định, phê duyệt thực hiện cả về phía diện tích của tỉnh Thanh Hóa và diện tích của tỉnh Nghệ An.
Tại thời điểm năm 2009, theo Nghị quyết số 66 thì triển khai dự án Bản Mồng, năm 2011 thì dự án phải tạm dừng vì lý do không có kinh phí theo tình hình chung. Năm 2017, sau khi dự án được bố trí tiếp tục vốn để chuẩn bị triển khai thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa tổng rà soát lại diện tích đất sử dụng. Đặc biệt là đất rừng thì diện tích rừng phòng hộ nâng lên là 312,95 hecta. Chính vì thế, dự án phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết lý do của rừng phòng hộ tăng từ 94 hecta lên 312,95 hecta là do:
Thứ nhất là tại thời điểm phê duyệt dự án năm 2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cập nhật thiếu số liệu rừng phòng hộ của tỉnh Thanh Hóa. Hai, theo quy định của pháp luật, sau 10 năm có nhiều thay đổi. Ví dụ, tiêu chí để tính rừng là diện tích rừng liền khoảnh trước đây của chúng ta theo luật cũ là 0,5 hecta, theo luật mới bây giờ là 0,3 hecta. Vì vậy, tự nhiên diện tích rừng này phải tăng lên
Thứ hai, về thẩm quyền và thủ tục pháp lý. Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 02 đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thì Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, trên thực tiễn thì đến tháng 8/2020 thì 2 tỉnh Ninh Thuận và Nghệ An mới hoàn thành bộ hồ sơ này trình lên. Chính vì thế, cho đến thời điểm này Chính phủ mới báo cáo được Quốc hội.
Ngày 15/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 83 để thực hiện Luật Lâm nghiệp, trong đó đã đề cập đối với dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng trong nội dung quy định chưa xác định diện tích rừng được chuyển mục đích sử dụng rừng sang làm mục đích khác. Trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Quốc hội thì giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện trình tự, thủ tục tổng hợp hồ sơ dự án, báo cáo Chính phủ xem xét trình với Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Chính vì vậy, Chính phủ trình với Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của dự án sông Than, Ninh Thuận và dự án Bản Mồng, Nghệ An là phù hợp với quy định hiện hành.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, sau khi Quốc hội đồng ý về mặt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì Bộ NN-PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Bản Mồng. Đối với dự án sông Than, UBND tỉnh Ninh Thuận trình với Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Về diện tích rừng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, nhiệm vụ của các Dự án là tạo hồ chứa nước 225 triệu m3, cấp nước cho 18.000 hecta đất nông nghiệp, cấp tạo nguồn cho hạ lưu của lưu vực sông cả với tốc độ là 22m3/s để cấp cho hệ thống Bắc và Nam thủy lợi của Nghệ An. Hợp phần thủy điện chỉ kết hợp tận dụng lưu lượng xả về hạ du để phát điện theo lịch cấp nước của bên thủy lợi. Đây là trường hợp tận dụng, không liên quan đến tăng dung tích của hồ chứa, vì vậy không tăng diện tích rừng.
Về dự án tái định cư của hợp phần về phía Thanh Hóa, Bộ trưởng Cường cũng cho hay, ở đây có 118 hộ là đồng bào dân tộc. Vừa qua, đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đi kiểm tra nguyên tắc của xây dựng dự án tái định cư để bảo đảm cho đồng bào có điều kiện tốt hơn chỗ cũ kể cả về nơi ở, đất sản xuất, sinh kế. Đồng thời Bộ sẽ yêu cầu tỉnh Nghệ An tập hợp đầy đủ những nội dung này vào các dự án hợp phần tái định cư của phía Thanh Hóa để thực hiện.
Thành Luân
Nhận xét
Đăng nhận xét