Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, cho biết, cho đến thời điểm này, thu hút đầu tư ngành gỗ vẫn tăng mạnh cả về các dự án mới, số lượt dự án tăng vốn và góp vốn mua cổ phần.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM. Ảnh: H.G
Ông nhận định thế nào về FDI ngành gỗ tại Việt Nam hiện nay?
Có thể thấy, sự lớn mạnh của ngành gỗ trong thập niên trở lại đây có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI ngành gỗ càng tham gia mạnh mẽ vào mọi khâu của chuỗi cung, đặc biệt trong chế biến và xuất khẩu. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sự tham gia của các doanh nghiệp khối FDI ngày càng lớn.
Ngành gỗ đang hướng trọng tâm của mình vào việc mở rộng kim ngạch xuất khẩu. Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho ngành gỗ là kim ngạch đến 2025 phải đạt 20 tỷ USD. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.
Hiện thu hút đầu ngành gỗ vẫn tăng mạnh cả về các dự án mới và góp vốn mua cổ phần; số lượng dự án FDI mới lớn với quốc gia đầu tư đa dạng, tuy nhiên chủ yếu là các dự án thuộc vùng Châu Á.
Nhưng nhìn chung, quy mô dự án đầu tư nhỏ, chủ yếu tập trung vào mảng chế biến gỗ và sản xuất ván nhân tạo. Ngày càng có nhiều địa phương nhận được các dự án FDI đầu tư trong ngành gỗ, tuy nhiên hầu hết các dự án này đều tập trung tại vùng Đông Nam Bộ.
Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI từ một số quốc gia tăng mạnh, đặc biệt tại một số thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDP hiện gần tương đương với kim ngạch xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp nội địa.
Hàng năm, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ của các doanh nghiệp FDI lớn, trong đó chủ yếu là các mặt hàng gỗ nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Dịch Covid-19 làm thay đổi thế nào đến cục diện nền kinh tế, trong đó có ngành chế biến gỗ, thưa ông?
Dịch viêm phổi cấp đã và đang có những tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có thông tin về quy mô của tác động này.
Vào những ngày đầu tiên của dịch, tác động của dịch chưa ảnh hưởng nhiều và trực tiếp vào ngành gỗ, mà nó đánh trực tiếp và các ngành du lịch, dịch vụ…
Tuy nhiên, các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất là Trung Quốc đã làm thay đổi cục diện rất nhiều. Trung Quốc đang thiếu nguồn cung cho thế giới, như vậy, container không xoay vòng đi từ Trung Quốc sang châu Âu, Mỹ, thì việc tăng giá cước của chiều về là hiển nhiên. Và như vậy sắp tới sẽ có sự tăng giá cước của gỗ.
Thứ hai nữa, Trung Quốc đang cung cấp một lượng lớn nguyên liệu, phụ kiện cho thế giới, trong đó có Việt Nam. Có nhiều nhà máy có nguồn gốc Trung Quốc đầu tư ở Bình Dương, Đồng Nai… Như vậy sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung của Việt Nam ra các nước khác. Có vẻ tác động không trực tiếp vào thời điểm đầu, nhưng hiện đang có những tác động rất lớn.
Chúng ta không biết bao giờ dịch này sẽ dừng lại. Cách đây một tuần, dịch ở Trung Quốc đang có những chuyển biến tốt, tuy nhiên dịch lại bùng phát ra các nước xung quanh. Cụ thể dịch diễn ra ở Ý kéo theo một chuỗi các hội chợ diễn ra trên thế giới và Việt Nam bị hủy. Khi không có hội chợ thì chúng tôi không lường trước được việc sẽ chào các sản phẩm mới của mình ra thế giới như thế nào. Và đó là những tác động không nhỏ.
Giờ này việc đưa ra các giải pháp là điều hết sức khó khăn, chúng ta không lường trước được dịch, và với diễn biến kết nối rất liên hoàn như vậy nó sẽ sinh ra những hậu quả gì thì chúng tôi chưa hình dung được.
Tính đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu gỗ vẫn tăng do đơn hàng phát xuất từ 2019. Nhưng sắp tới chúng ta sẽ có khó khăn trong việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu, và một số doanh nghiệp không thể trưng bày ở các hội chợ trong khu vực thì tình hình đơn hàng khó dự đoán hơn các năm trước.
Doanh nghiệp FDI ngành gỗ gặp những cơ hội và thách thức gì khi dịch Covid-19 diễn ra, thưa ông?
Các công ty FDI ngành gỗ cũng có những lợi thế nhất định về tăng trưởng xuất khẩu. Một số công ty đồ gỗ Việt tuy tăng trưởng nhiều nhưng chưa tận dụng hết cơ hội để đầu tư, và đó là điều đáng tiếc.
Trong khi rất nhiều FDI đầu tư vào thì tại sao Việt Nam chúng ta không đầu tư? Những khó khăn như lãi suất cao, nhân lực, đất đai vẫn khó khăn, nhưng đó là khó khăn chung cho tất cả, và cơ hội cho các nhà đầu tư Việt vẫn còn rất nhiều.
Ngoài ra, cơ hội cho thị trường đồ gỗ xuất khẩu là những cơ hội khác mà nhiều người không biết, ví như gỗ trong ngành xây dựng. Hiện Nhật Bản đang mua gỗ trong ngành xây dựng từ Trung Quốc, mà Trung Quốc hiện nay không cung cấp được. Như vậy đây sẽ là cơ hội cho chúng ta…
Nhận xét
Đăng nhận xét