Ứng dụng công nghệ mới trong công tác bán hàng được xem là "nước cờ" sớm, nhằm duy trì và nâng cao hiện diện của doanh nghiệp trên thị trường thế giới của ngành chế biến gỗ.
Tìm kênh phân phối, thương mại mới
"Chậm nhất là tháng 5, những lô hàng nội thất Việt Nam sẽ có mặt trên các kênh bán hàng của Yes4all, một trong những "seller" đứng đầu đang hoạt động tích cực trên các trang web bán hàng điện tử hàng đầu Amazon, Ebay...", ông Dzung Nguyễn, CEO Cổ Phần Công Nghệ Thông Tin HMD, thành viên của Yes4All, có trụ sở ở California, Hoa Kỳ tiết lộ.
Đây là kết quả của hành trình đàm phán và chuẩn bị dài hơi giữa Yes4all với NCT - thương hiệu nội thất chuyên xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.
Là thương hiệu tham gia kinh doanh trên những sàn thương mại điện tử lớn của thế giới từ những thời gian đầu, Yes4all có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc phục vụ khách mua hàng qua màn hình máy tính.
Tuy nhiên, sản phẩm kinh doanh chính của Yes4all là các mặt hàng dụng cụ thể thao.
Lý giải về việc mở rộng thêm ngành hàng, ông Dzung Nguyễn cho biết, khảo sát thói quen mua hàng online của người dùng tại Mỹ và thị trường các quốc gia phát triển cho thấy, nội thất sẽ là mặt hàng được đón nhận trong tương lai.
"Như việc mua dụng cụ nhà bếp, nội thất đã được người dùng hiện đại xem là hàng tiêu dùng và hoàn toàn có thể kinh doanh trên các trang bán hàng thế giới. Đã đến lúc các đơn vị kinh doanh nội thất nghiên cứu mở thêm kênh phân phối mới, cụ thể là online", ông Dzung Nguyễn nói.
Các mặt hàng nội thất dần được đẩy mạnh thương mại qua online (Ảnh minh hoạ).
Theo đánh giá của The New York Times, sự hấp dẫn của các chuỗi cửa hàng nội thất đã bắt đầu mờ dần khi các trang web thương mại điện tử nổi tiếng như Etsy, Amazon và Wayfair gia tăng cung cấp các mặt hàng tương tự, thường có giá thấp hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho rằng, thương mại điện tử chính là giải pháp tốt nhất cho ngành chế biến gỗ trong bối cảnh hiện nay, khi mà Covid 19 đang "cản đường", các đơn vị mua hàng không thể đến tham dự các hội chợ xúc tiến thương mại, tiếp cận, tham quan nhà máy như truyền thống và người mua hàng ngại đến các showroom.
“Tiến đến O2O sẽ là cách thích ứng nhanh nhất cho các biến động hiện nay”, ông Dũng khẳng định.
Tiếp cận nhà mua hàng xuyên biên giới
O2O (Online To Offline) là mô hình kinh doanh bán lẻ kết hợp cả hình thức trực tuyến (Online) và truyền thống (Offline) để phát huy tốt nhất nguồn lực của doanh nghiệp.
Đây là mô hình mà doanh nghiệp sẽ sử dụng các công cụ trực tuyến để tiếp cận và từ đó tác động vào hành vi mua sắm của khách hàng để tăng trưởng doanh thu.
Dựa vào các kênh trực tuyến như mạng xã hội, website hay các ứng dụng khác, doanh nghiệp sẽ tiếp cận và truyền tải những thông điệp đến người mua như thông tin về sản phẩm, nhà máy, quy trình sản xuất, thiết kế….
Các thông điệp này sẽ thúc đẩy động cơ mua hàng và khách hàng sẽ có xu hướng đi đến của hàng Offline, liên hệ trực tiếp đơn vị sản xuất và tiến hành đặt mua sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, đối với các doanh nghiệp bán hàng Offline đơn thuần, việc truyền tải thông tin đến khách hàng sẽ vô cùng hạn chế.
Theo thống kê gần đây, có đến 88% khách hàng sẽ tìm kiếm thông tin về sản phẩm trên công cụ trực tuyến trước khi đến cửa hàng để tiến hành mua. Các nhà mua hàng xuyên biên giới cũng vậy (Ảnh minh hoạ).
Nếu chỉ giữ phương thức Offline, doanh nghiệp đã đánh mất đi một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn để có thể hợp tác với khách hàng của mình.
“Đã được chứng minh hiệu quả trong việc giúp doanh nghiệp tiếp cận người dùng cuối, với phương thức kinh doanh B2B, doanh nghiệp trong ngành đang hy vọng O2O cũng có thể giúp mang đến giải pháp toàn diện để tiếp cận tất cả đối tượng khách hàng, từ người dùng cuối đến các đơn vị thu mua”, ông Tiến cho biết.
Ông Trần Việt Tiến, Uỷ viên Ban chấp hành Hội thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, dịch bệnh đang ảnh hưởng lớn đến quốc gia xuất khẩu nội thất hàng đầu thế giới, dẫn đến việc thị trường toàn cầu đang khủng hoảng nguồn cung.
Dù vậy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu đơn hàng vì "bế quan tỏa cảng" do dịch bệnh, dẫu rằng, đã chuẩn bị những mẫu mã mới cũng như ý tưởng bán hàng cho những năm tới.
Ví dụ rõ nét nhất trong mô hình O2O là “ông trùm nội thất” IKEA, khi ứng dụng thực tế ảo vào mô hình kinh doanh nội thất.
Thực tế đã chứng minh, giải pháp này có thể giúp doanh nghiệp mở rộng tầm với kết nối khách hàng từ xa trên không gian mạng, tiết kiệm được tối đa chi phí diện tích mặt bằng, kiểm soát hàng tồn kho, thay đổi mẫu thiết kế tức thì khi có yêu cầu từ khách…
Trở lại giá trị cơ bản
Để ứng dụng O2O không đơn giản. Mô hình này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhân lực lẫn khả năng tài chính, cơ sở hạ tầng hay những nền tảng kỹ thuật.
Đơn cử, công nghệ 3D, thực tế ảo hiện nay có thể giúp người mua thấy được sản phẩm, kéo gần khoảng cách giữa nơi sản xuất đến người tiêu dùng hay nhà bán lẻ.
Khách hàng có thể tiếp cận thực tế mô hình nhà xưởng, sản phẩm là trải nghiệm tốt cho đối tác tiềm năng.
Tuy nhiên, giá thành cũng như nhân lực để có thể vận hành, tổ chức showroom ảo cũng sẽ là bài toán lớn.
Thách thức lớn không kém là doanh nghiệp dù tiếp cận được nhiều khách hàng online nhưng cũng không được quên đi tầm quan trọng của hệ thống offline, nghĩa là showroom, nhà xưởng...
Bởi cuối cùng, một trong những yếu tố quan trọng nhất để khách hàng lựa chọn sản phẩm vẫn là trải nghiệm thực tế.
"Ngành gỗ mới chỉ đang ở những bước đi đầu tiên nhưng chiến lược của họ thể hiện được sự nhạy bén và thức thời.
Nếu kiên trì và chọn được những đối tác công nghệ đồng hành hiệu quả, trong tương lai, xuất khẩu sản phẩm gỗ sẽ không dừng ở mức phần lớn gia công như hiện nay mà tiếp cận được giá trị thương mại, khung giá trị cao nhất trong bài toán kinh doanh", ông Nguyễn Ngọc Dũng dự báo.
Các ứng dụng công nghệ và trải nghiệm online chỉ mang khách hàng, đối tác đến, thực lực chính mới là yếu tố để khách hàng quyết định.
Giá trị sản xuất của thị trường nội thất toàn cầu ước tính khoảng 140 tỷ USD.
Tuy nhiên, giá trị kinh doanh của thị trường này lên đến 310 tỷ USD, khi có thêm 3 giá trị còn lại gồm thiết kế, thương mại, thương hiệu.
Trong định hướng phát triển ngành chế biến gỗ Việt Nam, các nhà hoạch định chiến lược đã xác định rõ, trong tương lai đích đến của ngành chính là khung giá trị thặng dư cao hơn, thay vì chỉ là giá trị sản xuất như hiện nay.
Nếu ứng dụng O2O, ngành gỗ không chỉ mở rộng hơn ảnh hưởng của mình với nhà mua hàng mà còn có khả năng tiếp cận người dùng cuối.
Nhận xét
Đăng nhận xét