VTV.vn - Sức ép cạnh tranh đòi hỏi nhiều doanh nghiệp gỗ phải đầu tư chuỗi sản xuất để gia tăng nội lực, đáp ứng các đơn hàng.
Do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đơn hàng gỗ từ Mỹ vào Việt Nam đang tăng mạnh. Đây tưởng chừng là một lợi thế cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam nhưng thực chất rất ít doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi. Nguyên nhân là do với công nghệ lạc hậu, các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài đang đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết, hiện có hơn 70% doanh nghiệp chế biến gỗ vẫn đang sản xuất với công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, chi phí vận hành cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc ký kết hợp đồng và mở rộng thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước. Ngược lại, các doanh nghiệp FDI đang có mặt tại Việt Nam lại đang nắm bắt khá tốt với cơ hội này.
Theo các chuyên gia, trong 5 tháng đầu năm, tổng số dự án đầu tư vào ngành gỗ ở Việt Nam là 49 dự án, tăng 1,2 lần so với năm 2018. Con số này dự báo sẽ còn tiếp tục tăng. Vấn đề cần lúc này là đẩy mạnh đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, gia tăng giá trị sản phẩm, năng suất, giảm chi phí vận hành, hạ giá thành… Đây là yếu tố sống còn của nhiều doanh nghiệp ngành sản xuất và chế biến đồ gỗ xuất khẩu trong nước nếu không muốn nhường hết cơ hội cho doanh nghiệp ngoại.
https://vtv.vn/vtv9/doanh-nghiep-go-dau-tu-chuoi-san-xuat-de-tan-dung-co-hoi-xuat-khau-20191003185910991.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét