Hoạt động trong bối cảnh tiêu dùng thay đổi liên tục, dịch bệnh… tạo áp lực và thách thức buộc các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ phải đổi mới, cải tiến mọi hoạt động và trong đó, chuyển đổi số là chìa khoá cốt lõi.
Áp lực lớn
Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng trên thế giới, ngành chế biến gỗ Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ. Cụ thể, dăm gỗ là mặt hàng được xuất nhiều nhất vào Trung Quốc trong năm qua với kim ngạch lên đến 972,2 triệu USD, chiếm đến 79,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc. Thế nhưng, hiện các công ty sản xuất giấy, bột giấy tại Trung Quốc ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng khiến các doanh nghiệp cung cấp dăm gỗ của Việt Nam gặp khó khăn về đầu ra.
Ngành gỗ đang từng bước đưa ra các giải pháp vượt qua những thách thức về nhân lực, công nghệ...
Không chỉ vậy, việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất cũng khiến doanh nghiệp Việt Nam khốn đốn. Trung Quốc là quốc gia cung cấp các loại ván lớn nhất cho Việt Nam với giá trị nhập khẩu gần 400 triệu USD, chiếm 60% tổng tổng kim ngạch các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam. Chỉ riêng trong năm 2019, ngành gỗ đã bỏ ra gần 2,55 tỷ USD để nhập khẩu gỗ nguyên liệu vào Việt Nam. Thế nhưng Covid-19 đã làm cho nguồn cung này dừng lại. Và lượng hàng doanh nghiệp đã nhập trước đó chỉ đủ nguyên liệu sản xuất trong 1 - 2 tháng tới.
Chia sẻ tại toạ đàm “Mô hình 2O2: Nền tảng kinh doanh từ offline đến online” do Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức hồi đầu tháng 3/2020, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch HAWA cho rằng, dịch Covid-19 đang tạo nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Khó khăn trước mắt buộc doanh nghiệp phải đổi mới, tăng khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh. “Chi phí nhân công ở Trung Quốc đang tăng lên, đồng thời nước này cũng đang bị Mỹ điều tra chống bán phá giá. Kết hợp với bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, sản xuất gỗ tại Trung Quốc đang trì trệ”, ông Nguyễn Chánh Phương cho biết.
Không chỉ dịch bệnh, các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ còn đối mặt với nhiều vấn đề khác như sự chuyển đổi không gian số quá nhanh, hành vi tiêu dùng thay đổi liên tục… Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số là một trong những chìa khoá quan trọng giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Bởi việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số toàn diện sẽ giúp doanh nghiệp ngành gỗ tăng khả năng tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường, tối ưu hoá cơ hội bán hàng.
Số hoá doanh nghiệp
Đầu tháng 3/2020, 3 hiệp hội gỗ lớn nhất Việt Nam gồm Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai và Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương đã ký kết với Tập đoàn FPT đẩy mạnh chuyển đổi số. Hợp tác này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp ngành gỗ tiếp cận những công nghệ mới nhất.
Với năng lực, kinh nghiệm đã được tích lũy hàng chục năm, sở hữu các giải pháp công nghệ chuyển đổi số ưu việt cùng đội ngũ chuyên gia hàng đầu, FPT sẽ giúp các doanh nghiệp của các hiệp hội này có được chiến lược chuyển đổi số tốt nhất và kịp thời nhất. FPT sẽ xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ cho ngành chế biến gỗ, góp phần số hóa các hoạt động quản trị văn phòng cho các hiệp hội và thành viên, tư vấn và giới thiệu các công nghệ và thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Theo các chuyên gia, sự chuyển hướng của các khách hàng lớn trên toàn cầu ra các khu vực ngoài Trung Quốc đã mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp ở thị trường trẻ, sáng tạo và năng động như Việt Nam. Đẩy nhanh tốc độ và thích ứng nhanh chóng bằng việc tối ưu hoạt động quản trị vận hành, tiết giảm chi phí là điều mà các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần ưu tiên để có thể tiên phong bứt phá trên thị trường. Và chuyển đổi số là một trong những chìa khoá giúp các doanh nghiệp giải quyết vấn đề trên.
Trong vai trò của đơn vị triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp ngành gỗ, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, cốt lõi của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, học máy, dữ liệu lớn, điện toán đám mây. Những sản phẩm tích hợp và tận dụng sức mạnh của các công nghệ lõi trên có thể giúp DN ngành gỗ hoạch định và tối ưu bài toán vận hành, cắt giảm từ 30 - 70% chi phí.
Không chỉ có thế, việc ứng dụng số hoá giúp hệ thống nhà máy sản xuất có thể được vận hành tự động và kiểm soát theo thời gian thực, tiến đến tương lai của các nhà máy không bóng đèn và người vận hành. Từ đó, việc vận hành, sửa chữa, khắc phục sự cố được thực hiện liền mạch, nâng cao năng suất và tối ưu chi phí một cách đột phá.
Công nghệ của chuyển đổi số cũng giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng liền mạch. Theo đó các khách hàng có thể được hỗ trợ, giải đáp liên tục, chính xác, và có thể nhận được sự bảo trì, chăm sóc thường xuyên nhờ hệ thống vạn vật kết nối, điện toán đám mây. Điều này giúp doanh nghiệp nhanh chóng có những đột phá về mô hình và tốc độ. “Vấn đề quan trọng và cần kíp nhất lúc này là các doanh nghiệpgỗ Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để có được những kết quả đột phá chỉ trong thời gian ngắn”, ông Trương Gia Bình nhận định.
Chế biến gỗ là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất với 15%/năm trong 18 năm qua, cao gấp 5 lần so với tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 10,5 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2018. Theo mục tiêu mà Chính phủ giao, đến năm 2025 ngành gỗ sẽ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD và trở thành trung tâm đồ gỗ nội thất của thế giới. Để đạt mục tiêu này, ngành gỗ đang từng bước đưa ra các giải pháp vượt qua những thách thức.
Nhận xét
Đăng nhận xét